Hành trình Gỗ Minh Long xây trường ở vùng cao Tây Bắc - Bất Động Sản Sài Gòn

Breaking News

Hành trình Gỗ Minh Long xây trường ở vùng cao Tây Bắc

Bên cạnh hoạt động kinh doanh, Công ty Gỗ Minh Long còn chú trọng thực hiện các hoạt động xã hội. Mới đây, đoàn thiện nguyện của công ty vừa xây dựng trường mới cho các em học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm He. Đó là hành trình vất vả nhưng chứa đựng nhiều tình cảm của nhân viên Gỗ Minh Long. 

Dưới đây là tâm sự của một thành viên tham gia đoàn thiện nguyện về hành trình xây dựng trường ở vùng cao:

Về Hà Nội với khăn áo ấm và ánh sáng đèn của đô thị, trong lòng chúng tôi vẫn không khỏi bồi hồi pha chút tiếc nuối với những tháng ngày ở Điện Biên. Gọi đó là những tháng ngày rong ruổi cũng được, có sao đâu, vì mỗi chúng ta đều đang đi trên con đường của mình, đôi khi vô tình "chập" vào những con đường khác, gặp những mảnh đời khác.

Chúng tôi là những người sống và làm việc tại Hà Nội. Nếu không có dịp gì trọng đại đặc biệt, hoặc không phải đi công tác thì xa Hà Nội quả là những dịp hiếm hoi. Về với Điện Biên, huyện Mường Chà, xã Mường Tùng lại càng là cơ hội hãn hữu.

Có dịp được tiếp xúc và trò chuyện với cô hiệu trưởng, các thầy cô dạy trong trường PTDT BT Tiểu học Nậm He từ chuyến đi tiền trạm trước, lần này, chúng tôi đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho chuyến đi, mang theo một tặng phẩm lớn và nhiều vật phẩm nhỏ, để giúp các em học sinh nội trú chuẩn bị cho mùa rét.

3 tháng xây dựng một điểm trường mới là khoảng thời gian khá dài với nhiều cảm xúc lẫn lộn của các thành viên đoàn. Điểm trường Nậm Cang I nằm gần điểm trường trung tâm, khởi công xây dựng từ tháng 9/2018. Trường có thể xong sớm hơn nếu như không có những trận mưa và sạt lở. Mưa lớn quá thì không thể xây dựng được, sợ phần vì đất sụt, phần vì đường xá khó khăn, xe vận chuyển nguyên liệu không thể tập kết tới điểm xây dựng. Hàng ngày, chúng tôi trông ngóng những bức ảnh từ đầu cầu Điện Biên, từ móng nhà, đến khi xây tường gạch, rồi lợp mái, cho đến lúc sẵn sàng cho ngày trọng đại.

polyad

Các em học sinh về ngôi trường mới - điểm trường Nậm Cang I.

Để chuẩn bị cho chuyến đi, các thành viên trong công ty đã cùng nhau quyên góp những món quà cho các em học sinh. Đó phải là những vật phẩm thiết thực, phục vụ cho các em trong cuộc sống hàng ngày. Trước mắt là việc ăn, ngủ rồi mới tới việc học hành.

Vì vậy, chúng tôi tích góp và ủng hộ mỳ tôm, sách vở cho các em học sinh. Còn chăn màn và những vật dụng khác, nhờ huyện đoàn địa phương mình cùng quyên góp. Những thùng vật phẩm cứ thế được đóng gói, dán nhãn đầy đủ, cẩn thận, gói theo bao niềm kỳ vọng và tình cảm của các anh chị em.

Chúng tôi khởi hành chuyến đi vào ngày Hà Nội trở lạnh. Ai cũng bâng khuâng xao xuyến cho những ngày công tác xa nhà, đi đến vùng núi non xa xôi hiểm trở với hành lý là những tấm áo rét. Thầm nghĩ, Hà Nội đã lạnh rồi, hẳn trên núi phải khắc nghiệt lắm. Các em trên trường sáng thì dậy sớm, chân chỉ đeo dép lê, dép tổ ong, tối ngủ đắp những chiếc mền len mỏng thì khi lên đó mình sao đành mặc những tấm áo khoác ấm?

Những cung đường vòng vèo uốn lượn với một bên là núi đá, cây rừng, một bên là mây mờ đang kéo đến như một gã say sắp đổ ập xuống không gian đưa chúng tôi vào trường trong buổi sáng sớm. Đó là ngày 8/12/2018, ngày khánh thành điểm trường tiểu học Nậm Cang I.

Thời tiết ủng hộ hơn chúng tôi tưởng. Thay vì lạnh cắt da cắt thịt, mảnh đất Điện Biên giống như một lòng chảo, bao quanh bởi núi đồi nên chưa đón nhận gió rét như các tỉnh ở miền Bắc. Các em học sinh, em gái vẫn mặc váy xòe hoa dân tộc, em trai vẫn mặc quần vải ống loe, ngồi xếp thành hàng nghiêm chỉnh chờ đón chúng tôi bằng những cặp mắt vô cùng tò mò và có phần háo hức.

polyad

Các em học sinh tại ngôi trường mới.

Mở thùng xe, những hộp quà đầy ắp dần được các thầy cô giáo hỗ trợ chuyển xuống sân khấu. Chúng tôi gặp những gương mặt thân quen, các thầy cô giáo đã nhiệt tình chào hỏi, nói chuyện với chúng tôi từ chuyến đi tiền trạm lần trước. Về lại trường, không còn cảm giác làm khách đến thăm, mà đó là nơi chúng tôi tuy gắn bó ít ngày nhưng ấn tượng rất lâu và quen thuộc.

Đại diện đoàn - Công ty Gỗ Minh Long đã trao tặng những món quà cho các em học sinh trường PTDT BT Tiểu học Nậm He. Nhiều quà nhưng quả thực còn có phần ít ỏi so với số lượng hơn 500 em học sinh toàn trường. Nhưng có bánh kẹo chia là các em sẽ ăn rất ngon lành, có đồ mới các cô cho thì các em dùng, rất vô tư và ngoan ngoãn, những nét ngây thơ và vui vẻ ánh lên trong khóe mắt, điều mà dần dần đang mất đi nơi phố thị sầm uất.

Một nhóm trong đoàn thiện nguyện được các thầy cô chở bằng xe máy đi đến điểm trường Nậm Cang II, xa và sâu hơn nhiều so với điểm trường trung tâm. Chúng tôi cười nhớ lại chuyến đi tiền trạm, cũng có dịp "hết vía" với con đường đất ngoằn ngoèo đưa chúng tôi về điểm trường cũ. Nhiều anh chị sau khi mang vật phẩm đến điểm trường trở về, cũng "thất thần", nói với chúng tôi "Về đây rồi mới biết mình còn sống!".

Đó cũng là cảm nhận của chúng tôi trong trải nghiệm đầu tiên, nghe vừa buồn cười vừa thương. Có lên đến bản, tận mắt chứng kiến, tận tay trao quà mới thấy các em còn thiệt thòi nhiều, thấy mình còn sung túc và may mắn lắm.

Một người bạn trong đoàn chúng tôi chia sẻ: "Lên trên này rồi mới thấy trước kia mình thật nhỏ nhen". Trước mình vui với niềm vui bé mọn cho mình, hờn giận với nỗi bực dọc của mình, vì mình có nhiều quá mà không biết ngoài kia, cuộc sống với nhiều người thật chẳng dễ dàng. Cũng giống như căn phòng chật chội, càng nhiều đồ thì sẽ càng ít ánh sáng, tâm hồn càng nhiều toan tính, càng khó cảm thông.

polyad

Các em học sinh vùng cao Nậm He.

Các em học sinh nội trú ở điểm trường chính Nậm He đến cuối tuần là về nhà. Nếu tuần ấy không về thì các em ở lại trường, thầy cô chủ nhiệm phải bỏ tiền túi mua thức ăn và nấu cơm cho các em. Công việc của những người làm "chủ nhiệm" ở đây còn kiêm cả kèm cặp thêm các em học sinh vào buổi tối, "quản" các em khi ngủ, vì lên giường từ sớm mà nằm cạnh nhau tụi nhỏ cứ thì thầm nói chuyện rồi rúc rích cười. Nhiều cái thì thầm tạo thành một hợp âm nghe rất lạ tai nếu như ngồi ở phòng bên cạnh. Nhưng hễ cô giáo sang là im bặt. Cứ như thế, phải mấy lần các em mới chìm vào giấc ngủ.

Điểm trường mới được tài trợ xây lại nằm trong bản. Đặt trường ở đó để các em quanh bản tiện đường đến lớp. Trường mà xa quá thì các em sẽ không chịu đi học, bố mẹ cũng không cho đi học, vì đi học thì không có ai làm ruộng, trông em. Cái chữ vì thế mới khó khăn. Học rồi là phải ôn lại. Không ôn lại là quên. Nghỉ hè xong đi học là không nhớ gì hết.

Con đường mòn đến trường cũng như con đường trong tâm trí, cần rèn đi rèn lại mới thành quen. Vì thế các cô giáo mới thấy thật khó, để dạy các em biết đọc phải để cho các em hiểu mình đang nói gì và để có thể giao tiếp thì chính các thầy cô lại cần phải học thêm một ngôn ngữ nữa - tiếng Mông.

Giống như những cây rừng hoang dại, những đứa trẻ vùng cao cứ tự nhiên lớn lên, rất bản năng và không có nhiều mong muốn.

Giống như những cây rừng hoang dại, những đứa trẻ vùng cao cứ tự nhiên lớn lên, rất bản năng và không có nhiều mong muốn.

Vì thế, việc có một điểm trường mới quả là một điều may mắn. Giống như là một điểm đỗ gần, các em đến đây học dễ hơn về tới trường lớn. Con đường ngắn lại đồng nghĩa với niềm vui được nhân lên, cho những quyết tâm được tiếp thêm nghị lực.

Giống như những cây rừng hoang dại, những đứa trẻ vùng cao cứ tự nhiên lớn lên, rất bản năng và không có nhiều mong muốn. Các em không biết đến cả một thế giới vật chất xa hoa cách mình mấy trăm cây số, chỉ ăn ngủ đơn thuần như một cây rau rừng có đất, có ánh nắng và nước suối là lớn lên.

Đó là tuổi thơ, và cũng là một màu sắc riêng có nơi vùng cao. Chúng tôi không mong biến đổi nó, không muốn làm méo mó tất cả những ý định tốt đẹp của lòng người, chỉ muốn là một phần nhỏ trong hành trình sống của các em, góp chút công sức để con chữ đến với bản, để các em hồn nhiên vui trong cái học, vui trong cuộc sống!

Trên đường từ trường về đến thị trấn, mỗi người đều giữ trong mình một nét tâm trạng gì khó tả. Nhưng nhìn bên kia núi, trên những dải đất nâu đã bị sạt, những cây hoa dại lại tiếp tục mọc lên, phất phơ cùng gió.

(Nguồn: Gỗ Minh Long)

No comments

Phan Mem Bao Mat Windows / Thoi Trang Nam / Bat Dong San Sai Gon / Dung Cu Cat