Chứng khoán Nhật Bản, Mỹ đồng loạt lao dốc
Tại Nhật Bản - thị trường chứng khoán lớn nhất châu Á, chỉ số Nikkei 225 sáng nay giảm tới 4,2% ngay khi mở cửa, xuống 19.310 điểm. Đây là lần đầu tiên chỉ số này xuống dưới 20.000 kể từ tháng 9/2017.
So với đỉnh gần nhất hồi tháng 10, Nikkei 225 đã mất hơn 20%, có khả năng rơi vào thị trường giá xuống. Chứng khoán Nhật Bản đến nay vẫn mắc kẹt trong làn sóng bán tháo toàn cầu, châm ngòi bởi hàng loạt lo ngại từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đến việc các ngân hàng trung ương thắt chặt tiền tệ.
Bảng điện tử bên ngoài một công ty chứng khoán tại Nhật Bản. Ảnh: Reuters |
Tâm lý thị trường xuống dốc từ đầu tháng, khiến nhà đầu tư ngoại bán tháo hàng tỷ USD cổ phiếu Nhật Bản. Justin Tang – Giám đốc nghiên cứu khu vực châu Á tại United First Partners cho rằng 20.000 điểm là mốc hỗ trợ quan trọng, phá vỡ mốc này sẽ khiến Nikkei 225 càng giảm sâu.
Trong khi đó, chứng khoán Mỹ hôm qua xuống đáy 20 tháng. S&P 500 đóng cửa giảm 2,7%, Nasdaq mất 2,2% và DJIA mất 2,9%.
Nhà đầu tư trông chờ các tín hiệu ổn định từ Washington. Tuy nhiên, họ lại chỉ nhận được những thông tin gây lo ngại. Bộ trưởng Tài chính Mỹ - Steven Mnuchin hôm qua cho biết đã gọi điện cho CEO các ngân hàng lớn nhất nước vào Chủ nhật. Lãnh đạo các ngân hàng này khẳng định với ông rằng hoạt động vẫn ổn định và thanh khoản vẫn dồi dào. Dù vậy, đây được đánh giá là động thái khá bất thường.
Chứng khoán Mỹ ban đầu đi xuống sau thông tin này, rồi hồi phục. Sau đó, các chỉ số quay đầu giảm sau dòng tweet của Tổng thống Mỹ - Donald Trump: "Vấn đề duy nhất của nền kinh tế hiện giờ là Fed". Trump gần đây thường xuyên chỉ trích các chính sách tiền tệ của cơ quan này. Các rủi ro với Mỹ khi chính phủ đóng cửa cũng khiến nhà đầu tư lo lắng.
Trên thị trường hàng hóa, giá dầu thô Mỹ - WTI hôm qua cũng mất 6,7%, về 42,53 USD một thùng - thấp nhất kể từ tháng 6/2017 do lo ngại sức khỏe nền kinh tế lớn nhất thế giới. Dầu Brent giảm 6,2%, xuống đáy 16 tháng. WTI và Brent đang hướng tới mức giảm 40% trong quý IV.
Hà Thu (theo CNN/Reuters)
No comments