Sôi động những dự án cao tốc lớn năm 2024 - Bất Động Sản Sài Gòn

Breaking News

Sôi động những dự án cao tốc lớn năm 2024

Công tác giải phóng mặt bằng là công tác phức tạp, khó khăn do liên quan, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi và sinh kế của người dân, quá trình triển khai thường kéo dài và ảnh hưởng lớn đến tiến độ các dự án.

Sôi động những dự án cao tốc lớn năm 2024- Ảnh 1.

Thủ tướng yêu cầu các địa phương đẩy nhanh GPMB để khởi công nhiều dự án cao tốc lớn trong năm nay

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các địa phương đã thay đổi trong cách nghĩ, cách làm, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; tăng cường đối thoại trực tiếp với người dân. Lựa chọn vị trí và xây dựng các khu tái định cư với các điều kiện sinh sống tốt hơn và ít nhất bằng với nơi ở cũ; chăm lo đến đời sống, tạo sinh kế ổn định cho người dân sau khi nhường đất, nhà ở, ruộng vườn để xây dựng các dự án.

Nhờ thế, sau 1 năm từ khi các dự án quan trọng quốc gia được thông qua chủ trương đầu tư và sau 6 tháng từ khi nhận được đầy đủ cọc giải phóng mặt bằng, các địa phương đã thực hiện thu hồi để bàn giao cho các chủ đầu tư dự án ít nhất trên 70% diện tích, đáp ứng đủ điều kiện để khởi công.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ GTVT một số địa phương vẫn còn chậm trong triển khai ảnh hưởng đến tiến độ các dự án.

Còn nhiều "điểm nghẽn" cao tốc Bắc - Nam

Theo số liệu báo cáo, đến thời điểm hiện nay Hà Tĩnh đã hoàn tất việc bàn giao 100% mặt bằng cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn, với chiều dài hơn 102km.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều vướng mắc, một số "điểm nghẽn" mất nhiều thời gian nhưng vẫn khó xử lý dứt điểm như trang trại chăn nuôi lợn, di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình điện...

Liên quan đến việc di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, đến nay việc di dời hệ thống điện, đặc biệt là đường điện cao áp (500kV, 220kV) tại các huyện, thị xã vẫn còn rất chậm; một số địa phương như huyện Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh đến cuối tháng 3/2024 vẫn chưa triển khai thi công.

Liên quan đến các dự án di dời đường điện chậm tiến độ, theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Tĩnh, hồ sơ thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở các công trình đã được Bộ Công Thương thẩm định từ tháng 10/2023. Tuy nhiên, hệ thống điện truyền tải là các công trình điện trọng điểm, đặc biệt quan trọng, trong đó lưới điện 500kV thuộc danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh Quốc gia nên quá trình di dời, cải tạo các công trình cần rất nhiều thời gian do thuộc thẩm quyền quản lý của cấp Bộ, ngành Trung ương và việc ngừng giảm, cắt điện phục vụ thi công, đóng điện ảnh hưởng đến việc cấp điện các vùng, các tỉnh, khu vực.

Theo đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh, mặc dù khó khăn nhưng để không ảnh hưởng chung đến tiến độ của dự án trọng điểm quốc gia, địa phương này yêu cầu các địa phương liên quan tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ di dời các công trình điện. Trường hợp để chậm trễ trong công tác GPMB di dời đường điện, ảnh hưởng đến tiến độ chung của toàn bộ dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam thì người đứng đầu các địa phương phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và các cơ quan liên quan.

21km cao tốc từ TPHCM đi Long An sẽ thông xe vào quí 1-2025

Sau thời gian tạm dừng thi công, nhà thầu đã bắt đầu đưa nhân lực, thiết bị đến thi công cao tốc Bến Lức – Long Thành. Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC- chủ đầu tư) cũng đặt mục tiêu hoàn thành và khai thác 21km cao tốc đoạn phía Tây vào quí 1-2025.

Sôi động những dự án cao tốc lớn năm 2024- Ảnh 2.

Cao tốc Bến Lức – Long Thành dài 58km, đi qua tỉnh Long An, TPHCM và Đồng Nai. Tổng mức đầu tư ban đầu 31.320 tỉ đồng từ nguồn vốn vay (hơn 25.000 tỉ đồng) và vốn đối ứng gần 5.690 tỉ đồng., sử dụng vốn vay ADB, JICA và vốn đối ứng trong nước. Dự án có 11 gói thầu xây lắp gồm đoạn 1 phía Tây (gói thầu A1-A4) sử dụng vốn vay ADB, đoạn 2 (gói thầu J1-J3) sử dụng vốn vay JICA và đoạn 3 phía Đông (gói thầu A5-A7) sử dụng vốn vay ADB. Mặt đường tuyến cao tốc này rộng 24m với 4 làn xe chạy và 2 làn dừng khẩn cấp, tốc độ tối đa 120 km/h.

Sôi động những dự án cao tốc lớn năm 2024- Ảnh 3.

Trong ảnh là điểm đầu của cao tốc Bến Lức – Long Thành giao với cao tốc TPHCM – Trung Lương tại địa phận tỉnh Long An. Nút giao này được coi là nút giao phức tạp nhất tuyến khi là điểm giao cắt giữa cao tốc Bến Lức – Long Thành, TPHCM – Trung Lương và đường vành đai 3.

Sau khi thi công trở lại vào cuối năm 2023, các lối lên xuống cao tốc tại nút giao dần lộ rõ hình. Nút giao này thuộc gói thầu A1-1 bao gồm việc thi công phần còn lại của gói thầu A1 (từ km00+600 đến km07+900) do Liên danh Tổng công ty 319 Bộ Quốc phòng – Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam đã trúng thầu. Giá trúng thầu là hơn 447 tỉ đồng, thời gian thực hiện hợp đồng 10 tháng.

Sôi động những dự án cao tốc lớn năm 2024- Ảnh 4.

Trong ảnh là một đoạn cao tốc đi trên cao qua địa phận tỉnh Long An. Các hạng mục phụ trợ như biển báo, lưới chống chói, đèn chiếu sáng, vạch kẻ đường đều đã được hoàn thiện và sẵn sàng sử dụng

Dù cao tốc Bến Lức – Long Thành chưa hoàn thành nhưng các dự án bất động sản dọc tuyến đã hình thành, chào bán. Bên trái ảnh là một dự án khu dân cư tại Cần Giuộc, Long An có giá từ 45 đến 55 triệu đồng/m2.

Đây cũng là nút giao đang được Sở Giao thông Vận tải TPHCM đề xuất mở rộng từ 4 lên 6 làn xe để tránh trường hợp nút giao thành nút thắt cổ chai. Nguyên nhân là do quốc lộ 50 đang mở rộng 6 làn xe nhưng nút giao giữa cao tốc với quốc lộ này chỉ có 4 làn.

Từ nút giao quốc lộ 50 đến nút giao với đường Nguyễn Hữu Thọ dài khoảng 9km. Phần lớn đường trong 9km này được thiết kế đi trên cao bằng cầu cạn.

Tuyến đường công vụ (đường phục vụ thi công dự án) trở thành lối đi tắt của người dân vùng ven TPHCM. Quãng đường này rút ngắn thời gian đáng kể khi đi từ Nhà Bè (TPHCM) đến Cần Giuộc hay Bến Lức (Long An) thay vì đi đường ngoài.

Trong ảnh là hình hài tuyến cao tốc đi qua nút giao Nguyễn Hữu Thọ, cầu Bình Khánh, Phước Khánh. Đi qua cầu Phước Khánh là đến địa phận tỉnh Đồng Nai. Ông Đặng Hữu Vị, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đường cao tốc phía Nam thuộc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), cho biết cầu Bình Khánh, Phước Khánh là hai hạng mục quan trọng của dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành. Cũng theo ông Vị, đề xuất của VEC về việc cho phép sử dụng nhà thầu Việt Nam để thi công phần còn lại của gói thầu J3 (cầu Bình Khánh) vẫn chưa được chấp thuận.

Sôi động những dự án cao tốc lớn năm 2024- Ảnh 5.

Cầu Bình Khánh và Phước Khánh là hai cây cầu có tĩnh không thông thuyền cao nhất Việt Nam.

Đề nghị mở rộng cao tốc TPHCM – Long Thành lên 10 làn xe

TTXVN đưa tin, sáng 3-5, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà họp nghe báo cáo phương án đầu tư mở rộng đoạn cao tốc TPHCM – Long Thành. Đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây giai đoạn 1 đưa vào khai thác từ giữa năm 2016 với tổng chiều dài 55 km, trong đó đoạn TPHCM – Long Thành khoảng 26 km. Hiện tại đoạn cao tốc này đã bị mãn tải và dự kiến đến năm 2025 vượt 25% năng lực thông hành với 4 làn xe hiện hữu.

Việc mở rộng đoạn TPHCM – Long Thành nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển sau khi một số công trình giao thông trọng điểm được đưa vào khai thác như sân bay quốc tế Long Thành giai đoạn 1 với công suất 26 triệu hành khách/năm, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu và các cảng biển khu vực Cái Mép – Thị Vải.

Tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, UBND Thành phố Hồ Chí Minh và UBND tỉnh Đồng Nai… cho rằng cần tính đến phương án đầu tư mở rộng đoạn TPHCM – Long Thành lên 10 làn xe ngay, thay vì 8 làn xe như đề xuất.

Từ phương án này, các ý kiến đã phân tích làm rõ về sự phù hợp với quy định pháp luật đầu tư; hình thức đầu tư; phạm vi, quy mô dự án đầu tư; thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định dự án đầu tư; khả năng cân đối, huy động các nguồn vốn/nghĩa vụ trả nợ; mối quan hệ giữa dự án hiện hữu (được đầu tư theo hình thức đầu tư công) và dự án đầu tư mới.

Kết luận tại cuộc họp, Phó Thủ tướng nhận định dự án mở rộng đoạn cao tốc TPHCM – Long Thành là vấn đề cấp thiết. Việc quyết định phương án đầu tư dựa trên tiến độ và hiệu quả kinh tế nên cần lựa chọn phương án phù hợp để triển khai các bước tiếp theo.

Cao tốc từ TPHCM ra Nha Trang có 5 trạm dừng nghỉ tạm

Đoạn Nha Trang – Cam Lâm tại lối ra trạm thu phí Cam Lâm (Km30+260) có hai cây xăng gồm đường Lập Định – Suối Môn, khoảng cách 1,9km (hướng Nam ra Bắc) và cây xăng trên quốc lộ 1A, khoảng cách 5,5km (hướng từ Bắc vào Nam).Tại đoạn cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo, người dân có thể ra nút giao Phan Rang tại Km93 (hướng Bắc vào Nam) và đi thêm khoảng 2,5km để đến cây xăng Lương Cang (thuộc quốc lộ 27) và Cây xăng Petrolimex số 209 (thuộc quốc lộ 27) cách nút giao 4,5km.Với hướng ngược lại, khi ra nút giao Vĩnh Hảo tại Km135 sẽ có cây xăng Petrolimex số 114 nằm trên quốc lộ 1A (cách nút giao 4,5km) và cây xăng PVOIL CHXD Vĩnh Hảo ( cách nút giao 4,7km).Trên đoạn cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết khi thoát ra các nút giao như:

– Nút giao Vĩnh Hảo (Km135+00) có cây xăng Petrolimex, Km1602 trên tuyến quốc lộ 1A.
– Nút giao Chợ Lầu (Km162+777) có cây xăng dầu Cường Phú, Km10 trên tuyến quốc lộ 1A – Phan Sơn.
– Nút giao Đại Ninh (Km178+800) có cây xăng tư nhân Km2+100 trên tuyến quốc lộ 28B.
– Nút giao Ma Lâm (Km208+700) có cây xăng Hiền Hương Km21+000 trên tuyến quốc lộ 28.
– Nút giao Phan Thiết (Km234+700) có cây xăng Petrolimex, Km1717 trên tuyến quốc lộ 1A.Đoạn cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây chưa xây dựng trạm tạm nên tài xế có thể đi ra nút giao đường tỉnh 765 để đến trạm dừng Đại Phú (địa chỉ 310 đường tỉnh 765, xã Xuân Hiệp, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai); hoặc cây xăng nằm trên đường tỉnh 765 khoảng 1,6km theo hướng ra quốc lộ 1A và khoảng 3km theo hướng ra Vũng Tàu.

Cận cảnh cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo sắp đưa vào hoạt động

Sau khi đi vào hoạt động cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo sẽ nối liền mạch từ Nha Trang đến TPHCM, rút ngắn thời gian chạy xe chỉ còn khoảng 4 giờ thay vì hơn 8 giờ như khi đi theo quốc lộ 1.

Đoạn cao tốc này cũng gần như nối liền tuyến cao tốc cao tốc Bắc – Nam phía Đông (CT.01) từ Nha Trang đến Cần Thơ với tổng chiều dài khoảng 550 km.

Sôi động những dự án cao tốc lớn năm 2024- Ảnh 6.

Tuyến cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo là một trong ba dự án thành phần thuộc Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 được đầu tư theo hình thức PPP do do liên doanh Tập đoàn Đèo Cả – Công ty 194 làm nhà đầu tư.

Sôi động những dự án cao tốc lớn năm 2024- Ảnh 7.

Dự án có tổng chiều dài 78,5km với tổng vốn đầu tư 8.925 tỷ đồng, đi qua 3 tỉnh Khánh Hòa (gần 5km), Ninh Thuận (63km), Bình Thuận (gần 12km). Điểm đầu của tuyến thuộc xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong (Bình Thuận) nối tiếp với đường cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết, theo hướng từ Nam ra Bắc.

Sôi động những dự án cao tốc lớn năm 2024- Ảnh 8.

Làn dừng khẩn cấp được bố trí cách quãng 5km/điểm. Trong ảnh là khu vực bố trí dải dừng khẩn cấp trên tuyến cao tốc.

Sôi động những dự án cao tốc lớn năm 2024- Ảnh 9.

Trên tuyến có 34 cầu, gồm 22 cầu trên đường cao tốc, 11 cầu vượt cao tốc và 1 cầu trên đường kết nối cao tốc với quốc lộ 1 tại nút giao Du Long. Hiện tất cả các hạng mục cầu, đường trên tuyến đều đã được hoàn thiện, sẵn sàng đưa vào hoạt động.

Sôi động những dự án cao tốc lớn năm 2024- Ảnh 10.

Cam Lâm – Vĩnh Hảo là một trong những tuyến cao tốc xây dựng trên địa hình phức tạp, có nhiều cầu cạn vượt thung lũng. Trong đó, cầu số 3 (Km 60) có độ tĩnh không 47,5m, là cầu cạn vắt qua hai ngọn núi ở thung lũng Sông Trâu, nối liền 2 tỉnh Khánh Hòa – Ninh Thuận rất ấn tượng.

Sôi động những dự án cao tốc lớn năm 2024- Ảnh 11.

Giai đoạn 1 hầm núi Vung chỉ vận hành nhánh hầm phải (hướng từ Nam ra Bắc). Hầm bên trái sử dụng vào mục đích thoát hiểm và cứu hộ cứu nạn trong tình huống khẩn cấp.

Sôi động những dự án cao tốc lớn năm 2024- Ảnh 12.

Tuyến cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo là một trong ba đoạn cao tốc thuộc tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông (CT.01) áp dụng mô hình thí điểm thu phí không dừng (ETC) đầu vào không có barie, đầu ra có barie. Cả ba cao tốc không có làn thu phí hỗn hợp, thu hoàn toàn tự động qua ETC.

Sôi động những dự án cao tốc lớn năm 2024- Ảnh 13.

Lối vào cao tốc không có barie và cabin thu phí, giúp xe chạy qua nhanh hơn, không ùn tắc…

Kinh nghiệm quốc tế về phát triển các trạm dừng nghỉ trên cao tốc

Phải xác định trạm dừng nghỉ là một công trình an toàn đường bộ, vì vậy, khi xây dựng chủ đầu tư phải xây dựng đồng bộ các trạm dừng nghỉ, sau đó đấu thầu cho tư nhân vận hành.

Sôi động những dự án cao tốc lớn năm 2024- Ảnh 14.

Một trạm dừng nghỉ tại nước ngoài

Khái niệm về trạm dừng nghỉ trên đường cao tốc

Trạm dừng nghỉ (rest area) là một cơ sở phục vụ công cộng nằm cạnh đường cao tốc, tại đó người lái xe và hành khách có thể nghỉ ngơi, ăn uống hoặc tiếp nhiên liệu mà không cần phải đi ra khỏi đường cao tốc.

Những tên gọi khác nhau của trạm dừng nghỉ bao gồm khu vực dịch vụ đường cao tốc (service area hoặc motorway service area (MSA), motorway service station), điểm dừng chân, khu vực nghỉ ngơi và dịch vụ (rest and service area RSA), trung tâm dịch vụ (service centre), trạm dừng xe (parking area). Cơ sở vật chất tại trạm dừng nghỉ có thể bao gồm các khu vực như: công viên, cửa hàng xăng dầu, nhà vệ sinh công cộng, vòi cung cấp nước, nhà hàng và nơi đổ rác cho xe chở khách du lịch/nhà di động…

1. Trạm dừng nghỉ là công trình an toàn đường bộ

Nhiều quốc gia coi trạm dừng nghỉ là công trình an toàn đường bộ. Việc bố trí các trạm dừng nghỉ trên đường một cách hợp lý, đóng vai trò quan trọng trong giảm thiểu tai nạn giao thông.

Để tiện nghỉ ngơi khi lái xe đường dài, một số nghiên cứu chỉ ra rằng cần nghỉ ngơi sau 2 giờ lái xe, ngay cả khi mới chỉ đi được vài Km, hoặc cứ sau 150/200 Km, vì người ta cho rằng cảm giác mệt mỏi là nguyên nhân của khoảng 25% số vụ tai nạn đường bộ (Gonzalez-Luque và Álvarez-González, 2002).

2. Khoảng cách và những dịch vụ được cung cấp tại trạm dừng nghỉ

Việc sử dụng các trạm dừng nghỉ có thể bị ảnh hưởng bởi đặc tính của cơ sở vật chất bao gồm công suất, khả năng tiếp cận và tầm nhìn. Hơn thế, để đảm bảo an toàn cho người sử dụng, một phần của trạm dừng nghỉ phải được nhìn thấy từ đường cao tốc. Hai điều quan tâm nữa đối với người sử dụng là sạch sẽ và an toàn. Theo số liệu của các quốc gia dẫn đầu về an toàn đường bộ khoảng cách giữa các trạm dừng nghỉ là khoảng 15 Km.

Dưới đây là thống kê về khoảng cách các trạm dừng nghỉ trên cao tốc ở một số nước:

Quốc gia

Loại trạm dừng nghỉ

Khoảng cách (Km)

Mỹ

SA (Service Area)

100

SRA (Service and Rest Area)

40 - 50

Nhật Bản

SA

50

PA (Khu vực dừng xe)

15

Anh

SA

48

SRA

100

Australia

SA

50

PA

30

Trung Quốc

SA

60

Phần Lan

RA (Rest Area)

20

Hàn Quốc

SA

25

SRA

42

Malaysia

SA

25

SRA

80

Tây Ban Nha

SA

40 - 60

Tại các trạm dừng nghỉ thường có sẵn những thông tin cho lái xe, chẳng hạn như bản đồ và các thông tin địa phương khác, cùng với nhà vệ sinh công cộng. Một số trạm dừng nghỉ có quầy thông tin cho du khách hoặc những ki-ốt có nhân viên túc trực. Cũng có thể có vòi nước uống, máy bán hàng tự động, điện thoại trả tiền, trạm xăng, nhà hàng/khu ẩm thực hoặc cửa hàng tiện lợi tại khu vực dịch vụ.

Một số trạm dừng nghỉ cung cấp cà phê miễn phí cho khách du lịch và được thanh toán bằng tiền quyên góp từ khách du lịch và/hoặc tiền quyên góp từ các doanh nghiệp địa phương và nhà thờ. Nhiều trạm dừng nghỉ cung cấp Wi-Fi và có hiệu sách. Nhiều trạm dừng nghỉ có khu dã ngoại. Các trạm dừng nghỉ có thông tin dành cho khách du lịch dưới dạng "hướng dẫn thăm quan", thường có các bản đồ và quảng cáo rất cơ bản về các nhà nghỉ địa phương và các điểm du lịch gần đó.

Ở Malaysia, Indonesia, Iran, Ả Rập Saudi và Thổ Nhĩ Kỳ, các trạm dừng nghỉ có phòng cầu nguyện (musola) dành cho người Hồi giáo đi quãng đường hơn 90 km (56 dặm).

3. Phát triển trạm dừng nghỉ ở một số nước

Malaysia: Ở Malaysia, nhà hàng trên cầu (OBR), hay nhà hàng trên cao, là khu vực nghỉ ngơi đặc biệt với các nhà hàng phía trên đường cao tốc. Không giống như các trạm dừng nghỉ thông thường chỉ có thể vào được theo một chiều đường, lái xe và du khách có thể đến một nhà hàng trên cao từ cả hai hướng của đường cao tốc. Điều này giúp tăng lưu lượng khách và doanh thu của nhà hàng.

Nhật Bản: Có nhiều tuyến đường cao tốc có thu phí được gọi là kousoku dourou trong tiếng Nhật. Có hai loại, sabisu eria (Khu dịch vụ đường cao tốc SA được xây dựng và đặt tên theo mô hình "Dịch vụ Đường cao tốc" ở Anh) và pakingu eria (Khu vực đỗ xe trên cao tốc PA), được ghi trên biển báo đường cao tốc là SA và PA.

Từ những năm 1990, nhiều thị trấn ở Nhật Bản cũng thành lập các "trạm dừng nghỉ ven đường" dọc theo đường cao tốc và tuyến đường chính. Ngoài các chức năng thông thường của khu vực dịch vụ, hầu hết trong số đó có các cửa hàng và nhà hàng dành riêng cho văn hóa địa phương và sản phẩm địa phương. Các trạm dừng nghỉ thường có cửa hàng omiyage (quà lưu niệm) bán đồ lưu niệm và đồ ăn đóng gói.

Tại một số trạm dừng nghỉ nổi tiếng nhiều dịch vụ được cung cấp từ các món ăn đặc sản địa phương, phòng trưng bày nghệ thuật truyền thống đến nhiều hoạt động thể thao đa dạng.

4. Dịch vụ ẩm thực

Sogogi gukbap trên Phố Maljuk là một trong những quán ăn truyền thống được yêu thích nhất mà người ta có thể tìm thấy trong các khu ẩm thực trên đường cao tốc. Tên của nhà hàng là món ăn chính - súp thịt bò ăn kèm cơm.

Sôi động những dự án cao tốc lớn năm 2024- Ảnh 15.

Những món ăn truyền thống của Hàn Quốc

Dọc theo đường cao tốc Kyungbu theo hướng đến Busan, cách Yangjae-dong, Seoul vài km về phía đông nam, trạm dừng nghỉ Rendezvous dưới lòng đất Seoul luôn đông đúc du khách xếp hàng chỉ để thưởng thức món súp. Đây là món kết thúc với món súp thịt bò thái mỏng trong nước dùng cay nóng làm từ ớt với cơm.

Bên cạnh ẩm thực và đồ ăn nhẹ, một số điểm dừng chân còn thu hút tài xế, du khách bằng các hoạt động giải trí. Trạm dừng nghỉ Yeoju hướng về Gangneung có một phòng trưng bày nghệ thuật. Bên cạnh khu triển lãm trưng bày các tác phẩm gốm sứ của các nghệ sĩ là Trung tâm Trải nghiệm Gốm sứ dành cho khách du lịch tự làm tác phẩm nghệ thuật.

Phần Lan

Ở Phần Lan các trạm dừng nghỉ do chính phủ xây dựng và bảo trì, nhưng chính quyền địa phương cung cấp bản đồ địa phương và dịch vụ vệ sinh. Nếu có dịch vụ thương mại, những người cung cấp dịch vụ thương mại có trách nhiệm giữ gìn vệ sinh khu vực. Trạm dừng nghỉ được thiết kế chủ yếu dành cho những người đi du lịch đường dài. Khuyến nghị là các trạm dừng nghỉ cách nhau khoảng 20 Km.

Vương quốc Anh

Thuật ngữ "Trạm dừng nghỉ" thường không được sử dụng ở Vương quốc Anh. Các thuật ngữ phổ biến nhất là khu vực dịch vụ đường cao tốc (MSA), trạm dịch vụ đường cao tốc hoặc đơn giản là dịch vụ đường cao tốc. Cũng như phần còn lại của thế giới, đây là những nơi người lái xe có thể rời đường cao tốc để đổ xăng, nghỉ ngơi hoặc giải khát. Hầu hết các trạm dịch vụ đều có các cửa hàng ăn nhanh, nhà hàng, cửa hàng ăn uống nhỏ như Marks và Spencer và các cửa hàng cà phê như Costa Coffee; nhiều trạm dịch vụ còn kết hợp với các nhà nghỉ như Travelodge. Hầu hết tất cả các địa điểm MSA ở Anh đều thuộc sở hữu của Bộ Giao thông vận tải và cho các công ty tư nhân thuê vận hành trong 50 năm.

Hoa Kỳ

Tại Hoa Kỳ, các trạm dừng nghỉ thường là những cơ sở phi thương mại, cung cấp tối thiểu chỗ đậu xe và phòng vệ sinh. Toàn liên bang, có 1.840 trạm dừng nghỉ dọc theo các tuyến đường cao tốc liên bang. Một số có thể có ki-ốt thông tin, máy bán hàng tự động và khu pinic, trong khi một số có chỗ "đổ rác", nơi các phương tiện có thể đổ bể chứa nước thải của chúng. Các trạm dừng nghỉ thường được duy trì và tài trợ bởi các bộ giao thông vận tải của chính quyền tiểu bang. Ví dụ, các trạm dừng nghỉ ở California được Caltrans duy trì.

Một số nơi, chẳng hạn như California, có luật cấm các nhà bán lẻ tư nhân bán hàng tại các trạm dừng nghỉ. Một đạo luật liên bang được Quốc hội thông qua cũng cấm các bang cho phép các doanh nghiệp tư nhân bán hàng tại các trạm dừng nghỉ dọc theo đường cao tốc liên bang.

Sôi động những dự án cao tốc lớn năm 2024- Ảnh 16.

Biển "Cấm chào mời" tại một trạm dừng nghỉ ở California

Hầu hết các nước coi trạm dừng nghỉ trên cao tốc là một công trình thiết yếu của đường cao tốc, vì vậy phải được xây dựng đồng thời khi xây dựng đường. Ở nước ta do khó khăn về kinh phí, nên nhiều tuyến đường cao tốc, khi đưa vào vận hành vẫn chưa có trạm dừng nghỉ.

Phải xác định trạm dừng nghỉ là một công trình an toàn đường bộ, vì vậy, khi xây dựng chủ đầu tư phải xây dựng đồng bộ các trạm dừng nghỉ, sau đó đấu thầu cho tư nhân vận hành. Nếu khó khăn về kinh phí thì xây dựng trạm dừng nghỉ cung cấp các dịch vụ thiết yếu như nhà vệ sinh, cửa hàng xăng dầu, nơi để các tài xế kiểm tra xe...

Theo một số nghiên cứu và thực tế ở các quốc gia dẫn đầu về an toàn đường bộ, khoảng cách tối thiểu giữa các trạm dừng nghỉ là 20 Km. Vì vậy, chúng ta cần xem xét lại quy định của Việt Nam là các trạm dừng nghỉ cách nhau 30 - 50 Km.

No comments

Phan Mem Bao Mat Windows / Thoi Trang Nam / Bat Dong San Sai Gon / Dung Cu Cat