5 phương án xây dựng cầu Cát Lái
Trong 5 phương án xây cầu thay phà Cát Lái được đề xuất xây thì phương án thứ 4 được Sở GTVT TP HCM và Sở Quy hoạch Kiến trúc TP HCM đánh giá khả thi nhất.
Xây cầu Cát Lái qua quận 7 chi phí cao nhưng phù hợp
Dự án cầu Cát Lái nối TP HCM và Đồng Nai được Thủ tướng cho bổ sung vào quy hoạch 6 năm trước. Tuy nhiên, đến nay công trình chưa triển khai do hai địa phương chưa thống nhất phương án hướng tuyến, quy mô xây dựng...
Mới đây, sau khi phân tích 5 phương án xây cầu Cát Lái do đơn vị tư vấn đưa ra, Sở Giao thông Vận tải TP HCM đánh giá phương án 4: cầu kết nối từ quận 7, vượt sông để qua Đồng Nai là hợp lý nhất, thay vì xây dựng ở khu vực gần cảng Cát Lái, TP Thủ Đức, như dự tính lúc trước. Theo phương án 4, dự án cầu Cát Lái dài 13,7 km, riêng phần cầu là 3,5 km.
Mô phỏng cầu Cát Lái bắc qua sông Đồng Nai. Ảnh: Sở Giao thông Vận tải Đồng Nai
Công trình có điểm đầu trên đường trục Bắc - Nam TP HCM, đi về phía Đông vượt rạch Dĩa, cắt đường Nguyễn Lương Bằng và Huỳnh Tấn Phát, trùng tuyến Hoàng Quốc Việt. Cầu sau đó vượt sông Đồng Nai qua các xã Phú Hữu, Phú Đông huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai), rồi nối vào cao tốc Bến Lức - Long Thành.
Ngành giao thông TP HCM nhận định phương án này tạo mạng lưới giao thông mới, thu hút xe từ trung tâm thành phố, biển Cần Giờ thông qua tuyến Metro Số 4 và các đường lớn như Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Lương Bằng qua huyện Nhơn Trạch, sân bay Long Thành (Đồng Nai) và ngược lại. Cách làm này cũng được Sở Quy hoạch và Kiến trúc thành phố đánh giá dễ điều chỉnh các quy hoạch liên quan; dễ giải phóng mặt bằng vì đi qua khu đất trống.
Đánh giá về kế hoạch trên, TS Chu Công Minh, thành viên Hội đồng tư vấn giao thông đô thị TP HCM, nói đây là phương án phù hợp, giúp hình thành trục giao thông mới cho Nam TP cũng như về phía Đồng bằng sông Cửu Long. Cầu kết nối từ quận 7 tạo thuận lợi cho người dân Nhà Bè, Bình Chánh... đến sân bay Long Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong khi ở khu vực nội đô như quận 1, 3, Bình Thạnh... vài năm tới người dân có thể theo Vành đai 3 qua khu vực trên mà không cần qua phà Cát Lái, cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây như hiện nay.
Theo ông Minh, khi triển khai phương án trên, cầu Cát Lái tổng chiều dài gần 14 km, hơn 1-3 km so với các phương án khác, do vậy chi phí xây dựng có thể cao hơn. Nhưng bù lại, đường dẫn cầu ở địa bàn TP HCM qua các khu đất trống sẽ giúp tiết kiệm giải phóng mặt bằng - vốn là việc khó khăn và chiếm nhiều kinh phí ở các công trình hạ tầng.
Có 5 phương án làm cầu Cát Lái
Mới đây, Sở GTVT đã có văn bản đề nghị Văn phòng UBND TP HCM sớm tham mưu lãnh đạo TP xem xét đề xuất 5 phương án xây cầu thay phà Cát Lái, nối TP HCM - Đồng Nai.
Dự kiến, cầu Cát Lái sẽ thay thế cho phà Cát Lái. Dự án có điểm đầu kết nối nút giao Mỹ Thủy (vành đai 2) và điểm cuối kết nối với tỉnh lộ 25B, cách phà Cát Lái hiện hữu 1 km.
Cụ thể, hai Sở GTVT TP HCM và Đồng Nai đã đưa ra 5 phương án xây dựng phà Cát Lái.
TP HCM đưa ra 5 phương án xây dựng phà Cát Lái. Ảnh: ĐT.
Phương án 1 có hướng tuyến bắt đầu từ nút giao thông Mỹ Thủy trên đường vành đai 2 phía TP HCM, đi dọc đường Nguyễn Thị Định, vượt sông Đồng Nai và hướng Tỉnh lộ 25B phía tỉnh Đồng Nai. Dự án này có chiều dài hơn 3.1 km.
Phương án này cần điều chỉnh quy hoạch lộ giới đường Nguyễn Thị Định so với quy hoạch được duyệt để đảm bảo khả năng thông hành, tránh nguy cơ ùn tắc giao thông. Việc này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân khu vực. Ngoài ra, quá trình thi công sẽ gây ùn tắc giao thông trên tuyến, tác động tiêu cực đến hoạt động khai thác cảng Cát Lái.
Phương án 2 là hướng tuyến bắt đầu từ nút giao trên đường vành đai 2 tại vị trí cách đường dẫn cầu Phú Mỹ khoảng 1 km và cách nút giao Mỹ Thủy khoảng 2,3 km, đi dọc nhánh Kỳ Hà và vượt sông Đồng Nai sang xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Sau đó kết nối với cao tốc Bến Lức Long Thành. Tổng chiều dài tuyến hơn 10 km, trong đó chiều dài cầu là hơn 3.5 km.
Phương án này sẽ thu hút lưu lượng từ trung tâm TP HCM đi cảng Hàng không Quốc tế Long Thành. Theo hướng này sẽ tiềm ẩn nguy cơ cao ùn tắc giao thông tại nút giao trên đường vành đai 2, khu vực Phú Mỹ do hiện nay cầu Phú Mỹ không có khả năng mở rộng.
Phương án 3 là hướng tuyến bắt đầu từ nút giao trên đường vành đai 2 tại vị trí cách cầu Bà Cua khoảng 300 m. Tuyến đi thẳng vào khu vực cổng Cát Lái và vượt sông Đồng Nai sang xã Đại Phước, Nhơn Trạch. Sau đó, rẽ phải đi trùng vào đường Tỉnh lộ 25B và kết nối vào cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây. Tổng chiều dài hơn 12 km, chiều dài cầu là 3.1 km.
Phương án 4 có điểm đầu tuyến nằm trên đường trục Bắc - Nam, tuyến đi về phía Đông, vượt qua Rạch Dĩa, cắt qua đường Nguyễn Lương Bằng và đi trùng với đường Hoàng Quốc Việt, cắt qua đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7) vượt sông Đồng Nai sang xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch tỉnh Đồng Nai.
Sau đó, tuyến rẽ phải đi trùng vào đường quy hoạch kết nối với cao tốc Bến Lức Long Thành. Tổng chiều dài dự án hơn 13 km, trong đó chiều dài cầu hơn 3,5 km.
Đây là phương án được coi là khả thi nhất, có nhiều ưu điểm. Tuyến này sẽ tạo thành mạng lưới kết nối giao thông mới, thu hút lưu lượng giao thông từ trung tâm TP HCM, khu vực biển Cần Giờ thông qua tuyến đường sắt đô thị 4.
Ngoài ra, tuyến còn cắt các tuyến đường hướng tâm như đường Nguyễn Hữu Thọ, đường Nguyễn Lương Bằng để đi qua Nhơn Trạch, sân bay Long Thành và ngược lại. Đồng thời, phù hợp với định hướng xây dựng tuyến kết nối với đường Nguyễn Hữu Thọ, vượt sông Sài Gòn đi dọc đường tỉnh 25C.
Phương án 5 có điểm đầu tuyến nằm trên trục đường Bắc - Nam, vượt qua Rạch Dĩa, đi theo đường trục quy hoạch kho B, cắt đường Huỳnh Tấn Phát, đi qua kho xăng dầu Nhà Bè, vượt sông Đồng Nai sang xã Phú Hữu, Phú Đông, huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai). Sau đó, tuyến rẽ phải đi trùng đường quy hoạch và nối cao tốc Bến Lức - Long Thành tại cuối dự án. Tổng chiều dài tuyến gần 13 km, chiều dài cầu là 3,5 km.
Phương án này phải điều chỉnh quy hoạch từ phạm vi đường Nguyễn Hữu Thọ đến kho B, khu vực tổng kho xăng dầu huyện Nhà Bè đang hoạt động nên khó khả thi.
Hạn chế tối đa ảnh hưởng tới quy hoạch, người dân
Trước những phương án trên, Sở GTVT TP HCM cho rằng cần nghiên cứu tổng thể kết nối quy hoạch giao thông giữa TP.HCM và tỉnh Đồng Nai trên cơ sở quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đồng thời, rà soát cập nhật tình hình đầu tư xây dựng các công trình dự án có tính chất kết nối liên vùng đi qua hai địa phương; quy hoạch đô thị tại huyện Nhơn Trạch tỉnh Đồng Nai và TP Thủ Đức.
Trong tương lai, cầu Cát Lái sẽ giúp người dân đi lại thuận tiện hơn. Ảnh: ĐT.
Bên cạnh đó, hai địa phương cần đánh giá nhu cầu vận tải, phương án tổ chức hàng hoá, vận tải hành khách trong cấu trúc tổng thể đô thị. Trong đó, có sự phân chia chức năng đảm nhận giữa các phương thức vận tải.
Theo đó, Sở Quy hoạch và Kiến trúc trong quá trình lập Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP HCM đến năm 2040 và tầm nhìn đến năm 2060 đã có sự nghiên cứu tổng thể, kết nối giao thông giữa TP HCM và Đồng Nai.
Trong đó, xác lập vị trí, phương án kết nối, lấy ý kiến các cơ quan của tỉnh Đồng Nai để tham mưu UBND TP HCM trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định làm cơ sở triển khai.
Đồng thời có ý kiến đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai phối hợp với TP nghiên cứu tổng thể kết nối giao thông giữa hai địa phương để thống nhất các vị trí, hướng tuyến cần kết nối giữa hai địa phương.
Từ đó, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP HCM đến năm 2040 tầm nhìn đến 2060 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt; làm cơ sở triển khai thực hiện tại thời điểm phù hợp với nhu cầu giao thông liên vùng và phát huy hiệu quả đầu tư.
No comments