Breaking News

“Tứ đại gia” công nghệ chuẩn bị gì cho vũ trụ ảo 2022

2022 có thể là năm cất cánh của metaverse, khi Apple, Google, Microsoft và Meta chuẩn bị tung ra loạt sản phẩm khai thác vũ trụ ảo này.

Các công ty Big Tech đang đánh cược rằng những sản phẩm giúp người dùng bước vào metaverse sẽ mở ra thị trường mới lớn nhất trong lĩnh vực phần mềm kể từ khi Apple cho ra mắt iPhone năm 2007. Nếu vũ trụ ảo bùng nổ, nhiều khả năng những người sử dụng smartphone hiện nay sẽ sở hữu kính thực tế ảo (VR) hoặc thực tế tăng cường (AR) chỉ sau vài năm nữa.

Hàng loạt công ty đang đổ lượng lớn tiền cho nghiên cứu phát triển các nguyên mẫu thử nghiệm, cũng như công nghệ nền tảng để chuẩn bị cho cuộc đấu trong metaverse. CEO Meta Mark Zuckerberg cho biết công ty chi nhiều tiền cho VR và AR đến mức lợi nhuận sụt giảm 10 tỷ USD trong năm 2021.

Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs ước tính 1.350 tỷ USD sẽ được đổ vào công nghệ VR, AR và vũ trụ ảo vài năm tới. Nhiều công ty dự kiến công bố các dự án metaverse đầy tham vọng ngay trong năm nay.

Meta

Facebook đang tập trung hoàn toàn cho công nghệ metaverse. Việc đổi tên công ty thành Meta cuối năm 2021 phản ánh tham vọng dẫn đầu của họ. Meta cũng có lợi thế lớn so với các đối thủ Big Tech, khi các sản phẩm VR của hãng chiếm 75% thị phần trong năm 2021.

Tứ đại gia công nghệ chuẩn bị gì cho vũ trụ ảo 2022 - Ảnh 1.

Mẫu kính VR mới của Facebook được Mark Zuckerberg khoe hôm 14/10/2021. Ảnh: Mark Zuckerberg

Trong dịp Giáng sinh vừa qua, ứng dụng phổ biến nhất trên App Store tại Mỹ là phần mềm Oculus dùng trên kính Quest 2, dấu hiệu cho thấy nhiều người được tặng thiết bị VR trong kỳ nghỉ lễ cuối năm.

Meta chưa công bố doanh số kính Quest, nhưng nhà sản xuất chip Qualcomm ước tính công ty này đã bán được ít nhất 10 triệu thiết bị tính tới tháng 11/2021. Con số này còn thua kém so với smartphone, nhưng rất đáng kể với một lĩnh vực mới như VR.

Meta dự kiến tung ra một thiết bị VR khác năm nay, nằm trong dự án Cambria. Thiết bị này được tối ưu hóa cho "thực tế hỗn hợp", trong đó dùng camera bên ngoài để ghi hình và hiển thị thế giới thực trong kính. Nó cũng được trang bị hệ thống theo dõi chuyển động khuôn mặt và mắt, tăng tính phản hồi với mệnh lệnh của người sử dụng.

Nỗ lực xâm nhập thị trường từ sớm cũng giúp Meta xác định những phần mềm người dùng muốn cài vào thiết bị. Công ty đã khởi động nền tảng xã hội mang tên Horizon Worlds, cho phép người dùng tham gia các buổi diễn hài và phim ảnh trong thế giới ảo của Facebook.

Apple

Apple chưa từng xác nhận phát triển kính VR, nhưng được cho là đã thử nhiều cách tiếp cận công nghệ này trong những năm qua. Các dòng iPhone mới nhất đều tích hợp cảm biến Lidar, cho phép đo khoảng cách đến từng vật thể, yếu tố quan trọng với những ứng dụng dựa trên vị trí người dùng. iPhone và iPad mới cũng kèm phần mềm ARkit, giúp các nhà phát triển tạo ứng dụng tận dụng cảm biến của iPhone để lập bản đồ không gian chi tiết.

Đây là những công nghệ nền tảng để Apple xây dựng dòng sản phẩm hoàn toàn mới - mẫu kính cao cấp kết hợp giữa thực tế hỗn hợp và AR, được dự đoán trình làng cuối năm nay.

Khác với Meta, Apple không bao giờ nói trước về sản phẩm phần cứng cho tới khi chúng sẵn sàng được công bố. Nhiều chuyên gia kỳ vọng thị trường sẽ trải qua biến động lớn khi Apple giới thiệu kính AR, giống như khi iPhone và Apple Watch xuất hiện.

Dù vậy, nhà sản xuất iPhone không gọi đó là sản phẩm metaverse. "Tôi sẽ tránh xa những thuật ngữ thời thượng. Chúng tôi sẽ chỉ gọi đó là thực tế tăng cường", CEO Apple Tim Cook nói hồi tháng 9 năm ngoái.

Google

Google chính là hãng khởi động cơn sốt kính thực tế ảo ở Thung lũng Silicon khi cho ra mắt Google Glass năm 2013. Sản phẩm không nhận được đón nhận nhiệt tình, nhưng hãng dịch vụ tìm kiếm Mỹ không bỏ cuộc. Họ vẫn bán phiên bản Glass dành cho doanh nghiệp, trong khi người dùng bình thường khó tiếp cận được thiết bị.

Đang có những dấu hiệu cho thấy Google muốn đầu tư nghiêm túc vào AR một lần nữa, dù hãng chưa khoe nhiều về công nghệ hay sản phẩm như đối thủ. Năm 2020, Google mua lại North, startup chuyên phát triển kính AR cỡ nhẹ. Google cũng đang có một nhóm tập trung vào xây dựng hệ điều hành cho AR, đồng thời liên tục tuyển dụng nhân lực để phát triển "thiết bị AR tiên tiến".

Microsoft

Đây là tập đoàn Big Tech đầu tiên công bố bộ kính AR đầy đủ tính năng mang tên HoloLens từ năm 2016. Dù vậy, sản phẩm hiện vẫn chưa thể trở thành thiết bị thuận tiện để người dùng đeo hàng ngày.

Tứ đại gia công nghệ chuẩn bị gì cho vũ trụ ảo 2022 - Ảnh 2.

Lính lục quân Mỹ đeo kính HoloLens trong một đợt thử nghiệm. Ảnh: US Army

Thay vào đó, hãng hướng đến doanh nghiệp - nhóm khách hàng không ngại chi 3.500 USD cho một bộ kính và muốn đánh giá liệu công nghệ này có thể tăng năng suất lao động hay không.

Khách hàng nổi bật nhất của HoloLens là quân đội Mỹ, với đơn hàng 22 tỷ USD để sản xuất 120.000 kính HoloLens được ký hồi năm ngoái. Tuy nhiên, lục quân Mỹ sau đó thông báo hoãn đợt thử nghiệm thực tế của HoloLens sang năm nay. Dù thỏa thuận có tiếp tục bị đình trệ hay không, nó vẫn là dấu hiệu quan trọng với thị trường thiết bị AR.

Microsoft cũng đầu tư mạnh vào các dịch vụ đám mây nhằm kết nối những thế giới ảo và dự kiến công bố trong năm nay.

No comments

Phan Mem Bao Mat Windows / Thoi Trang Nam / Bat Dong San Sai Gon / Dung Cu Cat