Sau Tết, nhà đầu cơ vùng ven ồ ạt "xả" đất
Ngay sau Tết Nguyên đán, không ít nhà đầu cơ, đặc biệt tại các tỉnh vùng ven, đã đẩy mạnh việc rao bán các ô đất đã mua trước đó. Nhiều nhà đầu cơ sẵn sàng giảm giá sâu, chấp nhận bán giá thấp hơn giá mua do không cân đối được tài chính, bán sớm để trả tiền vay ngân hàng.
Sẵn sàng giảm giá
Những ngày gần đây, anh Nguyễn Quang Khải, một môi giới bất động sản tại Nam Định, khá tất bật. Anh Khải chia sẻ, dù ở vùng nông thôn, thị trường đất đai năm qua vẫn tương đối sôi động, giá đất trong ngõ nhỏ cũng liên tục tăng. "Ngay đầu tháng 12 Âm lịch, hoạt động mua bán đất tại nhiều huyện ở Nam Định gần như không có giao dịch. Tuy nhiên, sau Tết, thị trường đã giao dịch trở lại, nhưng lượng người mua vẫn chưa nhiều, còn người có đất muốn bán lại nhiều hơn", anh Khải nói.
Trong vai người có nhu cầu mua đất, chúng tôi được anh Khải dẫn tới một ô đất hơn 800 m2 ở xã Giao Phong (huyện Giao Thủy, Nam Định). Theo lời anh Khải, chủ ô đất hiện tại là nhà đầu cơ, mua lại của người dân để tách thửa.
Ô đất tại xã Giao Phong (huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) đang được rao bán. Ảnh: Hà Phong.
"Do ô đất có 2 mặt đường 5 và 3,5 m, cho nên chủ đất đã tách thành 3 thửa. Cuối năm ngoái, ô đất 200 m2 tách ra đã được bán. Hai thửa còn lại vẫn đang được rao bán, nhưng giá bán hiện tại chỉ rơi khoảng 3-5 triệu đồng/m2 tùy vị trí mặt đường. Giá này đang thấp hơn giá bán cuối năm ngoái từ 500.000 đến 1 triệu đồng/m2 do chủ đất muốn "thoát hàng" sớm", anh Khải nói.
Tương tự trong tình thế sẵn sàng giảm giá, anh Nguyễn Văn Hưng, một nhà đầu cơ không chuyên ở Nam Định chia sẻ, tháng 11 năm trước, anh mua ô đất gần 200 m2 cạnh đường 5 m liên xã với giá 1,3 tỷ đồng ở huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. Tuy nhiên, do tiền chủ yếu là đi vay, anh Hưng đang lo lắng muốn bán nhanh và sẵn sàng bán giá thấp hơn lúc mua.
"Ô đất tôi mua có vị trí gần với thông tin quy hoạch một dự án sân golf và khu du lịch của thị trấn Quất Lâm. Nhưng hiện tại do không cân đối được tài chính, tôi muốn bán sớm để trả tiền vay ngân hàng", anh Hưng nói.
Ô đất anh Hưng mua để đón đầu quy hoạch nhưng đang muốn bán gấp vì chưa cân đối được tài chính. Ảnh: Hà Phong
Khảo sát trên thị trường hiện tại, nguồn cung đất nền ở các vùng ven trung tâm Hà Nội, các tỉnh như Hòa Bình, Hưng Yên, Hà Nam… được rao bán qua những trang rao bán bất động sản đã dày đặc. Sản phẩm đất nền khá đa dạng từ diện tích vài chục m2 đến cả chục ha.
Nhìn nhận về vấn đề này, ông Vũ Thanh Tùng, một nhà môi giới bất động sản chuyên nghiệp ở Hà Nội cho biết, thị trường bất động sản đang dần sôi động sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán. Lượng sản phẩm rao bán ra thị trường sẽ nhiều hơn, nhưng chắc chắn giao dịch thành công cũng chưa cao.
Lý giải về việc nhà đầu cơ "xả hàng" đầu năm, vị môi giới trên cho rằng, có 2 nguyên nhân chính. Thứ nhất, nhiều nhà đầu cơ "chốt" bán vì đã thu được mức lợi nhuận như mong muốn. Hoặc có thể do nhà đầu cơ cần phải cân đối các nguồn tài chính cho hợp lý. "Có những nhà đầu cơ nhỏ lẻ họ chỉ cần lãi vài chục triệu đồng là có thể bán ra", ông Tùng nói.
Thứ hai, nhiều nhà đầu cơ lo ngại những chính sách pháp luật mới nhằm ngăn chặn "sốt đất", đầu cơ, tăng giá đột biến của Nhà nước sắp tới sẽ ảnh hưởng lớn tới hoạt động thị trường bất động sản, đặc biệt là việc tăng giá đất đai.
Thị trường khó đoán định
Ở góc độ nhà đầu tư, ông Trần Minh, chuyên gia tư vấn đầu tư bất động sản cá nhân cho rằng, nếu nhà đầu tư đang nắm giữ những sản phẩm như nhà phố có thể kinh doanh được và những bất động sản có thể sử dụng thì chưa nên bán đi ngay.
"Những sản phẩm này có thể đưa vào sử dụng hoặc kinh doanh mà không bị lãng phí, và vẫn còn nhiều cơ hội để tăng giá. Bên cạnh đó, nhà đầu tư có thể sử dụng những sản phẩm này làm đòn bẩy vay ngân hàng và dùng vốn để đầu tư các sản phẩm khác, đảm bảo an toàn cho vốn, dòng tiền", ông Trần Minh nói.
Giá đất ở vùng nông thôn tăng nhanh thời gian qua. Ảnh: Hà Phong
Cũng theo ông, những nhà đầu tư đã xuống tiền mua đất trong một vài năm vừa qua thì hiện giá đã tăng gấp 2, thậm chí gấp 3 lần. "Nhiều nhà đầu tư mua đất chỉ trong vòng 6 tháng đến 1 năm giá đã tăng gấp 2 lần nhưng giai đoạn 3 - 4 năm sau giá sẽ đi ngang. Do đó, khi đã hết lý do tăng giá nhà đầu tư nên bán đi, sau đó cơ cấu sang đầu tư các sản phẩm khác có nhiều lý do tăng giá hơn", ông phân tích.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản 2021 có nhiều sắc thái "trầm, nóng". Trong đó hạn chế của thị trường xuất phát từ nguồn cung - cầu không gặp nhau, tạo ra hiện tượng "sốt ảo".
Ông Đính cho hay, khan hiếm nguồn cung khiến cho thị trường không bình thường. Năm nay, nguồn cung chắc chắn sẽ có sự cải thiện nhưng chưa được nhiều vì các vấn đề nguồn cung vào thị trường phải giải quyết được chính sách, quy định pháp luật. "Dù có sự vào cuộc của Chính phủ và các đơn vị Nhà nước liên quan, nhưng không phải là vấn đề tháo gỡ được ngay mà nó có độ trễ do ban hành, thực hiện… Một số vấn đề được tháo và nguồn cung có tăng nhưng không phải nhiều", ông Đính nêu.
Dự báo về thị trường sắp tới, ông cho rằng, năm nay vẫn là một năm khó đoán định của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, ở độ tích cực, khi thị trường cải thiện được nguồn cung thì áp lực tăng giá sẽ giảm. Các chỗ "sốt nóng" được điều chỉnh, mua bán không nhiều.
No comments