Để quy hoạch 2 bờ sông Sài Gòn xứng tầm siêu đô thị
Từ bến Bạch Đằng nói riêng đến quy hoạch không gian hai bên sông Sài Gòn nói chung đều chưa xứng tầm một siêu đô thị.
Những ngày đầu năm, nhiều người dân TP.HCM phấn khởi đến vui chơi, giải trí, đi dạo ở bến Bạch Đằng (quận 1) khi khu vực này được đưa vào sử dụng sau nhiều năm có chủ trương và được tiến hành chỉnh trang, cải tạo.
Đó là khởi đầu lạc quan khi chúng ta nghĩ đến bài toán khó về kết nối các không gian công cộng dọc sông Sài Gòn suốt nhiều năm qua.
Câu chuyện quy hoạch hai bên bờ sông Sài Gòn đã được nói đến hàng chục năm qua. Giới chuyên gia, nhà khoa học, báo chí và cả nhiều cơ quan, ban, ngành đã tốn không biết bao nhiêu cuộc họp, giấy mực nhưng kết quả rất hạn chế.
Mãi đến khi khu vực bến Bạch Đằng với hàng loạt di sản như bến Nhà Rồng, cảng Sài Gòn, cột cờ Thủ Ngữ, quảng trường quanh tượng Trần Hưng Đạo... được chỉnh trang, tôn tạo thì người dân mới bắt đầu có nhiều hy vọng.
Thế nhưng, hầu hết các chuyên gia đều tiếc nuối: Từ bến Bạch Đằng nói riêng đến quy hoạch không gian hai bên sông Sài Gòn nói chung đều chưa xứng tầm một siêu đô thị. Thứ nhất, bài toán quy hoạch không chỉ đơn giản là cảnh quan cho đẹp, mà quan trọng không kém là sự thoải mái, tiện nghi của người dân sinh sống xung quanh hay đến tham quan.
Thực tế, dù Công viên bến Bạch Đằng có thảm cỏ xanh, hoa kiểng… nhưng lại thiếu bóng mát. Cần tính toán quy hoạch các cụm cây xanh tạo bóng mát, kéo theo đó phải tính luôn quy hoạch không gian ngầm, nhà vệ sinh công cộng, bãi giữ xe… cho tương thích.
Thứ hai, các chuyên gia cho rằng bến Bạch Đằng vẫn thiếu điểm nhấn. Nói như kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, khu vực phố đi bộ Nguyễn Huệ vẫn chưa có điểm kết. Khu vực này cần điểm nhấn, cụ thể: Người dân đi dọc phố đi bộ về phía Công viên bến Bạch Đằng, cuối đường là một công trình cầu đi bộ trên cao.
Một mặt, cầu đi bộ kết nối phố đi bộ qua Công viên bến Bạch Đằng. Mặt khác, kết hợp đài quan sát trên cao cho phép khách tham quan nhìn lại toàn cảnh phố đi bộ, trụ sở UBND TP, hay nhìn về phía bên kia sông…
Thứ ba, bến Bạch Đằng sẽ thật tuyệt vời nếu có thể kết nối với khu vực Thủ Thiêm bằng một quy hoạch tổng thể thay vì quy hoạch theo từng vùng rồi kết nối một cách cơ học, thiếu tính mạch lạc tổng quát về hạ tầng, tiện ích…
Sau bến Bạch Đằng, nhất là sau khi UBND TP.HCM phê duyệt đề án phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông giai đoạn 2020-2045, chắc chắn TP vẫn cần rất nhiều nguồn lực để đưa quy hoạch hai bờ sông Sài Gòn xứng tầm siêu đô thị.
Doanh nghiệp cần đầu tư vào các dự án có thể sinh lời, đồng thời thể hiện trách nhiệm doanh nghiệp với xã hội. Nhà nước cần cải thiện, làm đẹp diện mạo TP và cung cấp các dịch vụ hữu ích cho đời sống, tinh thần của người dân.
Để làm được những mục tiêu đã nêu trên, ngoài sự quyết tâm của lãnh đạo TP, cần nhất là việc huy động nguồn lực xã hội hóa. Việc cải tạo bến Bạch Đằng từ nguồn vốn xã hội hóa là một tín hiệu vui về bài toán tài chính nhưng cũng phần nào gợi ý rằng TP càng chú trọng vào các quy hoạch sát sườn với lợi ích của người dân, có cơ chế phù hợp và thuận lợi thì nguồn lực từ tư nhân, nhất là từ khối doanh nghiệp sẽ được khơi thông.
No comments