Breaking News

"Cửa sáng" của bất động sản công nghiệp

Các tỉnh, thành từ Bắc tới Nam đồng loạt chấp thuận chủ trương quy hoạch các dự án khu công nghiệp.

Nhằm đón đầu nhu cầu khách thuê dự báo tăng trong năm 2022, các chủ đầu tư tích cực mở rộng quỹ đất, xây dựng nhà xưởng, khu công nghiệp mới… Các chuyên gia phân tích VNDirect cho rằng nhà kho và nhà xưởng xây dựng sẵn sẽ tiếp tục thu hút trong năm tới.

Các tỉnh, thành đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp

Từ đầu năm tới nay tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt hàng loạt các đồ án quy hoạch khu công nghiệp (KCN). Gấn nhất, ngày 24/12 UBND tỉnh Bắc Ninh chấp thuận chủ trương thành lập KCN Yên Phong II – A, quy mô 151 ha, với tổng vốn đầu tư hơn 80 triệu USD. Ngoài ra, tỉnh còn phê duyệt quy hoạch KCN Quế Võ III có diện tích 208,54 ha với tổng vốn đầu tư 120,9 triệu USD hay KCN Gia Bình II diện tích 250 ha với 172,2 triệu USD tổng vốn đầu tư.

Theo báo cáo của Savills, tính tới cuối quý III, Bắc Ninh đang dẫn đầu vùng Kinh tế trọng điểm miền Bắc với 15 dự án bất động sản khu công nghiệp, tổng diện tích 5.797 ha và đạt tỷ lệ lấp đầy trung bình là 99%.

Trên địa bàn Hải Phòng hiện nay có 12 KCN đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy trung bình là 62,5%. Trong giai đoạn 2021 – 2025, Hải Phòng sẽ tiếp tục xây dựng thêm 15 KCN mới, với tổng diện tích trên 6.200 ha.

Không chỉ riêng Bắc Ninh, Hải Phòng, các tỉnh Hải Dương, Thanh Hóa, Nam Định… cũng đồng loạt phê duyệt quy hoạch, khởi công các dự án KCN. Tại Hải Dương, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đồng ý bổ sung 3 KCN có quy mô gần 1.000 ha trên địa bàn tỉnh vào quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam. Tại Thanh Hóa, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt quy hoạch Khu kinh tế Nghi Sơn quy mô hơn 255 ha. Tại Nam Định, KCN Mỹ Thuận được khởi công ngày 25/11, có diện tích 158,4ha với tổng vốn đầu tư hơn 71,1 triệu USD.

Trước đó, sau 9 tháng đầu năm, 41 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng hạ tầng KCN mới, mở rộng và điều chỉnh với tổng diện tích khoảng 7.670 ha. Đến cuối tháng 9, trên phạm vi cả nước có 563 KCN nằm trong Quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam. Trong số đó, 397 KCN đã được thành lập.

Cửa sáng của bất động sản công nghiệp - Ảnh 1.

Ba KCN trên địa bàn tỉnh Hải Dương được đưa vào Quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam. Nguồn: Bộ Xây dựng.

Thị trường đất công nghiệp cho thuê ở miền Nam (gồm TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Long An), tổng diện tích đất cho thuê là 25.220 ha. Tỷ lệ lấp đầy KCN đạt 85% và nhà xưởng xây sẵn đạt 86%, theo báo cáo quý II của JLL Việt Nam.

Một báo cáo khác của Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định diện tích đất KCN ở phía Nam dự kiến sẽ tăng thêm hơn 5.000 ha trong giai đoạn 2021-2022 để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.

Sự quan tâm của chủ đầu tư cho bất động sản khu công nghiệp

Cùng với sự phát triển quy hoạch các KCN thì các nhà phát triển cũng đang đẩy nhanh mở rộng quỹ đất, xây dựng nhà xưởng và các KCN mới nhằm đón đầu nhu cầu khách thuê dự báo tăng nhanh trong năm 2022.

Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) và Công ty TNHH ACI Capital vừa trao đổi biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư tại tỉnh Hưng Yên với tổng giá trị đầu tư dự kiến 1 tỷ USD. Đồng thời dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Kinh Bắc được chấp thuận chủ trương đầu tư hơn 200 ha đất công nghiệp tại Hưng Yên.

Trong năm 2021, doanh nghiệp này cũng tạo quỹ đất phát triển KCN ở nhiều tỉnh thành như Vũng Tàu, Long An, Hưng Yên, Hải Phòng…  Điều này theo ban lãnh đạo doanh nghiệp là để đón đầu xu hướng dịch chuyển đầu tư trên thế giới, Việt Nam là ứng viên sáng giá và được quốc tế đánh giá là điểm đến hấp dẫn.

Trong thời điểm diễn biến của dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp, TNI Holdings Vietnam vẫn triển khai kế hoạch phát triển thêm 3 KCN mới tại Gia Lộc - Hải Dương (198 ha), Sông Lô 1 - Vĩnh Phúc (177 ha), Đông Bình - Vĩnh Long (350 ha).

Bên cạnh đó, Vinhomes cũng bắt đầu lấn sân, đẩy mạnh đầu tư, phát triển thị trường bất động sản công nghiệp. Tại Đại hội đồng cổ đông 2021, lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, tập đoàn đang có nhiều kế hoạch triển khai dự án bất động sản công nghiệp ở nhiều nơi.

Theo thông tin từ đại diện Vinhomes, mảng bất động sản KCN sẽ đóng góp khoảng 10% tổng doanh thu. Doanh nghiệp kỳ vọng lĩnh vực này có thể mang về 14.000-15.000 tỷ đồng trong tương lai. Con số này chỉ đứng sau quy mô doanh thu mảng kinh doanh bất động sản và mảng bán lẻ.

Tiềm năng phát triển bất động sản khu công nghiệp trong năm 2022

Khi nhìn vào bức tranh toàn cảnh trong hai năm 2020 và 2021, trước diễn biến phức tạp của Covid-19, thị trường bất động sản KCN vẫn được đánh giá là phân khúc tiềm năng của thị trường.

Theo nhận định của Quản lý bộ phận BĐS Công nghiệp, Savills Việt Nam, ngoài kho xưởng xây sẵn thì nhu cầu đối với đất công nghiệp và hậu cần sẽ tiếp tục là nhu cầu chính của thị trường trong năm tới. Tuy nhiên, xét về mặt xu hướng, nhu cầu về trung tâm dữ liệu và kho lạnh đang tăng cao, kỳ vọng đạt được sức hút lớn. Do đó, năm 2022 Việt Nam được dự báo nằm trong tầm ngắm của các dự án có quy mô siêu lớn.

Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển thị trường bất động sản KCN theo chuỗi giá trị nhờ vào tốc độ tăng trưởng ổn định, môi trường kinh doanh, các hiệp định thương mại tự do FTA và việc di dời ra khỏi Trung Quốc. Đối với năm 2022, các chuyên gia phân tích VNDirect cho rằng nhà kho và nhà xưởng xây dựng sẵn sẽ tiếp tục thu hút với việc hàng loạt các chủ đầu tư cả trong và nước ngoài đang tìm kiếm cơ hội gia nhập vào thị trường này. CBRE dự báo tăng trưởng lợi nhuận kép của nguồn cung mới nhà kho và nhà xưởng xây sẵn lần lượt là 22% và 14% ở phía Nam và 46% và 10% tại phía Bắc trong giai đoạn 2021-2023.

No comments

Phan Mem Bao Mat Windows / Thoi Trang Nam / Bat Dong San Sai Gon / Dung Cu Cat