Ngân hàng Nhà nước ra giải pháp chặn rủi ro nợ xấu tiềm ẩn
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng có xu hướng gia tăng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nhìn chung nợ xấu đang là nỗi lo chung, dù trên bảng cân đối tài sản của các TCTD chưa thể phản ánh đầy đủ.
NHNN đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số Điều của Thông tư số 09/2015 quy định về hoạt động mua, bán nợ của TCTD.
Nỗi lo gia tăng nợ xấu
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế-NHNN, trong quý III vừa qua, công tác tái cơ cấu hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu tiếp tục được đẩy mạnh. Tuy nhiên, do tác động của Covid-19, tỷ lệ nợ xấu nội bảng có xu hướng tăng.
Trước đó, báo cáo trước Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh khẳng định, nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn cuối năm nay dự kiến sẽ ở mức từ 7,1% - 7,7% lên xấp xỉ 8%. "NHNN đánh giá độ trễ sẽ còn tác động cả sang năm 2022 nên ngành ngân hàng sẽ vẫn gặp rất nhiều khó khăn", Phó Thống đốc NHNN nói.
Nhìn chung, nợ xấu đang là nỗi lo chung, dù trên bảng cân đối tài sản của các TCTD chưa thể phản ánh đầy đủ do các TCTD vẫn đang giữ nguyên nhóm nợ, trích lập dự phòng giãn theo lộ trình của Thông tư 01/2020 và các Thông tư sửa đổi Thông tư 01.
Dự thảo Thông tư nói trên đề cập trong thời gian gần đây có hiện tượng các TCTD thực hiện bán nợ cho bên mua nợ không phải là TCTD và được thanh toán chậm tiền mua nợ. Hoạt động này có thể dẫn đến việc phản ánh thiếu khách quan về tình trạng của các khoản nợ cấp tín dụng tại các TCTD, ngân hàng cho vay với các tổ chức.
Gấp rút chặn rủi ro
Theo TS. Đinh Thế Hiển, Chuyên gia tài chính, cho rằng với hiện tượng bán nợ như dự thảo Thông tư nói trên đề cập, rủi ro sẽ xảy ra khi ngân hàng bán nợ cho một đối tác, thì khoản nợ sẽ được nhấc ra khỏi bảng cân đối tài sản. Nó tương tự như bán nợ cho VAMC, nhưng không phải chiết khấu cụ thể, NHNN khó đánh giá hết về nợ xấu của ngân hàng đó và hệ thống. Chưa kể, có thể nảy sinh trường hợp chính ngân hàng cho vay đối tác, tổ chức liên quan để mua nợ, dẫn đến dòng tiền đi vòng, nợ xấu vẫn còn nguyên nhưng ngân hàng không phải trích lập dự phòng rủi ro.
Còn nhớ đã từng có những rủi ro tương tự xảy ra trong quá khứ, khiến hệ thống mất rất nhiều thời gian để tái cơ cấu, xử lý nợ. Năm 2015, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia đã phải lên tiếng cảnh báo về lãi dự thu từ các khoản nợ cơ cấu lại tăng vọt trên toàn hệ thống. Không quá xa, năm 2019, NHNN cũng đã yêu cầu các TCTD nghiêm túc thực hiện dự thu lãi phù hợp với thực trạng các khoản nợ.
Theo đó, TS. Đinh Thế Hiển khuyến nghị các TCTD nên tự nguyện tuân thủ, tránh "nuôi’ nợ xấu "âm ỉ" dưới bề mặt thành tích lợi nhuận khủng có thể gây bất lợi cho chính tổ chức và hệ thống ngân hàng trong tương lai.
No comments