Những ngôi nhà lấy bếp làm điểm nhấn
Với tình yêu bếp núc và mong muốn gắn kết gia đình, nhiều chủ nhà đầu tư khu nấu nướng với hình thù độc đáo, diện tích lớn.
Ngôi nhà 2,5 tầng, với tổng diện tích xây dựng 350 m2 tại Củ Chi (TP HCM) đề cao yếu tố mở để gia đình ba thế hệ với 6 thành viên dễ dàng tương tác với nhau.
Căn bếp tạo hình ê-líp đặt chính giữa là điểm nhấn cho không gian chung. Bao quanh khu vực bếp là khu vực tiếp khách, ăn uống, cầu thang, hành lang, phòng ngủ... Các không gian đóng và mở xen kẽ giúp các thành viên trong gia đình dễ dàng trao đổi, nói chuyện với nhau.
Làm bếp theo hình dáng độc đáo cũng là lựa chọn của chủ nhân căn hộ 146 m2 ở Cầu Giấy (Hà Nội).
Quầy bar kiêm đảo bếp có thiết kế uốn cong, làm bằng đồng nguyên khối sáng bóng, chỉ nằm một phần trên phần sàn được nâng cao nên trông như đang lơ lửng. Ngoài ra, nó chắn một phần lối vào để dẫn con người dần dần khám phá căn hộ thay vì tiếp xúc trực tiếp ngay lập tức.
Căn bếp trong ngôi nhà ở Đông Anh, Hà Nội lại được giấu sau bức tường lửng màu trắng. Nó đại diện cho những người mẹ, người vợ luôn giữ lửa và sát cánh cùng các thành viên trong gia đình.
Cách thiết kế vừa tăng tính độc đáo cho căn nhà, vừa đảm bảo sự riêng tư khi gia chủ có khách đúng giờ nấu nướng.
Sau nhiều năm lao động, đôi vợ chồng ở Sầm Sơn (Thanh Hóa) xây ngôi nhà trên mảnh đất 100 m2 . Một trong các yêu cầu họ đưa ra cho kiến trúc sư là thỏa mãn vui thú vui bếp núc.
Từ yêu cầu đó, kiến trúc sư thiết kế hệ tủ bếp cao 4,5m kịch trần. Nhờ thang di động có đường ray, gia chủ có thể dễ dàng cất và lấy đồ.
Với căn hộ thông tầng rộng 220 m2 ở quận 2 (TP HCM), gia chủ cùng kiến trúc sư biến bếp thành điểm nhấn bằng cách sử dụng màu sắc.
Trên nền công trình phong cách tân cổ điển với tông màu trắng - xám, hệ tủ bếp có màu xanh dương đậm (dark blue). Giải pháp này tạo nên sự phá cách cho căn hộ đồng thời phù hợp với gia chủ trẻ tuổi.
Bếp trong căn hộ 65 m2 của gia chủ người nước ngoài ở Sài Gòn cũng gây ấn tượng bởi màu sắc.
Hệ tủ màu xanh lá cây kết hợp với hệ vì kèo gỗ ốp ngói, con tiện gỗ, mành tre tạo nên không gian "xưa cũ" nhưng vẫn hiện đại và khiến gia chủ quên mất mình đang sống trong căn hộ.
Một số công trình như căn nhà trên khu đất 70 m2 ở ngoại ô TP HCM không tiếc diện tích dành cho bếp.
Đề cao sự kết nối giữa các thành viên gia đình, chủ nhà làm bếp và phòng ăn rộng ngang phòng khách, nằm ở vị trí trung tâm nhà, xung quanh là các phòng riêng của các thành viên.
Nội thất gỗ tạo nét thô mộc và là điểm nhấn trên nền màu trắng, xám của tường, trần, sàn.
Ở Trảng Bom (Đồng Nai), kiến trúc sư cũng đặt bếp ở vị trí trung tâm của ngôi nhà 250 m2 để người mẹ có thể vừa làm bếp vừa trông con chơi đùa.
Khoảng trống phía trên, cửa sổ phía trước, cửa ra vào hai bên khu bếp tạo không gian mở, thoải mái, giúp người mẹ thư giãn khi nấu nướng. Bên cạnh đó, nhà không bị ám mùi thức ăn dù gia chủ không trang bị máy hút mùi.
No comments