Giải mã vật liệu “siêu việt” dùng để xây làng cổ Đường Lâm
Giải mã vật liệu “siêu việt” dùng để xây làng cổ Đường Lâm
Thứ Năm, 09/09/2021 00:13
Trong nhiều thế kỷ qua, người dân ở làng cổ Đường Lâm nói riêng và xứ Đoài nói chung đã dùng đá ong để xây các công trình. Xung quanh loại vật liệu này có nhiều điều lý thú mà không phải ai cũng tường tận.
Nằm ở thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội, làng cổ Đường Lâm là ngôi làng cổ nổi tiếng bậc nhất Việt Nam. Góp phần làm nên giá trị đặc biệt cho diện mạo cảnh quan của ngôi làng này là một loại vật liệu xây dựng đặc biệt: Những viên gạch đá ong.
Đây là loại gạch được đẽo từ đá ong, loại đá được được coi là một sản vật quý của vùng đất Sơn Tây. Tên gọi đá ong xuất phát từ bề mặt xù xì với những vết lõm đều nhìn giống như những tổ ong của loại đá này.
Trong nhiều thế kỷ qua, người dân ở Đường Lâm nói riêng và xứ Đoài nói chung đã dùng đá ong để xây các công trình phục vụ nhu cầu của gia đình và cộng đồng. Có thể nói, đá ong là loại vật liệu đồng hành cùng lịch sử của vùng đất này.
Tất cả các công trình nổi tiếng của làng Đường Lâm như đình Mông Phụ, chùa Mía, cổng làng và các giếng cổ trăm tuổi... đều được xây dựng bằng đá ong. Xung quanh loại vật liệu này có nhiều điều lý thú mà không phải ai cũng tường tận.
Theo các nhà địa chất học, đá ong là loại đá xuất hiện từ quá trình phong hóa nhiệt đới. Phần lớn diện tích đất có đá ong nằm ở các vùng nhiệt đới giữa chí tuyến Bắc và chí tuyến Nam. Loại đá này thường có màu vàng hay màu nâu đỏ bởi hàm lượng oxit sắt rất cao.
So với các loại đá tự nhiên khác như đá xanh, đá hoa cương thì đá ong nhẹ và giòn hơn vì kết cấu xốp. Tuy nhiên, có thêm đặc tính dẻo và độ co giãn thấp nên đá ong vẫn có độ bền cao, chống chọi tốt với mọi loại hình thời tiết.
Với khả năng hấp thu nhiệt độ kém và tỏa nhiệt nhanh, những công trình sử dụng đá ong sẽ có không gian mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông. So với các loại gạch, đá phổ biến khác, đá ong cũng ít bị ẩm mốc, mọc rêu trơn.
Về mặt mỹ thuật, đá ong có bề mặt thô mộc, sắc màu tươi tắn tự nhiên của đất, đem lại một dáng vẻ độc đáo và sức hút đặc biệt cho công trình, nhất là khi xây theo phong cách truyền thống.
Đá ong khá mềm khi mới khai thác từ lòng đất, nhưng chỉ cần phơi nắng một lần là đã đủ cứng để sử dụng. Việc chế tác đá ong không tốn nhiều công sức như các loại đá khác và không mất nhiều thời gian như nung gạch từ đất sét.
Theo lối xây dựng của người xưa, chỉ cần lấy đất sét, đất mịn hoặc bùn non trộn với trấu để trét mạch đá ong là có thể tạo nên sự vững chắc cho tường nhà. Đến thời hiện đại, cách này vẫn còn được duy trì dù xi măng hay vôi cát được ưa chuộng hơn.
Ở một số vùng quê khác của xứ Đoài hay miền Trung cũng đào được đá ong nhưng loại đá chất lượng tốt nhất chỉ có ở vùng Đường Lâm – Sơn Tây. Vì vậy, có thể nói không ngoa rằng đây là “thủ phú đá ong” của cả nước.
Ngày nay, vẻ đẹp mộc mạc của những viên gạch đá ong vẫn trường tồn sau bao thăng trầm thời cuộc ở ngôi làng cổ đầu tiên được công nhận là Di tích cấp quốc gia của Việt Nam. Đó cũng là vẻ đẹp tâm hồn của những cư dân ở một vùng quê giàu truyền thống lịch sử - văn hóa...
Theo Quốc Lê (kienthuc.net.vn)
Gửi bình luận
XEM THÊM
No comments