Một tháng tăng giá gấp 3: Ôm tiền tỷ lao vào cơn sốt đất
Sau Tết Nguyên đán Tân Sửu, hiện tượng giá đất tăng nóng tại nhiều địa phương tạo ra những cơn sóng sốt đất khó tin. Cục bộ một số nơi tăng 2-3 lần chỉ trong 1-2 tháng.
Sốt đất đến mức khó tin
Giá đất ở một số địa phương tại Hà Nội đã tăng chóng mặt, sau khi thành phố dự kiến ban hành quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng vào tháng 6 tới. Tại Đông Anh, nhiều khu đất trước kia có giá dưới 20 triệu đồng/m2 giờ lên 50-60 triệu đồng/m2. Thậm chí, nhân viên môi giới còn cho biết có thể bán "ăn" chênh lệch 5-8 triệu/m2 chỉ qua một ngày.
Một số khu vực khác như Hòa Lạc, Ba Vì (Hà Nội), hồ Đồng Chanh (Hòa Bình)... được ghi nhận giá đất tăng 2-3 lần chỉ trong một năm. Những thửa đất diện tích từ 1.000 m2 trở lên, có tầm nhìn ra các khu vực hồ, đầm được cho là đặc biệt thu hút người mua.
Không chỉ Hà Nội mà nhiều địa phương khác cũng có hiện tượng sốt đất. Thông tin về quy hoạch sân bay sân bay Long Thành - Đồng Nai, Mũi Né - Bình Thuận cũng làm giá đất nhanh chóng tăng theo cấp số nhân. Trong quý 4/2020, việc nhiều lô đất nông nghiệp tại xã Lộc An và Bàu Cạn có khả năng được chuyển sang mục đích sử dụng đất là thổ cư, làm mức giá khu vực này rơi vào khoảng 5-6 tỷ đồng/sào, trong khi cùng kỳ năm 2019 giá khoảng 3-3,5 tỷ đồng/sào.
Sốt đất giữa mùa dịch, kẻ khóc người cười |
Thông tin thành lập Thành phố Thủ Đức cũng làm giá đất quanh khu vực này tăng theo. Cụ thể, trong quý 2/2020, giá đất phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2 rơi vào khoảng 60-70 triệu đồng/m2 nhưng đến nay có nhiều lô đất được rao bán từ 100-140 triệu đồng/m2.
Theo Hội Môi giới bất động sản VN, giá đất ở nhiều nơi tăng đến mức chóng mặt, trung bình tăng 10% sau một tháng, thậm chí một số nơi tăng 2-3 lần chỉ trong 1-2 tháng. Nhiều người bỏ bê công việc lao vào đầu tư đất, huy động các nguồn lực đổ tiền vào buôn đất.
Ở nhiều địa phương, xuất hiện hiện tượng tung tin không đúng sự thật về quy hoạch và phát triển dự án. Thậm chí, lợi dụng những ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Nhà nước, tạo dựng tài liệu giả để tung tin, tạo sóng. Điều này tác động rất xấu đến lợi ích của các nhà đầu tư thiếu kiến thức, kinh nghiệm.
Hiện tượng rao bán đất không phù hợp với quy định pháp luật như: đất rừng, đất ruộng, vườn,... xuất hiện ngày càng nhiều. Nhiều cò mồi thường xuyên quy tụ, tập hợp ở những khu vực này, tạo ra sự sôi động, tung nhiều thông tin không có cơ sở, đẩy giá lên từng giờ, từng ngày để lôi kéo các nhà đầu tư vào cuộc.
Qua rà soát, Hội Môi giới bất động sản VN nhận định, nguyên nhân cơ bản dẫn tới tình trạng trên, là: nhu cầu đầu tư, đưa dòng tiền vào đất vẫn tăng mạnh, đột biến do đầu tư vào các ngành kinh tế khác không hiệu quả do dịch bệnh chưa thực sự được kiểm soát. Bên cạnh đó, lãi suất ngân hàng giảm mạnh; chứng khoán, vàng là những kênh đầu tư ngắn hạn nên sau khi chốt lãi, nhiều người dồn tiền vào đất để bảo toàn vốn.
Đồng thời, nhu cầu nhà ở vẫn nhiều trong khi việc phê duyệt đầu tư các dự án bất động sản, tạo nguồn cung vẫn chưa có tín hiệu khả quan, dẫn đến nguồn cung thiếu, nhất là ở phân khúc nhà bình dân. Việc chính quyền nhiều địa phương đồng loạt điều chỉnh bảng giá đất tăng cũng là nguyên nhân gây tăng giá bất động sản.
Theo Hội Môi giới bất động sản VN, nhu cầu đầu tư tăng, trong khi lượng hàng khan hiếm khiến giá đất tăng mạnh. Vì lợi nhuận lớn nên thị trường xuất hiện hiện tượng mua bán đất bất chấp quy định pháp luật.
Nguồn cơn của "sốt" giá đất
Tại Tọa đàm Bất động sản Mùa Xuân, đánh giá về tình trạng "sốt" ảo giá đất thời gian qua, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho hay: "Mặc dù Covid-19 ảnh hưởng đến kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam nhưng thị trường bất động sản, giá bất động sản, 'sốt' đất vẫn nóng. Đặc biệt, giá bất động sản tại một số thành phố không giảm, ngược lại còn tăng".
Theo ông Hà, có hai nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất, kênh đầu tư bất động sản vẫn rất hấp dẫn, và vị chuyên gia cho rằng, bất động sản là kênh đầu tư mà người Việt tin tưởng, chỉ sau vàng và chứng khoán.
Thứ hai, nguồn cung bất động sản tại một số địa phương, như các thành phố lớn, còn thiếu hụt đẩy giá bất động sản tăng cao. "Đáng chú ý, 'sốt' đất không chỉ ở các khu vực có quy hoạch rõ ràng, có giấy phép xây dựng, mà còn xảy ra ở những vị trí không nằm trong quy hoạch, đất thổ cư trong làng xóm, thậm chí đất phi nông nghiệp như đất trồng rừng,... ", ông Hà nhấn mạnh.
Các chuyên gia cảnh báo rủi ro sau cơn sốt đất |
GS. TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng: “Tình trạng sốt đất xảy ra một phần là do tác động của Luật Đất đai 2013 khi mở rộng quy định về phân lô bán nền. Các quốc gia trên thế giới dùng hình thức phân lô bán nền chỉ để giải quyết nhà ở ở đô thị, không đưa vào thương mại. Đưa đất nền vào thương mại là điều rất tối kỵ”.
Đồng quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa khuyến cáo thị trường và nhà đầu tư cần cảnh giác với câu chuyện "sốt" đất nền, bởi đây luôn là nguồn cơn của "sốt" giá bất động sản. "Giá tiếp tục tăng, giá tăng cao nhưng không ai bán cả. Chúng tôi đã có báo cáo tới Thủ tướng Chính phủ, dù không quá căng thẳng nhưng cần có giải pháp để kiểm soát giá đất nền", TS. Nghĩa nói và cho rằng, không nên đua theo dòng tiền của đất nền "sốt" ảo bởi có thể dẫn đến đổ vỡ bất động sản.
Chia sẻ tại tòa đàm, ông Hà nhận xét, giữa hàng loạt dự án lớn nhỏ, lựa chọn sản phẩm chất lượng để giảm thiểu tối đa rủi ro là thách thức lớn của nhà đầu tư. Một dự án chất lượng phải hội tụ đủ các yếu tố cơ bản như vị trí kết nối, khu vực tập trung nhiều dân cư, mật đô dân cư cao, quy hoạch bài bản khoa học, hạ tầng tiện ích được đầu tư đồng bộ và trước hết là pháp lý phải minh bạch và chủ đầu tư uy tín.
Mặc dù ở thời điểm hiện tại còn nhiều băn khoăn về việc đầu tư vào thị trường trong cơn sốt nóng cục bộ, chứa đựng nhiều rủi ro tiềm ẩn, nhưng nhìn chung theo ông Hà, có hai yếu tố nhà đầu tư cần xem xét là yếu tố về hạ tầng kết nối vùng và uy tín của các doanh nghiệp.
Việc đầu tư đón đầu trước thông tin hạ tầng cũng như sự xuất hiện của các doanh nghiệp lớn không phải hoàn toàn đều có rủi ro. Tuy nhiên, trước khi quyết định xuống tiền, các nhà đầu tư cũng cần nhận diện được tiềm năng phát triển của khu vực, phải nghiên cứu kỹ về pháp lý, giá cả, uy tín chủ đầu tư và quan trọng nhất là nơi đó có cộng đồng dân cư hay không, vì hiện có nhiều dự án bán xong rồi để đó. "Các nhà đầu tư cần tỉnh táo để lựa chọn cơ hội đầu tư cho mình", ông Hà khuyến cáo.
Ngoài ra, cơ quan quản lý ở cấp địa phương nâng cao tinh thần và gắn trách nhiệm với hiện tượng sốt đất,... từ đó, chủ động hơn trong việc phát hiện và xử lý hoạt động tung tin thất thiệt, gây ảnh hưởng đến thị trường, đặc biệt là những tin tức tạo dựng làm sốt đất, bất ổn ở địa phương.
D.Anh
No comments