Hướng giải quyết các trường hợp 'tắc' giấy phép xây dựng nhà ở
Để giải quyết việc cấp giấy phép xây dựng cho công trình nhà ở thuộc quy hoạch chức năng đất hỗn hợp và đất dân cư xây dựng mới, Sở Xây dựng TP.HCM vừa đề xuất 2 phương án.
Sở Xây dựng TP.HCM vừa báo cáo UBND Thành phố về hướng giải quyết vướng mắc trong công tác cấp giấy phép xây dựng đối với khu vực quy hoạch có chức năng sử dụng đất hỗn hợp và đất dân cư xây dựng mới.
Quy hoạch chức năng đất hỗn hợp và đất dân cư xây dựng mới trên địa bàn TP.HCM nhằm xác định khu vực ưu tiên kêu gọi đầu tư dự án nhà ở, công trình hoặc tổ hợp công trình sử dụng cho nhiều chức năng.
Sở Xây dựng TP.HCM đề xuất 2 phương án cấp phép xây dựng nhà ở thuộc quy hoạch chức năng đất hỗn hợp và đất dân cư xây dựng mới. |
Quá trình thực hiện, chủ đầu tư các dự án cần lập, trình phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 để xác định cụ thể, vị trí, cơ cấu, bố cục các chức năng và chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc cho từng hạng mục.
Thực tế thời gian qua, trên địa bàn TP.HCM có không ít nhà đất của người dân thuộc quy hoạch chức năng sử dụng đất hỗn hợp và dân cư xây dựng mới gặp vướng mắc trong việc tách thửa đất cũng như cấp phép xây dựng.
Như trường hợp của ông N.H.K (ngụ Q.9, nay là TP.Thủ Đức). Ông K. cho biết, sau khi Quyết định số 60/2017/QĐ-UBND quy định về diện tích tối thiểu tách thửa trên địa bàn TP.HCM có hiệu lực, ông nộp hồ sơ xin tách thửa, mở đường vào khu đất của gia đình ở P.Trường Thạnh.
Tuy vậy, gần 3 năm qua hồ sơ của ông K. vẫn không được giải quyết. Địa phương trả lời do đất của ông K. thuộc quy hoạch đất dân cư xây dựng mới nên không giải quyết cho tách thửa.
Trong khi đó, bà V.T.T.H (ngụ Q.Thủ Đức, nay là TP.Thủ Đức) có thửa đất 150m2 tại P.Linh Đông muốn tách thửa để cho con nhưng hồ sơ nộp từ năm 2017 đến nay chưa được giải quyết. Lý do đất của bà H. thuộc quy hoạch đất dân cư xây dựng mới.
Do không được tách thửa, bà H. muốn xây nhà cho thuê để cải thiện kinh tế gia đình nhưng cũng chỉ được cấp giấy phép xây dựng tạm. Theo bà H, trước đây, các hộ dân có đất lân cận nhà bà đều được cấp phép xây dựng chính thức.
Để giải quyết việc cấp giấy phép xây dựng cho các hộ dân có đất thuộc quy hoạch chức năng đất hỗn hợp và đất dân cư xây dựng mới trên địa bàn, Sở Xây dựng TP.HCM đề xuất 2 phương án xử lý.
Theo đó, các khu vực trong đồ án quy hoạch phân khu có chức năng sử dụng đất hỗn hợp và đất dân cư xây dựng mới sẽ được cấp giấy phép xây dựng có thời hạn với quy mô tối đa 3 tầng.
Phương án 2 là chấp thuận cấp giấy phép xây dựng chính thức với chỉ tiêu kiến trúc quy hoạch của công trình/nhà ở riêng lẻ xác định theo Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 9411:2012 Nhà ở liên kế - Tiêu chuẩn thiết kế.
Trong mọi trường hợp nhà ở liên kế không được cao hơn 6 tầng. Trong các ngõ (hẻm) có chiều rộng nhỏ hơn 6m, nhà ở liên kế không được xây cao quá 4 tầng.
Theo Sở Xây dựng, mặc dù chọn phương án 2 để đề xuất UBND TP.HCM chấp thuận nhưng nhược điểm của phương án này là chưa phù hợp về điều kiện cấp giấy phép xây dựng. Khó khăn trong việc mời gọi chủ đầu tư thực hiện dự án quy hoạch xây dựng do chi phí đền bù giải phóng mặt bằng tăng.
Để khắc phục các nhược điểm nói trên, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TP.HCM giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc khẩn trương nghiên cứu và trình quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị chung TP.HCM theo hướng phân loại cụ thể các chức năng quy hoạch tại quy hoạch phân khu (đất dân cư hiện hữu, đất hỗn hợp, đất dân cư xây dựng mới, đất nhóm nhà ở cao tầng/thấp tầng) để cấp giấy phép xây dựng chính thức.
Các chức năng quy hoạch còn lại như đất cây xanh, giao thông, công trình công cộng… được cấp phép xây dựng có thời hạn.
Đồng thời, UBND quận – huyện cập nhật quy mô xây dựng nhà ở liên kế theo Tiêu chuẩn Quốc gia trong quá trình rà soát, điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch trong đồ án quy hoạch phân khu để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
TP.HCM sắp quy định những trường hợp không được tách thửa đất
Để ngăn chặn việc tách thửa trái phép, UBND TP.HCM lưu ý các sở ngành khi tham mưu điều chỉnh quyết định diện tích tối thiểu được tách thửa cần phải quy định rõ những trường hợp không được tách thửa.
Phương Anh Linh – Hồ Văn
No comments