Chuyện lạ ở Bình Chánh: Chủ đất vi phạm xây dựng, lập biên bản xử phạt… thợ xây
Loạt công trình nhà hàng, khu ẩm thực, nhà ở… xây trái phép trên đất nông nghiệp ở huyện Bình Chánh hơn chục năm vẫn không bị xử lý. Có trường hợp chủ đất vi phạm nhưng lại lập biên bản cho thợ xây dựng.
Khu ẩm thực xây không phép 17 năm
Tại kết luận thanh tra toàn diện công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Bình Chánh giai đoạn 2016 – 2019 vừa công bố mới đây, Thanh tra TP.HCM đã chỉ ra một số vụ vi phạm xây dựng có tính chất phức tạp tại huyện này.
Thanh tra TP.HCM cho rằng, tình hình vi phạm đất đai, trật tự xây dựng giai đoạn này ở Bình Chánh rất phức tạp, có dấu hiệu của việc đầu cơ đất đai. Trong khi đó, các cơ quan quản lý địa phương không chủ động xử lý ngay từ đầu, để người dân tự chuyển mục đích sử dụng đất, phân lô bán nền, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp…
Tại xã Bình Hưng, công trình nhà hàng Hương Dừa vi phạm xây dựng từ năm 2005 nhưng không bị xử lý kịp thời. Chủ sử dụng khu đất hơn 15.000m2 này đã tự chuyển mục đích sử dụng đất, không phù hợp quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng, xây dựng công trình không phép trên đất nông nghiệp.
Chưa dừng lại, chủ đất còn lấn rạch để cho thuê và bán nhà ở cho các hộ dân, thu lợi bất chính. Quá trình mua bán được thực hiện bằng giấy viết tay, chuyển nhượng qua lại nhiều người… Thanh tra TP.HCM cho rằng vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, tiếp tục chuyển cơ quan điều tra để làm rõ.
Công trình vi phạm xây dựng Khu ẩm thực Bình Xuyên tồn tại suốt 17 năm qua. |
Cũng tại xã Bình Hưng, trường hợp vi phạm xây dựng quy mô lớn là công trình Khu ẩm thực Bình Xuyên. Khu đất gần 25.000m2 tại đây là đất nông nghiệp, đất ao, rạch. Tuy nhiên, chủ đất đã chuyển mục đích thành đất thương mại, dịch vụ trái phép để xây dựng nhiều hạng mục.
Vụ vi phạm tại Khu ẩm thực Bình Xuyên kéo dài từ năm 2003, đến thời điểm thanh tra đã 17 năm vẫn tồn tại các công trình xây không phép trên đất nông nghiệp, đất ao, rạch nhưng UBND huyện Bình Chánh chưa xử lý.
Không chỉ công trình riêng lẻ, dự án khu dân cư ở Bình Chánh cũng xảy ra vi phạm xây dựng như dự án Khu dân cư – Trung tâm thương mại xã Tân Nhựt (Amazing City) do Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Huỳnh Thông (Công ty Huỳnh Thông) làm chủ đầu tư.
Được giao đất từ năm 2010 để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật dự án, tuy nhiên Công ty Huỳnh Thông không thực hiện trình tự thủ tục quy định, chưa chuyển mục đích sử dụng thành đất ở, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính… nhưng đã ký hợp đồng bán các nền đất, thực chất là phân lô bán nền, trên đất nông nghiệp.
Công ty Huỳnh Thông và các hộ dân đã xây 187 căn nhà ở riêng lẻ, 225 căn hộ chung cư, 2 hạng mục nhà điều hành dự án, hồ bơi… trên đất nông nghiệp. Thanh tra xác định, chủ đầu tư xây nhà để bán, thu lợi bất chính nhưng không thực hiện hồ sơ pháp lý, chưa được giao đất để đầu tư dự án nhà ở, chưa được phê duyệt dự án… có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Chủ đất vi phạm, lập biên bản cho… thợ xây
Theo ông Nguyễn Văn Tài – Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, số vụ vi phạm đất đai, trật tự xây dựng từng năm được kéo giảm so với năm trước đó và giai đoạn 2016 – 2019 giảm hơn 3.300 vụ so với giai đoạn 2012 – 2015. Tuy nhiên tình hình vi phạm vẫn diễn biến phức tạp.
Nhiều trường hợp vi phạm từ năm 2016 về trước không được phát hiện tại thời điểm phát sinh vụ việc. Nguyên nhân do UBND các xã đã không kịp thời kiểm tra, phát hiện, lập biên bản ngay tại thời điểm vi phạm; không lập hồ sơ xử lý, không báo cáo dẫn đến không có hồ sơ bàn giao để tiếp tục xử lý…
Như trường hợp nhà hàng Hương Dừa tại xã Bình Hưng, chủ đất vi phạm từ năm 2005 và đưa công trình vào sử dụng năm 2013 nhưng địa phương không báo cáo, không lập hồ sơ đầy đủ, không bàn giao chuyển tiếp xử lý.
Vi phạm tại dự án Amazing City xảy ra trong giai đoạn 2011 – 2016, tuy nhiên đến năm 2018 Thanh tra Sở Xây dựng mới lập hồ sơ. Trong khi đó, vi phạm tại Khu ẩm thực Bình Xuyên không có hồ sơ.
Một góc dự án Amazing City do Công ty Huỳnh Thông làm chủ đầu tư. |
Giai đoạn 2009 – 2013, vi phạm đất đai, xây dựng trên địa bàn huyện Bình Chánh xảy ra nhiều, tuy nhiên việc lập hồ sơ vi phạm có thiếu sót như: Không thể hiện vị trí; số thửa; số tờ; không lập biên bản chủ sử dụng đất, chủ đầu tư công trình mà lập cho thợ xây dựng đứng ra đại diện; lập biên bản vắng chủ; không bàn giao hồ sơ…
Do đó, lãnh đạo UBND huyện Bình Chánh cho rằng, hiện nay địa phương phải tiếp tục rà soát những công trình vi phạm từ giai đoạn 2009 – 2013 để xử lý.
Ngoài ra, phần lớn vụ xây dựng không phép đều xây dựng trên đất nông nghiệp nhưng việc lập hồ sơ chỉ ở lĩnh vực xây dựng, không xử lý hành vi sử dụng đất không đúng mục đích nên không xác định được vị trí để xử lý triệt để.
Bên cạnh những vướng mắc trong việc áp dụng quy định xử lý vi phạm xây dựng công trình, nhà ở trên đất nông nghiệp, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, lực lượng công chức địa chính – xây dựng của các xã và thị trấn phải kiêm nhiệm nhiều đầu việc.
Tính bình quân một công chức phải phục vụ giải quyết nhu cầu địa chính – xây dựng cho hơn 40.000 người dân và quản lý 600ha đất. Trong khi đó, công chức trật tự đô thị không có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính.
Trong thời gian chờ thí điểm Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND quận – huyện quản lý, UBND huyện Bình Chánh kiến nghị Sở Xây dựng giao nhiệm vụ cho Đội Thanh tra xây dựng địa bàn huyện kiểm tra, xử phạt tất cả vi phạm xây dựng tại các dự án nhà ở; công trình sai phép sau hoàn công…
Điều tra dấu hiệu hối lộ, tham nhũng, đầu cơ đất ở huyện vùng ven TP.HCM
Các vụ việc có dấu hiệu đưa, nhận, môi giới hối lộ; đầu cơ đất; mua bán chuyển nhượng thu lợi bất chính; xây dựng sai phép, không phép… tại huyện Bình Chánh đang được giao Công an TP.HCM điều tra.
Phương Anh Linh – Hồ Văn
No comments