Royal Oak Offshore - cột mốc khai sinh đồng hồ thể thao cỡ lớn
Hai nghệ nhân Audemars và Piguet đã cùng nhau đặt nền móng cho Audemars Piguet tại quê hương Le Brassus – cái nôi của những kỹ nghệ chế tác đồng hồ bậc thầy. Tới nay, trải qua bốn thế hệ truyền nối bởi con cháu của hai gia tộc, lịch sử 145 năm hoàn toàn độc lập của Audemars Piguet luôn là niềm tự hào của ngành đồng hồ Thuỵ Sĩ.
Cơn “khủng hoảng Quartz” đã tiêu diệt quá bán ngành đồng hồ Thuỵ Sĩ, khiến nhiều tên tuổi lớn đối mặt với những viễn cảnh tồi tệ. Audemars Piguet đã đánh liều tìm “lối thoát” khi thiết kế một dòng sản phẩm mới nhắm vào những quý ông Italy - thị trường tiềm năng nhất bấy giờ.
Royal Oak được nhà thiết kế huyền thoại Gerald Genta sáng tạo trong một đêm, tổng hợp tính thể thao qua chất liệu thép, các đường cắt góc cạnh và nét thanh lịch qua bộ dây tổng hợp nhiều kĩ nghệ đánh bóng, đúng yêu cầu của một quý ông Italy thời đó. Tuy nhiên với kích thước 39mm bị giới mộ điệu cho là quá cỡ và Royal Oak được gắn biệt danh là “Jumbo”.
Sự tổng hoà giữa thẩm mĩ thể thao và thanh lịch đã dần chinh phục các yếu nhân ở Châu Âu và lan ra khắp thế giới. Thập kỉ 80s Audemars Piguet Royal Oak được yêu mến ở nhiều nơi, tạo ra một trường phái mới mà trước đây chưa có trong làng đồng hồ Thuỵ Sĩ.
Trung thành với tinh thần “tạo ra xu hướng’, những nhà lãnh đạo Audemars Piguet bấy giờ đã giao cho Nhà thiết kế mới 22 tuổi - Emmanuel Gueit một nhiệm vụ khó nhằn. Đó là tăng kích cỡ cho Royal Oak nhằm hướng đến khách hàng trẻ. Ông mạnh dạn chọn size 42mm, hướng đến đồng hồ thể thao thực thụ với thiết kế mạnh mẽ hơn, dành cho các quý ông có phong cách khoẻ khoắn và ưa dịch chuyển.
Trong suốt 4 năm, dự án Royal Oak Offshore của Gueit nhiều lần bị đình trệ. Một trăm chiếc Audemars Piguet Royal Oak Offshore đầu tiên ra mắt không hề được khắc chữ Offshore ở mặt lưng. Kích thước 42mm trở thành cú sốc khiến giới mộ điệu đặt biệt danh “The Beast”. Thế nhưng ít lâu sau, thiết kế này lại trở thành một trong những bộ sưu tập chủ chốt giúp Audemars Piguet khai sinh ra khái niệm mới - những chiếc đồng hồ thể thao đích thực.
Điểm khác biệt đầu tiên giữa Royal Oak Offshore và bộ sưu tập đã thành danh trước đó là ở phần kích thước. Đường kính 42mm, diện mạo xù xì, mạnh mẽ nhắm tới những quý ông thượng lưu Đông Âu, châu Mỹ và lối sống ưu vận động, khoẻ khoắn. Royal Oak Offshore cũng từng được Arnold Schwarzengger lựa chọn cho outfit trong bộ phim "Ngày tận thế" và giành được thành công vang dội.
"Thời điểm đó, size 42mm mang nhiều hoài nghi nhưng là thách thức đặt nhiều kỳ vọng. Có thể nói là bước đầu của quá trình thay đổi thẩm mỹ và nhận thức về đồng hồ thể thao đích thực trong giới đam mê đồng hồ xa xỉ", đại diện nhà bán lẻ The Hour Glass S&S – đơn vị phân phối Audemars Piguet tại Việt Nam cho hay. Ngày nay, kích cỡ 42mm đã trở nên phổ biến trong ngành chế tác đồng hồ và là một trong những lựa chọn được nhà sưu tập toàn thế giới yêu chuộng, cho thấy tầm nhìn của NTK Gueit khi đó là rất chính xác.
Trong thâm tâm của những thế hệ hậu duệ Audemars Piguet, họ luôn hướng đến phá vỡ các giới hạn và họ đã gửi gắm vào những chi tiết đầy hàm ý. Chẳng hạn như ngay dưới bezel đa giác của Royal Oak Offshore là một viền cao su nhỏ, giúp chiếc đồng hồ chống nước ở độ sâu 100m đồng thời là điểm nhấn thú vị liên hệ chặt chẽ với cái tên Offshore, có nghĩa là 'ra khơi'.
Các nút bấm chronograph cũng góp phần đưa diện mạo Royal Oak Offshore trở thành chiếc đồng hồ thể thao khác biệt bởi vật liệu sử dụng có tên là Therban, có khả năng chống nước cao ở độ sâu 100m, nhất là chịu được nước nóng và luồng hơi nước mạnh. Therban được tập đoàn Bayer bắt đầu nghiên cứu năm 1975 và ra mắt năm 1986. Đây là vật liệu có thể chịu mức biến nhiệt từ - 45 độ C cho tới 165 độ C, giới hạn cao nhất 180 độ C.
Từ cao su rồi tới Therban để tăng hiệu suất cho đồng hồ, đi cùng kích thước lớn, thiết kế xù xì như sẵn sàng lao vào bất kì môn thể thao hay cuộc chinh phạt nào, Royal Oak Offshore đã mở ra khái niệm những chiếc đồng hồ thể thao đích thực luôn theo chủ nhân trong mọi hoạt động chứ không chỉ sinh ra để được nâng niu.
Các vạch chỉ giờ trắng được phủ lumi, dạ quang trong điều kiện thiếu sáng. Viền bezel trong có thêm viền chỉ tachymeter giúp dòng này tăng độ hài hoà, tinh tế. Cỗ máy sử dụng bộ 3126/3840 chronograph cấu thành từ 365 chi tiết, rung động ở tần số 21.600 vph và dự trữ năng lượng ở mức 50 giờ.
Sức hấp dẫn của Royal Oak Offshore tôn trọng và kế thừa truyền thống hoàn thiện tinh xảo của Audemars Piguet. Những góc cạnh bát giác của bezel hay các phím bấm Chronograph được kết hợp nhiều ngón nghề chải satin với các đường xước lượn mượt mà, cùng sự tương phản ở những góc vát bóng bảy.
Sự cộng hưởng giữa dòng chảy quá khứ và tầm nhìn thời đại trong thiết kế Royal Oak Offshore đã mở ra nhiều khía cạnh mới, tạo ra trường phái những chiếc đồng hồ mạnh mẽ cả vẻ ngoài lẫn hiệu quả công năng. Mỗi thử nghiệm đưa những chiếc Royal Oak Offshore đi xa hơn với điểm xuất phát, nhưng đều tiếp nối những nền tảng đã giúp mẫu đồng hồ này sống sót và thành công.
Tại boutique Audemars Piguet ngày nay, những mẫu đồng hồ Royal Oak Offshore đầu tiên từ thép, vàng và platinum nằm chung trên kệ với những chất liệu mới như titatnium, carbon, ceramic và cao su. Kích thước lớn cũng cho phép Audemars Piguet chế tác nhiều cỗ máy lộ cơ siêu phức tạp cho Royal Oak Offshore. Nếu để phiên bản đời đầu cạnh những mẫu sau này sẽ cảm nhận được tinh thần và sự kết nối với tương lai, như tầm nhìn của Audemars Piguet vạch ra từ 20 năm trước.
Sự kiên định với sáng tạo, đổi mới là mạch nguồn tư duy cho những thế hệ hậu duệ Audemars Piguet chọn cách ngồi ghế đầu trong đoàn tàu thám hiểm, thay vì yên vị ghế sau tận hưởng sự an toàn nhàm tẻ. Đây cũng là nền tảng khẳng định vị thế và sức ảnh hưởng của Audemars Piguet trong làng đồng hồ thế giới, trở thành thương hiệu đồng hồ cao cấp duy nhất trên thế giới còn được điều hành bởi hậu duệ đời thứ tư của hai dòng họ Audemars và Piguet sáng lập.
No comments