Breaking News

Loạt thách thức trên đường hồi phục kinh tế của Trung Quốc

Những con số đẹp về tỷ lệ doanh nghiệp mở cửa sau đại dịch chưa đủ thuyết phục các chuyên gia về triển vọng của kinh tế Trung Quốc.

Trung Quốc đã bước sang quý II/2020 với hoạt động sản xuất phục hồi đều đặn. Tính đến ngày 29/3, 76,8% doanh nghiệp vừa và nhỏ đã trở lại làm việc, tăng từ mức 60% hai tuần trước đó. Con số này được công bố bởi Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc. Tuy nhiên, giới quan sát chưa rõ sẽ cần thêm bao lâu và làm thế nào để con số đó đạt 100%.

"Tỷ lệ khôi phục hoạt động với nhóm doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ có lẽ sẽ chững lại, vì một số có thể đã sụp đổ. Tức là số liệu có thể không tăng nhiều được nữa", Bruce Pang - Giám đốc nghiên cứu vĩ mô và chiến lược của China Renaissance nhận định.

Trong khi đó, 98,6% các công ty lớn nhất của Trung Quốc, như các hãng công nghiệp lớn, đã nối lại hoạt động. Tỷ lệ lao động trở lại làm việc của họ là 89,9%. Nhóm này chỉ tính những doanh nghiệp có doanh thu hàng năm ít nhất 20 triệu nhân dân tệ từ hoạt động kinh doanh.

Một số khu vực tại Trung Quốc thậm chí đã công bố tỷ lệ khôi phục hoạt động 100% tại vài ngành. Chẳng hạn, Quảng Đông cho biết, đến cuối tháng 3/2020, toàn bộ 77 công ty niêm yết của tỉnh này đều đã hoạt động lại.

Giờ ăn trưa của công nhân nhà máy Dongfeng Honda tại Vũ Hán, Trung Quốc hôm 23/3. Ảnh: AFP

Giờ ăn trưa của công nhân nhà máy Dongfeng Honda tại Vũ Hán, Trung Quốc hôm 23/3. Ảnh: AFP

Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng lưu ý rằng, tỷ lệ cao không nhất thiết phản ánh các doanh nghiệp đã sản xuất được bao nhiêu và đóng góp thực sự cho tăng trưởng thế nào. Bruce Pang cho rằng sự lây lan của Covid-19 trên toàn cầu có thể gây gián đoạn đơn hàng cho các công ty ngoại thương Trung Quốc trong tháng 4/2020. Nhu cầu nội địa và quốc tế cũng không vững chắc, vì tình hình việc làm và hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể ảnh hưởng đến khả năng đầu tư cũng như tiêu dùng.   

Doanh nghiệp nhỏ đóng góp lần lớn vào tăng trưởng và giải quyết việc làm cho Trung Quốc. Tuy nhiên, họ thường chật vật hơn khi hoạt động trong một môi trường do doanh nghiệp nhà nước thống trị. Đặc biệt khi các ngân hàng lớn thuộc sở hữu nhà nước ưu tiên cho vay doanh nghiệp quốc doanh.

Tính đến thứ hai (30/3), hơn 429.000 doanh nghiệp đã giải thể hoặc đình chỉ hoạt động trong năm nay, theo phân tích từ Qichacha - một công ty về dữ liệu kinh doanh tại Trung Quốc. Ngành bán buôn và bán lẻ chiếm tỷ lệ giải thể hoạt động lớn nhất, với khoảng 38%. Cho thuê và dịch vụ doanh nghiệp chiếm khoảng 15%, rồi đến sản xuất với 8%. Tuy nhiên, so với 126 triệu doanh nghiệp đang hoạt động tại nước này, tỷ lệ đóng cửa chỉ chiếm dưới 1%.

Khi chính quyền Trung Quốc vẫn đang cố gắng hạn chế sự lây lan của virus, đặc biệt từ người ở nước ngoài trở về, một số ngành vẫn còn khó hoạt động bình thường trở lại. Ví dụ, các rạp chiếu phim tuần trước vừa mở trở lại, thì Cục quản lý điện ảnh hôm 27/3 lại yêu cầu đóng cửa.

Áp lực tài chính 

Trước tác động của Covid-19 đối với nền kinh tế, các doanh nghiệp nhỏ đã trở thành tâm điểm giải cứu của Bắc Kinh. Trong cuộc họp gần đây nhất hôm thứ ba (31/3), chính phủ Trung Quốc đã công bố các biện pháp mới, đặc biệt nhắm vào các ngân hàng vừa và nhỏ. Một gói tín dụng 1.000 tỷ nhân dân tệ (140,8 tỷ USD) sẽ được cung cấp để các ngân hàng cho vay với lãi suất đặc biệt, cộng với việc hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc.   

"Các ngân hàng vừa và nhỏ có thể bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Vì nhiều người, nếu không nói là hầu hết các con nợ của họ, rất có thể đang gặp khó khăn về tài chính", Ting Lu - kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Nomura nhận định.

Áp lực tài chính càng tăng khi các doanh nghiệp Trung Quốc, cả tư nhân và nhà nước, vốn đang phải đối phó với việc Trung Quốc tăng trưởng chậm lại vài năm qua. Phân tích của Fitch Ratings công bố hồi đầu tuần chỉ ra rằng "trong hai năm qua, tổng số vụ vỡ nợ trái phiếu ở Trung Quốc gia tăng đáng kể", kể cả với các doanh nghiệp nhà nước, vốn được cho là nhận được hỗ trợ từ chính phủ.

"Nếu tình hình kinh tế tiếp tục xấu đi, chúng ta sẽ chứng kiến những công ty thừa công suất sẽ gặp nhiều khó khăn hơn và khả năng nhận được hỗ trợ để phục hồi sẽ ít hơn", Jenny Huang, Giám đốc nghiên cứu doanh nghiệp Trung Quốc của Fitch Ratings, nhận định.

Thách thức toàn cầu

Trên toàn cầu, thách thức về tài chính sẽ vẫn còn lan tràn bởi sự bùng nổ của đại dịch. Các nhà phân tích của Moody's dự báo số vụ vỡ nợ của các công ty trên toàn cầu sẽ tăng lên khi Covid-19 tiếp tục tấn công các nền kinh tế. Trường hợp suy giảm tăng trưởng mạnh nhưng ngắn hạn thì tỷ lệ vỡ nợ toàn cầu dự kiến sẽ tăng lên mức 6,8%. Còn nếu có đủ các điều kiện tương tự như một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu thì con số sẽ là 16,1%.   

Suresh Dalai - Giám đốc cấp cao tại công ty tư vấn Alvarez & Marsal cho biết lưu lượng khách của ngành bán lẻ ở Đông Nam Áđã giảm hơn một nửa vào tháng 2 và tháng 3 năm nay so với cùng kỳ. Nguyên nhân là đại dịch làm giảm khách du lịch Trung Quốc.

Ông lưu ý rằng, một nhà bán lẻ có vốn hóa tốt thường có 3 đến 6 tháng tiền mặt, cộng với một hạn mức tín dụng nhất định. Nhưng những hãng có tài chính tốt như vậy đang ít dần. Họ đang cố gắng thương lượng với các nhà cung cấp, chủ mặt bằng và các đối tác khác để duy trì được hoạt động đến tận giờ.

Ngay cả khi các nhà lãnh đạo G20 cam kết hỗ trợ 5.000 tỷ USD và chính phủ Trung Quốc công bố một loạt các biện pháp kích thích như cắt giảm thuế, các nhà kinh tế vẫn hạ dự báo tăng trưởng trong năm nay của nước này và thế giới. Thậm chí, Nomura dự báo kinh tế Trung Quốc quý I/2020 sẽ giảm 9% và quý II là 0,5%.

Phiên An (theo CNBC)

No comments

Phan Mem Bao Mat Windows / Thoi Trang Nam / Bat Dong San Sai Gon / Dung Cu Cat