Cá hồi Sa Pa ế ẩm vì Covid-19
Nhà hàng, đối tượng tiêu thụ chính cá hồi, cá tầm, đóng cửa nên người nuôi ở Sa Pa đang “ngồi trên đống lửa”, nguy cơ mất trắng tiền tỷ.
Dịch bệnh khiến du lịch tại Sa Pa đóng băng, các nhà hàng quán ăn, đóng cửa nên sức tiêu thụ cá hồi không còn. Trong khi đó, cá hồi vận chuyển tươi sống đi xa khó khăn nên thương lái cũng không muốn mua.
Anh Sỹ - người nuôi cá hồi ở Sa Pa (Lào Cai) kể, do dịch bệnh, thương lái không tới mua, vựa cá nhà anh đang phải nuôi cầm chừng. "Mỗi ngày mất 5 triệu tiền thức ăn cho cá, tiền lương cho 4 nhân công. Tính ra một tháng tôi mất trắng gần 200 triệu đồng", anh Sỹ nói.
Tương tự, chị Hoa cũng ở Sa Pa đang có 10 tấn cá hồi đến kỳ thu hoạch nhưng không có người mua. Nếu chi dè sẻn, mỗi tháng gia đình chị mất khoảng 220 triệu đồng tiền thức ăn nuôi cá, giờ cá đến lứa bán không biết bán cho ai. Còn nếu để lại, chi phí đội lên cao, có thể mất trắng cả tỷ đồng.
Hiện tại, chị Hoa đang bán sỉ với giá 180.000 đồng một kg nếu mua từ 70 kg. Với mức giá này chị cho biết lỗ khoảng 30.000 đồng.
Cá hồi tại trang trại nhà anh Sỹ ở Sa Pa đến lứa thu hoạch nhưng không có người hỏi mua. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Năm 2019, cá hồi ở Sa Pa có giá bán ra tại vựa khoảng 250.000 đồng một kg. Nhưng khảo sát trên thị trường bán lẻ cho thấy, cá hồi Sa Pa đang được rao bán chỉ khoảng 200.000 đồng một kg.
Anh Hoàng, một người bán tại Lào Cai cho biết, đa phần chỉ bán cho dân trong vùng chứ không vận chuyển đi các tỉnh xa vì bảo quản khó. "Hiện, tôi tìm các mối sỉ để đẩy mạnh sản lượng đi các tỉnh nhưng chắc cũng phải qua giai đoạn cách ly xã hội mới có khách đặt vì vận chuyển khó khăn", anh Hoàng nói.
Tại TP HCM, một số đơn vị chuyên phân phối cá hồi Sa Pa cũng nói đã ngưng nhập. Chị Thủy (Thủ Đức) trước đây có nhập bán khoảng 3 tạ nhưng nay cũng phải dừng vì các nhà xe không nhận hàng hoặc nếu có thì phí vận chuyển quá đắt.
Xe chở thức ăn cho cá của gia đình anh Sỹ. Anh ước tính mỗi ngày mất 5 triệu để duy trì vựa cá. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Theo anh Sỹ và nhiều hộ nuôi, trước mắt họ mong muốn được vay ngân hàng với lãi suất 0% để duy trì hoạt động chăn nuôi. Với những hộ gia đình đã vay mong được giảm lãi suất để vượt qua khó khăn.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Huyện Sa Pa, cả huyện có 14 trang trại lớn, hơn 40 vựa nuôi nhỏ và một số hộ dân nuôi nhỏ lẻ khác cũng đang chung cảnh ngộ.
Theo các hộ nuôi tại đây, cá hồi Sa Pa những năm trước không đủ cung cấp cho thị trường trong nước. Nhiều thương lái, nhà hàng đặt mua với số lượng lớn dù trọng lượng cá không quá lớn. Tuy nhiên, từ khi Covid-19 lan rộng, nhà hàng, quán ăn đóng cửa, các đơn hàng của đối tượng này huỷ theo.
Thi Hà
No comments