Breaking News

'Ô nhiễm không khí có thể khiến GDP Việt Nam giảm 5%'

Khối FDI lo tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở Việt Nam ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế về dài hạn. 

"Ô nhiễm không khí kéo dài sẽ khiến suy giảm giá trị đầu tư từ các công ty nước ngoài vào Việt Nam", ông Nobufumi Miura - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) mở đầu bài phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam năm 2019 (VBF) ngày 10/1.

Theo ông Miura, môi trường suy thoái do ô nhiễm không khí, xử lý nước thải công nghiệp là vấn đề đáng lo ngại. Ô nhiễm môi trường có thể dẫn đến những mối nguy hại về sức khỏe cho người dân. Hệ quả dễ thấy, theo Chủ tịch JCCI là dòng vốn đầu tư từ các công ty nước ngoài vào Việt Nam có thể suy giảm, ảnh hưởng tới tốc độ phát triển kinh tế. Vị này ước tính, thiệt hại do ô nhiễm không khí gây ra tại Việt Nam ở mức 5% GDP, đây là một vấn đề kinh tế xã hội nghiêm trọng.

Các nhà đầu tư nước ngoài đối thoại cùng đại diện Chính phủ Việt Nam tại VBF 2019, ngày 10/1. Ảnh: Anh Minh

Các nhà đầu tư nước ngoài đối thoại cùng đại diện Chính phủ Việt Nam tại VBF 2019, ngày 10/1. Ảnh: Anh Minh

Ngoài ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước cũng là một vấn đề nghiêm trọng khiến các nhà đầu tư nước ngoài bận tâm. Hệ thống thoát nước từ các khu công nghiệp và hộ gia đình làm nồng độ chất ô nhiễm tại hầu hết hệ thống sông ngòi trong đô thị tăng cao hơn nhiều lần so với tiêu chuẩn quốc gia. Hệ quả dễ thấy là suy giảm dự án đầu tư các công ty nước ngoài.

Chủ tịch JCCI kiến nghị, Chính phủ Việt Nam cần siết và chuẩn hoá lại các quy định về bảo vệ môi trường bởi "cải thiện môi trường đang vô cùng cấp thiết". Ông cho biết với kinh nghiệm của Nhật Bản trong bảo vệ môi trường, nước này sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam, cũng như chia sẻ các bí quyết. 

Trong khi đó đại diện Amcham và KoCham nêu quan ngại về phát triển cơ sở hạ tầng như là lực cản ở Việt Nam

Bà Amanda Rasmussen, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) cho biết, các thành viên của Hội chờ đón một hướng tiếp cận cân bằng hơn với việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông để hỗ trợ tăng trưởng đầu tư và kinh tế xuyên suốt đất nước.

"Cảng và sân bay nên có nhiều thuận lợi cho khu vực dân cư nhưng chúng không nên quá gần đến mức góp phần gây tắc nghẽn giao thông", đại diện AmCham kiến nghị.

Cũng nhắc tới các dự án hạ tầng, đại diện Hiệp hội các nhà đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) tiếc khi Việt Nam huỷ đấu thầu quốc tế với dự án cao tốc Bắc - Nam. Việc hạn chế các nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào dự án, đại diện KoCham nói, "có thể có tác động tiêu cực đến uy tín quốc gia".

"Chúng tôi tin rằng không chỉ các doanh nghiệp nước ngoài bị tước đi cơ hội tham gia mà còn cản trở việc giới thiệu kinh nghiệm và công nghệ của các nước tiên tiến vào các dự án cơ sở hạ tầng chính của Việt Nam, không có lợi cho sự phát triển của Việt Nam", KoCham nêu quan điểm.

Hiệp hội này đề nghị trong các dự án vốn trên xã hội (Social Overhead Capital Projects) sau này, Chính phủ Việt Nam nên cho phép các doanh nghiệp nước ngoài được tham gia.

Nêu tham luận tại diễn đàn, KoCham cũng kiến nghị Chính phủ cho phép các ngân hàng Hàn Quốc mở thêm chi nhánh, thành lập pháp nhân tại Việt Nam.

Hiện khoảng 8.000 công ty Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam, KoCham cho rằng, để các doanh nghiệp này phát triển ổn định thì việc cấp vốn từ các ngân hàng của Hàn Quốc là cần thiết. 

"Doanh nghiệp mới đầu tư chưa có kết quả kinh doanh nên phải sử dụng khoản vay bằng tín dụng hoặc tài sản của công ty mẹ, muốn sử dụng các chính sách hỗ trợ khác nhau được cung cấp bởi các tổ chức tài chính chính sách của Hàn Quốc thông qua các ngân hàng của Hàn Quốc", KoCham nêu quan điểm, và đề nghị Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ để các ngân hàng của Hàn Quốc mở chi nhánh và thành lập pháp nhân tại khu vực này.

Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng ghi nhận đóng góp của khu vực đầu tư nước ngoài với kinh tế Việt Nam khi đây là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế năm 2019. Lần đầu tiên, vốn giải ngân của các dự án FDI đạt 20,4 tỷ USD, lập kỷ lục cao nhất từ trước đến nay. Tổng vốn đăng ký đạt hơn 38 tỷ USD, cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

Bộ trưởng Dũng khẳng định, thời gian tới Việt Nam sẽ chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu.

"Chúng tôi mong muốn lắng nghe những đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp trong việc thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, thu hút và sử dụng có hiệu quả hơn dòng vốn đầu tư nước ngoài", Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh. 

Anh Minh

No comments

Phan Mem Bao Mat Windows / Thoi Trang Nam / Bat Dong San Sai Gon / Dung Cu Cat