Nợ xấu tại VAMC đua nhau 'hồi hương'
Gần đây, liên tiếp nhiều nhà băng cho biết đã tất toán trước hạn toàn bộ nợ xấu tại VAMC.
Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) cho biết đã mua lại trước hạn toàn bộ 3.539 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt tại Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam - VAMC. Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng không còn dư nợ trái phiếu VAMC. Năm 2019, ngân hàng này mua lại 3.000 tỷ đồng trái phiếu VAMC. Tương tự với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank). Nhưng nhà băng này không chỉ sạch nợ tại VAMC mà còn thu hồi và xử lý nợ xấu đạt gần 110.000 tỷ đồng.
Trước đó, có 8 ngân hàng khác gồm Vietcombank, VIB, TPBank, Nam A Bank, MB, Techcombank, OCB và Kienlongbank đã tất toán toàn bộ trái phiếu đặc biệt tại VAMC.
Giao dịch tại một chi nhánh ngân hàng cổ phần. Ảnh: QH |
Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam được thành lập với nhiệm vụ chính là mua bán các khoản nợ xấu từ các ngân hàng thông qua trái phiếu đặc biệt. VAMC bắt đầu mua nợ xấu của các ngân hàng từ năm 2013, nhưng đến nửa đầu năm 2015 mới thực sự là cao điểm. Khi đó, Ngân hàng Nhà nước đặt yêu cầu các thành viên phải đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 3% trước 30/9/2015. Giải pháp chính khi đó là các nhà băng dồn bán nợ xấu cho VAMC.
Theo cơ chế, nợ bán sang VAMC sẽ nhận trái phiếu đặc biệt có kỳ hạn 5 năm. Như vậy, tính từ mốc cao điểm trên, 2020 là năm cuối cùng cho thời hạn 5 năm và cuộc "hồi hương" của nợ xấu thời gian tới sẽ diễn ra mạnh mẽ.
Lãnh đạo SeABank và Agribank đều cho biết, việc mua lại toàn bộ trái phiếu đặc biệt từ VAMC có thể làm một phần tỷ lệ nợ xấu bị tăng lên. Tuy nhiên, ngân hàng này luôn kiểm soát chặt chẽ và đảm đảm nợ xấu thấp hơn tỷ lệ quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Hơn nữa, cái được rất lớn theo đại diện SeABank là việc sạch nợ tại VAMC giúp chủ động theo dõi và xử lý nợ xấu, đồng thời tăng tính minh bạch trên báo cáo tài chính, tạo đà tăng trưởng lợi nhuận các năm tiếp theo. Nhà băng sẽ không phải trích lập dự phòng cho trái phiếu VAMC kể từ ngày 1/1/2020.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, từ 2013 đến 31/8/2019, VAMC mua 348.500 tỷ đồng nợ xấu và cùng các tổ chức tín dụng thu hồi 138.347 tỷ đồng nợ. Theo đó, số dư nợ xấu dồn đáo hạn và "hồi hương" về các ngân hàng ước tính vào khoảng dưới 200.000 tỷ đồng.
Việc mua lại các khoản nợ xấu đã bán từ VAMC về lại để tự xử lý cho thấy các nhà băng đã có đủ nguồn lực tài chính nhằm tăng hiệu quả giải quyết nợ xấu thực chất hơn.
Lệ Chi
No comments