Lamico đặt mục tiêu xuất khẩu dây chuyền chế biến lúa gạo
Doanh nghiệp đầu tư khâu nghiên cứu và phát triển, tham gia các chương trình đổi mới công nghệ… đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế.
Công ty Cổ phần Cơ khí Chế tạo máy Long An tiền thân là Công ty Cơ khí Long An. Sau khi Nhà nước xóa bỏ bao cấp, công ty đã tự tìm giải pháp phát triển sản xuất. Hai định hướng được ban lãnh đạo đồng thuận gồm sản xuất dây chuyền chế biến lúa gạo và chế biến mía đường.
Trong đó, lĩnh vực thiết bị chế biến lúa gạo đạt nhiều thành công, tạo nguồn thu chủ chốt cho doanh nghiệp. Trong đó, hai sản phẩm được thị trường đón nhận là máy xát trắng gạo và máy đánh bóng gạo.
Theo ông La Thanh Hải - đại diện Ban điều hành Lamico, công nghệ cao là một trong những nhân tố quyết định hàng đầu đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Các thiết bị chế biến lúa gạo của Lamico, ra đời sau quá trình học hỏi, tham khảo từ các nhà sản xuất lâu đời thế giới như Satake, Bhuler, Daewon... Ngoài ra, sản phẩm liên tục được cải tiến trong quá trình vận hành thực tế của khách hàng để phù hợp với hạt gạo của Việt Nam.
Dây chuyền xay xát năng suất từ 10 đến 30 tấn một giờ. |
Từ chỗ chỉ phục vụ nhu cầu bạn hàng trong khu vực, đến nay sản phẩm của Lamico dễ dàng được tìm thấy trong các dây chuyên sản xuất nông sản hiện đại tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Ở thị trường nước ngoài, Lamico đã và đang xuất khẩu thiết bị và dây chuyền sang các nước: Campuchia, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Mỹ, Ukraine, Italy...
Khác với giai đoạn những năm 2000, hiện tại công ty gặp rất nhiều đối thủ cạnh tranh. Để thuyết phục được khách hàng trong lẫn ngoài nước, Lamico chú trọng công tác cải tiến sản phẩm ngày càng thẩm mỹ, năng suất cao và chất lượng hơn. Đến nay, dây chuyền chế biến lúa gạo của Lamico cho năng suất từ 2-100 tấn một giờ và hệ thống sấy nông sản đến 600 tấn một ngày. Nhờ chiến lược này, doanh thu công ty vẫn đảm bảo trong điều kiện cạnh tranh khốc liệt hiện nay.
"Khi được khách hàng chấp nhận thì tự thiết bị sẽ được lan truyền thông qua người vận hành, chủ doanh nghiệp, bạn hàng xáo, kỹ thuật viên của các công ty kiểm phẩm gạo xuất khẩu", ông La Thanh Hải nói.
Hệ thống silo tồn trữ. |
Với chiến lược trên, doanh nghiệp thường xuyên tiếp cận các chương trình hỗ trợ đổi mới công nghệ. Lamico hợp tác với Sở Khoa học - Công nghệ của tỉnh nhằm đưa sản phẩm, sáng chế đến tham gia các hội chợ, triển lãm, hội nghị xúc tiến. Với những nỗ lực trên, doanh nghiệp đã đạt chứng nhận là Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ năm 2016, Thương hiệu Quốc gia năm 2016, năm 2018; giải Bạc Chất lượng Việt Nam 2016 và Giải Vàng chất lượng Việt Nam 2017.
Lamico còn là một trong số những doanh nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long tiếp cận sự hỗ trợ về tài chính của Nhà nước, thông qua Chương trình hỗ trợ phát triển Doanh nghiệp khoa học và công nghệ và Tổ chức khoa học và công nghệ thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm (Chương trình 592) do Văn phòng các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia - Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý.
Với nguồn tài lực từ chương trình, đi kèm hỗ trợ từ các chuyên gia đã giúp doanh nghiệp nâng tầm thương hiệu, đáp ứng yêu cầu ngày càng tăng của khách hàng trong và ngoài nước. Chất lượng thiết bị đủ sức cạnh tranh và thay thế thiết bị nhập ngoại cùng loại.
Bước sang giai đoạn 2020, với tầm nhìn dài hạn, kế hoạch phát triển của doanh nghiệp gắn liền với các mục tiêu là: giữ vững doanh thu thường niên, bổ sung các thiết bị gia công hiện đại, tổ chức sản xuất tinh gọn. Một mục tiêu quan trọng không kém là phát triển thị trường xuất khẩu. Để hiện thực hóa tầm nhìn này, doanh nghiệp đặt ưu tiên áp dụng công nghệ tiên tiến vào lĩnh vực chế biến lúa gạo.
"Khó khăn là trình độ vận hành và hiểu biết về công nghệ 4.0 của mọi người chưa cao, khó làm chủ công nghệ. Tuy nhiên, doanh nghiệp chúng tôi quyết tâm theo đuổi đến cùng vì cải tiến công nghệ luôn là xu thế tất yếu của thời đại", ông La Thanh Hải cho biết.
Bảo An
No comments