Breaking News

VOF: Giáng sinh không đến sớm với chứng khoán Việt Nam

Giá trị tài sản ròng của quỹ VOF giảm 1,4% trong tháng 11, do những biến động tiêu cực từ thị trường.

"Giáng sinh đã không đến sớm với thị trường chứng khoán Việt Nam" là nhận định trong báo cáo tháng 11 của Vietnam Opportunity Fund, quỹ đầu tư do VinaCapital quản lý. VN-Index chật vật tìm cách trụ lại ngưỡng 1.000 điểm trong tháng 11, nhưng không thành công. Tính chung cả tháng, chỉ số đại diện Sở HoSE giảm 2,8%.

Diễn biến VN-Index trong 3 tháng gần đây. Ảnh: Trading View

Diễn biến VN-Index trong 3 tháng gần đây. Ảnh: Trading View

Theo VOF, đà sụt giảm đến từ nhiều nguyên nhân. Đầu tiên là cổ phiếu SAB giảm 13% trong tháng qua, xuất phát từ đượt thoái vốn của cổ đông Heineken, giảm tổng tỷ lệ sở hữu từ 5,13% xuống còn 4,32%.

Sự suy giảm của cổ phiếu nhà sản xuất bia lớn nhất chiếm gần 1một phần tư mức giảm của VN-Index trong cả tháng 11. Do ThaiBev đã trở thành cổ đông chi phối của Sabeco, VOF cho rằng Heineken không còn ý định tăng cổ phần nắm giữ hay tiếp tục tham dự vào việc hoạt động kinh doanh.

Nguyên nhân thứ hai là giao dịch của bộ phận tự doanh các công ty chứng khoán. Trong tuần thứ 3 của tháng, thị trường bị bán mạnh bởi khối tự doanh nhằm kiếm lời từ sự chênh lệch giữa chỉ số VN30 và hợp đồng tương lai VN30.

Tuy nhiên, VOF cho biết quỹ không chỉ đầu tư dựa theo chỉ số mà vẫn tập trung vào các mục tiêu trung và dài hạn, do đó VOF không bị thiệt hại quá nhiều từ việc bán ròng của khối tự doanh. Hết tháng 11, tổng giá trị tài sản ròng (NAV) của VOF đạt gần 920 triệu USD, chỉ giảm 1,4% so với tháng trước.

10 khoản đầu tư lớn nhất của VOF tính tới cuối tháng 11/2019.

10 khoản đầu tư lớn nhất của VOF tính tới cuối tháng 11/2019.

Đánh giá về tình hình vĩ mô, VOF cho rằng mức lạm phát của Việt Nam sẽ còn kéo dài đến đầu năm 2020, với mức đỉnh có thể lên hơn 4%. Nguyên nhân là do mức tăng của giá thực phẩm khi giá bán lẻ thịt lợn tăng 19% trong tháng 11 do sự bùng phát của dịch tả lợn châu Phi.

Ngành công nghiệp Việt Nam tiếp tục nhận được tín hiệu tốt từ việc giải ngân FDI tăng 7% so với cùng kỳ, đạt mức 17,6 tỷ USD sau 11 tháng. FDI đăng ký mới giảm 11%, nhưng theo đánh giá của VOF, sự suy giảm này xảy ra bởi mức tăng bất thường của FDI trong tháng 6/2018. Trái ngược với sự suy giảm này, Trung Quốc đăng ký FDI gần như tăng gấp đôi đạt mức 3,6 tỉ USD sau 11 tháng, một phần do các doanh nghiệp Trung Quốc muốn tránh hàng rào thuế quan của Mỹ.

Một ảnh hưởng khác từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là mức tăng trưởng 28% xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ và tăng trưởng thặng dư thương mại 60% với Mỹ, đạt mức 43 tỷ USD. Đây là một yếu tố tích cực cho kinh tế Việt Nam, nhưng đồng thời cũng dấy lên những lo lắng về việc các doanh nghiệp trong nước chỉ nhập khẩu từ Trung Quốc và xuất khẩu sang Mỹ mà không tạo ra giá trị gì, bằng chứng đến từ việc thâm hụt thương mại 31 tỷ USD với Trung Quốc sau 11 tháng năm 2019.

Tăng trưởng xuất khẩu đạt 8% sau khi kết thúc tháng 11. Dù không quá ấn tượng, nhưng thặng dư thương mại đạt được con số rất lớn, ở mức 11 tỷ USD. Giá trị tiền tệ của đồng Việt Nam vẫn không thay đổi, và giữ vững suốt nhiều tháng liền.

Minh Sơn

No comments

Phan Mem Bao Mat Windows / Thoi Trang Nam / Bat Dong San Sai Gon / Dung Cu Cat