Việt Nam tăng mua điện từ Lào
Lượng điện mua từ Lào vào năm sau là 1.200 MW, tăng 200 MW so với dự kiến ban đầu và sẽ tăng lên gấp 4,5 lần sau 10 năm.
Quan điểm này được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thống nhất khi kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ về thúc đẩy hợp tác với Lào, chiều tối 7/12.
Việc tăng mua điện từ Lào được đánh giá giúp tăng kim ngạch hai chiều giữa hai nước, đồng thời tăng nguồn điện cho Việt Nam trong bối cảnh dự báo sẽ thiếu điện từ năm 2020.
Theo tính toán của Bộ Công Thương, lượng điện thiếu hụt ước tính 3,7 tỷ kWh vào năm 2021, sau đó tăng lên gần 10 tỷ kWh vào 2022. Căng thẳng nhất là năm 2023, mức thiếu hụt khoảng 15 tỷ kWh, sau đó giảm dần xuống 7 tỷ và 3,5 tỷ kWh vào các năm 2024-2025.
Lãnh đạo Bộ Công Thương từng cho rằng, nhiều nhất chỉ có thể tiết kiệm điện 5-8%, nên chỉ còn cách bù nguồn điện hiện thời là mua thêm từ Lào, Trung Quốc. Tuy vậy, việc tăng mua điện từ các nước lân cận chỉ là giải pháp ứng phó trước mắt, về lâu dài cần đẩy nhanh tiến độ các dự án năng lượng lớn trong nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp thường trực Chính phủ ngày 7/12. Ảnh: VGP |
Số liệu của Bộ Kế hoạch & Đầu tư tại cuộc họp cũng cho thấy, kim ngạch thương mại 2 nước đạt 940 triệu USD trong 10 tháng đầu năm và sẽ cán mốc 1,2 tỷ USD cả năm 2019. Hiện có khoảng 413 dự án của các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Lào, tổng vốn hơn 4,2 tỷ USD.
Hàng năm Việt Nam cũng viện trợ không hoàn lại cho Lào (giai đoạn 2016-2020 là 3.250 tỷ đồng), năm tài khóa 2019 hơn 700 tỷ tập trung vào các dự án hạ tầng giao thông, năng lượng, an sinh xã hội...
5 dự án viện trợ hoàn thành trong 2019, mở mới 2 dự án. Trong số này, công trình Nhà Quốc hội Lào đạt tiến độ theo kế hoạch đề ra; sân bay Nong Khai đang tích cực triển khai để sớm hoàn thành.
Tuy nhiên, Thường trực Chính phủ cũng nhận định, hai bên còn chưa phối hợp tốt tại một số dự án, chậm giải ngân, vướng mắc về thủ tục, khó khăn về nguồn vốn... như Thủy điện Luang Prabang, muối mỏ kali, Thủy điện Xekaman 3, hợp tác cảng Vũng Áng...
Anh Minh
No comments