Breaking News

Vì sao cổ phiếu Hòa Phát giảm dù được khối ngoại chuộng?

HPG được khối ngoại nắm nhiều nhất trong 11 tháng qua, nhưng lại mất giá 3% tính từ đầu năm dù VN-Index tăng gần 7%.

Theo FiinGroup, HPG là cổ phiếu được các quỹ ngoại nắm giữ nhiều nhất với hơn 139 triệu đơn vị, trị giá hơn 3.000 tỷ đồng trong 11 tháng đầu năm. Tuy nhiên, tính từ đầu năm, cổ phiếu này lại lệch nhịp so với thị trường.

Ba tháng đầu năm, HPG dịch chuyển cùng chiều với VN-Index. Sau khi giảm gần 12% vào cuối tháng 1, HPG bật tăng trở lại hơn gần 30%, lên mức đỉnh trong năm tại vùng giá trên 27.000 đồng (giá sau điều chỉnh) khi VN-Index trở lại ngưỡng nghìn điểm. Tuy nhiên, sau khi công bố kế hoạch kinh doanh năm 2019 với lợi nhuận giảm sâu và diễn biến bất lợi của giá quặng sắt trên thế giới, HPG quay lại xu hướng giảm. Tới phiên gần nhất, cổ phiếu HPG giao dịch quanh ngưỡng 23.000, giảm gần 3% so với đầu năm trong khi VN-Index vẫn tăng gần 7%.

Diễn biến không mấy tích cực với cổ phiếu Hòa Phát được giới phân tích nhìn nhận đến từ câu chuyện kinh doanh, khi thách thức đang bủa vây doanh nghiệp giữ thị phần cao nhất ngành thép xây dựng.

Diễn biến cổ phiếu HPG (đường xanh) và VN-Index (đường cam) kể từ đầu năm. Ảnh: Trading View

Diễn biến cổ phiếu HPG (đường xanh) và VN-Index (đường cam) kể từ đầu năm. Ảnh: Trading View

Kết thúc quý gần nhất, Hòa Phát thu gần 15.100 tỷ đồng doanh thu, tăng hơn 6% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận trước thuế chỉ đạt hơn 2.160 tỷ, giảm 24%. Kết quả này không bất ngờ, bởi đây cũng là thực tế của các doanh nghiệp thép gần đây.

Hoa Sen kết thúc niên độ tài chính 2018-2019 với lợi nhuận ròng giảm 12%, Thép Việt Ý lỗ quý thứ sáu liên tiếp, Thép Pomina báo lỗ gần 120 tỷ đồng trong quý III, còn Thép Nam Kim cũng giảm lãi chỉ bằng một phần ba cùng kỳ.

Theo Hiệp hội thép Việt Nam, sản lượng thép sản xuất và tiêu thụ trong 10 tháng đầu năm nay chỉ tăng một con số, giảm mạnh so với mức tăng 20-40% trong bốn năm gần nhất. Nguyên nhân chính là sự chững lại của thị trường xây dựng, đặc biệt là các dự án lớn chậm triển khai. Sức ép cạnh tranh giữa các nhà sản xuất cũng được đẩy lên cao do nguồn cung liên tục tăng, song nhu cầu từ thị trường lại không tăng tương xứng. 

Tăng trưởng tiêu thụ thép xây dựng Hòa Phát và các thành viên Hiệp hội thép Việt Nam. Ảnh: Báo cáo thường niên Hòa Phát năm 2018

Tăng trưởng tiêu thụ thép xây dựng Hòa Phát và các thành viên Hiệp hội thép Việt Nam. Ảnh: Báo cáo thường niên Hòa Phát năm 2018

Trong khi Hoa Sen chọn cách tái cấu trúc để giữ tỷ suất sinh lời, Hòa Phát chọn hướng đi ngược lại, đánh đổi lợi nhuận lấy thị phần. Từ đầu năm đến nay, giá thép của Hòa Phát đã giảm 10,8%, nhanh hơn các công ty cùng ngành khác như Pomina và VinaKyoei. Bằng chiến lược giá, sản lượng tiêu thụ của Hòa Phát vẫn tăng 15% trong 11 tháng, bất chấp đà giảm của thị trường chung. Thị phần thép xây dựng nhích nhẹ từ 24% lên 25% vào cuối quý III.

Tuy nhiên, hệ quả là các chỉ số đánh giá hiệu suất sinh lời đều giảm. Trong quý III, biên lợi nhuận gộp của Hòa Phát giảm xuống dưới 18%, so với mức 23% cùng kỳ năm 2018. Lũy kế 9 tháng đầu năm, tỷ lệ này cũng chỉ ghi nhận hơn 18,3%, so với mức xấp xỉ 22% cùng giai đoạn năm trước.

Vấn đề của thị trường, nếu nhìn rộng hơn, cũng mang lại một thách thức khác cho Hòa Phát khi công ty này đang dồn toàn lực vào đại dự án Dung Quất.

FPTS nhận xét, với vị trí địa lý của dự án Dung Quất, thị trường mục tiêu chính của Hòa Phát sẽ là khu vực miền Nam và miền Trung. Tuy nhiên trong ngắn hạn, nhóm phân tích cho rằng vấn đề suy yếu của thị trường bất động sản và chậm trễ trong đầu tư cơ sở hạ tầng có thể khiến nhu cầu từ thị trường chậm lại.

Cùng nhận định như FPTS, Công ty chứng khoán KIS cho rằng giai đoạn đầu của dự án Dung Quất sẽ tăng gấp đôi công suất thép dài của Hòa Phát lên 4,35 triệu tấn mỗi năm. Với nhu cầu thị trường, công suất tăng tương đương với 18% tổng mức tiêu thụ có thể khiến dư cung ngắn hạn. 

Nếu tiếp tục chọn cạnh tranh bằng giá để giành thị phần, lợi nhuận của Hòa Phát sẽ còn bị ăn mòn. Tuy nhiên, thị trường không phải yếu tố duy nhất tác động đến lợi nhuận của doanh nghiệp đầu ngành thép xây dựng. Áp lực từ sự thay đổi cấu trúc nguồn vốn khi công ty gia tăng vay nợ để đầu tư vào Dung Quất đang ngày lộ rõ và tác động lớn hơn.

So với cuối năm 2016, khi chưa có dự án Dung Quất, dư nợ vay ngắn và dài hạn của Hòa Phát đến cuối quý III đã tăng gần 4 lần. Tổng quy mô nợ phải trả tới thời điểm này đạt gần 51.400 tỷ đồng.

Cơ cấu nợ phải trả chiếm 53% tổng nguồn vốn của Hòa Phát vẫn thấp hơn nhiều doanh nghiệp trong ngành và nằm trong ngưỡng an toàn, theo nhận định của nhiều công ty chứng khoán. Tuy nhiên, dư nợ tăng cao khiến chi phí lãi vay cũng tăng tương ứng, và điều này cũng tạo áp lực lên lợi nhuận.

Sau giai đoạn chững lại hai năm 2015 và 2016 khi dư nợ vay giảm mạnh, chi phí lãi vay của Hòa Phát tăng nhanh khi công ty tăng vay nợ đầu tư vào Dung Quất. Chi phí lãi vay trong 9 tháng đầu năm nay ghi nhận gần 666 tỷ đồng, cao hơn 23% so với cả năm 2018 và gấp gần ba lần trước khi đầu tư vào Dung Quất.

Dù đưa ra khuyến nghị mua và nắm giữ dài hạn với cổ phiếu HPG, FPTS trong báo cáo mới đây cũng lưu ý, với biến động mạnh của giá quặng sắt và triển vọng kém khả quan của ngành xây dựng, lợi nhuận sau thuế của HPG dự phòng năm 2019 và nửa đầu năm 2020 sẽ khó có sự tăng trưởng.

Minh Sơn

No comments

Phan Mem Bao Mat Windows / Thoi Trang Nam / Bat Dong San Sai Gon / Dung Cu Cat