Trồng giềng trên đất than bùn lãi cao
Cà Mau Anh Hậu ở huyện U Minh đầu tư trồng giềng trên 2 hecta đất than bùn lãi 300 triệu đồng mỗi năm.
Anh Hậu thu nhập cao từ nghề trồng giềng. Ảnh: Hoàng Hạnh. |
Ở vùng rừng U Minh Hạ, anh Nguyễn Thiện Hậu được xem là người tiên phong áp dụng mô hình trồng giềng trên đất than bùn, thay thế cho một số loại cây trồng khác kém hiệu quả.
"Ban đầu thấy mình trồng giềng, nhiều người cho rằng sẽ không có ăn, nhưng sau vụ thu hoạch đầu tiên mang lại hiệu quả kinh tế, ai cũng bất ngờ", anh Hậu nói.
Nông dân này cho biết, cơ duyên từ nghề trồng giềng đến với anh khá tình cờ. Nhiều năm trước, vợ chồng anh rời vùng đệm rừng U Minh Hạ lên TP HCM tìm hướng phát triển, nhưng cũng không mấy khá giả.
"Có lần tôi đi chợ, mua một củ giềng với giá bằng một kg giềng ở quê mình, lúc đó tôi nghĩ, tại sao mình không trở lại quê hương làm mô hình kinh tế với loại cây này", anh Hậu kể.
Sau nhiều ngày bàn tính, hai vợ chồng anh quyết định về quê trồng thử nghiệm khoảng 300 m2 giềng ở xã Biển Bạch, huyện Thới Bình. Thấy giềng phát triển tốt, cho củ to sau một năm gieo trồng, anh Hậu nghĩ, nếu loài cây này có thể cho thu nhập ở vùng đất phèn mặn, thì ở đất than bùn có thể sống được.
Nghĩ là làm, anh Hậu tập trung vốn liếng đầu tư trồng thêm 2 ha giềng trên đất than bùn ở xã Khánh An, huyện U Minh. Theo anh Hậu, loài cây này chỉ cần lên liếp cao là trồng được, phát triển rất tốt trên đất than bùn, hạn chế được việc dùng phân bón hóa học, nên sản phẩm tạo ra theo hướng sạch.
"Tiền đầu tư khoảng 60 triệu đồng, nhưng sau một năm thu hoạch, trừ chi phí lãi gần 300 triệu đồng", anh Hậu nói và cho biết, so với cách trồng tràm truyền thống, thì cây giềng mang lại thu nhập cao hơn rất nhiều.
Theo anh Hậu, hiện tại, mặt hàng này có giá 8.000 – 10.000 một kg (tùy loại). Khi đến vụ thu hoạch (sau 12 tháng), thương lái vào tận vườn thu mua, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình anh trong nhiều năm qua.
Để phát triển thêm kinh tế, anh Hậu còn nghiên cứu trồng xen canh thêm các loại cây khác trên cùng diện tích.
Đặc biệt, trong quá trình gắn bó với cây giềng, anh Hậu đã tận dụng phế phẩm từ củ giềng để làm thuốc trị sâu bệnh cho các loại cây trồng khác, mang lại hiệu quả tích cực.
Hoàng Hạnh
No comments