TPBank đầu tư hàng chục triệu đôla cho cuộc đua số
Ngân hàng xác định đây là "cuộc chơi" tốn kém, chấp nhận đầu tư lớn nhằm cải thiện dịch vụ khách hàng, nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Chạy theo xu hướng 4.0, thời gian qua các ngân hàng chi hàng trăm tỷ đồng ngân sách cho phát triển công nghệ. Theo các chuyên gia, xu thế này là không thể cưỡng lại, song không phải nhà băng nào cũng đạt được hiệu quả, nhất là tìm ra hướng đi đúng đắn trong kế hoạch số hóa dịch vụ, sản phẩm.
Đại diện cấp cao TPBank chia sẻ, việc đầu tư vào công nghệ luôn "ngốn" chi phí khủng của ngân hàng bởi hai lý do chính. Thứ nhất, các ngân hàng Việt Nam phần lớn mua, sở hữu các phần mềm (ví dụ như core banking) mà không thuê những trung tâm công nghệ ở nước ngoài vì lo ngại vấn đề rò rỉ thông tin, an ninh, an toàn tài chính của quốc gia. Thứ hai, là hệ thống công nghệ nhanh chóng thay đổi buộc ngân hàng phải nâng cấp, cập nhật đồng bộ công nghệ mới.
TPBank là một trong số ngân hàng tiên phong số hóa các sản phẩm, dịch vụ thời gian qua. Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết, trong 3-4 năm gần đây, ngân hàng đã chi khoảng 1.000 tỷ đồng cho những lĩnh vực liên quan đến công nghệ, ngân hàng số. Đầu tư lớn cho công nghệ, nhưng TPBank đang thu về những "trái ngọt" đầu tư từ quản trị, tiết kiệm nguồn lực, hạn chế tổn thất.
Giao diện và nhiều tính năng mới trên ứng dụng mobile banking của TPBank. |
Trong 11 tháng năm nay, ông Hưng tiết lộ, với tổng lợi nhuận trước thuế đạt trên 3.000 tỷ đồng, ngân hàng đạt xấp xỉ lợi nhuận cả năm đại hội cổ đông đề ra. TPBank lọt vào top 10 ngân hàng cổ phần tư nhân có lợi nhuận cao nhất hệ thống; là một trong hai ngân hàng có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận cao nhất trong top 10.
Với mục tiêu trở thành "ngân hàng số hàng đầu Việt Nam", TPBank từ lâu đã đầu tư vào công nghệ và có bước tiến khá xa so với các đối thủ bằng hệ thống LiveBank giúp ngân hàng hoạt động 24/7, đáp ứng cả nhu cầu giao dịch của khách hàng ngoài giờ hành chính hay ngày nghỉ, lễ, Tết. Trong khi đó, chi phí trung bình cho một giao dịch tại LiveBank chỉ bằng một nửa so với giao dịch truyền thống. Theo lãnh đạo ngân hàng, với việc không ngừng nâng cao trải nghiệm khách hàng, gia tăng thêm nhiều dịch vụ có thể thực hiện ngay tại LiveBank; khách hàng đã quen với mô hình giao dịch tự động, số lượt giao dịch tại LiveBank tăng lên, trong tương lai, chi phí này sẽ còn rẻ hơn nữa.
"Doanh số thu trực tiếp từ ngân hàng số chưa nhiều, ở mức vài trăm tỷ đồng, nhưng công nghệ giúp ngân hàng làm được rất nhiều việc và tiết kiệm rất nhiều chi phí so với khi chưa có hệ thống", ông Hưng chia sẻ. Theo ông, LiveBank chỉ là một phần rất nhỏ, là kênh thay thế giao dịch truyền thống với khách hàng trong khi còn nhiều điều hay liên quan đến công nghệ số, ngân hàng số mà hiện ngân hàng đang quyết liệt triển khai.
Minh chứng cụ thể là TPBank vừa công bố phiên bản ngân hàng số mới "lột xác" hoàn toàn ở cả giao diện và tính năng so với phiên bản Internet Banking hiện tại. Số tiền TPBank chi cho lần thay đổi này lên tới hàng chục triệu đôla.
Ông Hưng cho biết, lần đầu tiên tại Việt Nam, người dùng sẽ được trải nghiệm dịch vụ ngân hàng số được xây dựng trên nền tảng công nghệ được coi là tương lai của ngành ngân hàng. Sản phẩm của TPBank do các đối tác cung cấp giải pháp ngân hàng số số một thế giới ở thời điểm hiện tại. Người dùng gần như không còn phải chịu cảnh chờ đợi, treo, tắc nghẽn,.. bởi khả năng đáp ứng đến hàng chục triệu giao dịch trong cùng thời điểm của ứng dụng ngân hàng này.
Với công nghệ ngân hàng thông minh dựa trên các nền tảng máy học (Machine Learning), trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ tích hợp hệ thống linh hoạt (ESB) sẽ là tiền đề để TPBank phát triển các dịch vụ, sản phẩm trên nền công nghệ mà không bị giới.
"Đây là kế hoạch để ngân hàng có độ phủ tốt, kênh bán chéo nhiều sản phẩm, dịch vụ khác, kết nối với các ứng dụng khác của TPBank và tăng sự hiện diện, tăng khả năng tiếp cận của khách hàng đối với các dịch vụ của ngân hàng", ông Nguyễn Hưng nói.
Thành Dương
No comments