Thủ tướng: Không để mất thị trường bán lẻ Việt Nam
Ngoài đa dạng thị trường xuất khẩu, Thủ tướng yêu cầu ngành Công Thương phát triển nội địa, đáp ứng nhu cầu của 100 triệu dân Việt Nam.
Tại hội nghị tổng kết ngày 27/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trước xu hướng bảo hộ gia tăng, việc lần đầu tiên xuất nhập khẩu Việt Nam vượt 500 tỷ USD là nỗ lực rất lớn của ngành Công Thương. Xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước đạt hơn 82 tỷ USD, cao hơn 2 lần so với tốc độ tăng trưởng chung và 4 lần so với khu vực FDI. Việt Nam vẫn duy trì tốc độ xuất khẩu cao vào các thị trường truyền thống như Mỹ, Nhật Bản, EU...
Nhưng ông cho rằng, việc xuất siêu tỷ trọng lớn sang Mỹ cần cẩn trọng. Ông đề nghị Bộ Công Thương nhanh chóng tính toán đưa ra giải pháp, đa dạng hoá hơn thị trường xuất khẩu vì "nếu Mỹ tăng thuế, chỉ 5% thôi, cũng khiến Việt Nam khó khăn".
Ngược lại ở thị trường nội địa 100 triệu dân, nhu cầu rất lớn, ngành Công Thương phải tổ chức tốt hơn thị trường. "Không được để mất thị trường bán lẻ Việt Nam", ông nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị tổng kết ngành Công Thương sáng 27/12. Ảnh: H.Thu |
Để hiệu quả, Thủ tướng cho rằng phải giảm chi phí logistics, đặc biệt với tình trạng, nhiều mặt hàng như xoài, chi phí logistics chiếm tới một nửa và cần sự đồng bộ hơn giữa công thương, giao thông về kho hàng, vận tải. Ngành Công Thương phải tăng cường chống buôn lậu và gian lận thương mại, dự báo cân đối cung cầu, phát triển thị trường mới và xây dựng thương hiệu hàng hoá Việt Nam. "Cần đẩy mạnh chống tham nhũng, gắn với trách nhiệm nêu gương cán bộ trong ngành", Thủ tướng nhắc nhở.
Về phần mình, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh thừa nhận, xuất khẩu vẫn chưa theo chiều sâu và chưa đạt tỷ trọng phát triển theo chuỗi giá trị như mong muốn. Ông hứa, năm 2020 sẽ cải thiện nghiên cứu, dự báo thị trường, đẩy mạnh xúc tiến thương mại ở các thị trường xuất khẩu mới để cân bằng cán cân thương mại giữa các thị trường xuất khẩu.
Góp ý với ngành Công Thương, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, đang có khoảng trống pháp lý quy định hàng "made in Vietnam" sản xuất, tiêu thụ nội địa. Vì thế, khi xảy ra trường hợp như Asanzo, rất khó cho cơ quan quản lý xử lý sai phạm vì "thực tế quy định pháp luật không có". Điều này cũng khiến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lúng túng, không yên tâm.
"Không có quy định thì nhà nước không thể buộc tội doanh nghiệp được", ông Lộc nêu và đề nghị Bộ Công Thương sớm ban hành quy định thế nào là hàng "made in Vietnam" để định hướng cho doanh nghiệp Việt Nam, giúp họ ổn định làm ăn lâu dài.
Với tinh thần "năm 2020 mọi mặt phải tốt hơn 2019", Thủ tướng giao 3 nhiệm vụ cho ngành Công Thương: công nghiệp chế biến chế tạo phải tăng 12%, xuất khẩu chạm mốc 300 tỷ USD, xuất siêu khoảng 2% GDP (tương đương 15-17 tỷ USD), bán lẻ thị trường trong nước tăng trưởng 12%...
Để đạt các mục tiêu này, ông yêu cầu lãnh đạo bộ bám sát sản xuất và thị trường, tháo gỡ vướng mắc xuất nhập khẩu; triển khai đồng bộ các hiệp định thương mại tự do, phát triển thị trường tiềm năng.
Anh Minh
No comments