Ông chủ Laha Cafe mang xe đẩy đi làm nhượng quyền
Hoàng Việt từng bỏ việc ngân hàng đi bán cà phê dạo, phát triển mô hình nhượng quyền, mở gần 80 chi nhánh, 15.000 ly cà phê bán ra mỗi ngày.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Hoàng Việt (sinh năm 1989, tại Lâm Hà, Lâm Đồng) có công việc ổn định tại một ngân hàng lớn nhưng quyết định rẽ ngang để đi bán cà phê xe đẩy tại TP HCM. Những ngày đầu khởi nghiệp anh phải tự tìm nguồn nguyên liệu, kiếm điểm bán, vừa chọn cách pha chế, tìm mua máy rang xay chuyên dụng, vừa phải tìm cách thúc đẩy mô hình phát triển.
Hoàng Việt, ông chủ Laha Cafe. |
"Thương hiệu dần chiếm cảm tình của thực khách bởi những ly café ngon, có chất lượng", đại diện Laha Cafe nói. "Bước ngoặt của thương hiệu đến từ mô hình nhượng quyền linh hoạt với tỉ lệ lợi nhuận cao cho khách hàng.
Trong hai năm 2016 và 2017, Laha Cafe phát triển hơn 50 xe đẩy bán cà phê tại các địa điểm khác nhau. Mô hình nhượng quyền của thương hiệu được tùy biến đa dạng, phù hợp với điều kiện tài chính của các chủ đầu tư. Mỗi mô hình Laha Xe, Laha Kiosk, Laha Store... có mức đầu tư từ 130 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng.
"Biên độ lợi nhuận thu về từ 20 đến 60 triệu đồng mỗi tháng đã mở ra cơ hội đầu tư cho nhiều đối tác", đại diện Laha Cafe nói. "Sau 7 năm hoạt động, hiện thương hiệu có hệ thống 80 chi nhánh tại TP HCM, Đắc Lắk và Lâm Hà, trung bình mỗi ngày bán ra 15.000 ly cà phê".
Những nhân viên của Laha Cafe. |
Không chỉ cung cấp nguyên liệu, máy pha chế, phương tiện... Laha Cafe còn hỗ trợ khách hàng trong việc hỗ trợ tìm kiếm và đánh giá mặt bằng. Trong 5 năm tới, thương hiệu đặt mục tiêu phát triển chuỗi tới 63 tỉnh thành trên cả nước, phục vụ người tiêu dùng Việt Nam và quốc tế.
Laha Cafe chỉ là một trong số nhiều thương hiệu nhượng quyền thành công tại Việt Nam hiện nay. Thực tế mô hình mô hình kinh doanh nhượng quyền (franchise) trong lĩnh vực F&B không còn mới mẻ tại Việt Nam. Sự xuất hiện của hàng loạt các thương hiệu nước ngoài như Circle K, 7 Eleven, McDonal’s, Zara, Mango... là minh chứng cho việc kinh doanh nhượng quyền đang trở thành xu hướng được ưa thích.
Một cửa hàng của Laha Cafe tại 18A Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh. |
"Việt Nam là thị trường đông dân, đứng thứ 13 thế giới với cơ cấu dân số vàng", một chuyên gia trong lĩnh vực nhượng quyền nói. "Số người trong độ tuổi lao động cao hơn số người phụ thuộc, dân số trẻ là lý do khiến tỷ lệ thành công trong nhượng quyền mảng F&B tại Việt Nam khá cao, hấp dẫn nhiều thương hiệu lớn trên thế giới về tìm kiếm cơ hội".
Nếu những năm trước, mỗi năm chỉ có vài thương hiệu F&B mời chào nhượng quyền như chuỗi nhà hàng Golden Gate, Subway, Lotteria hay The Coffee Bean, Starbucks... thì hiện nay, đa số các thương hiệu khác đều theo đuổi mô hình nhượng quyền. Lợi thế của mô hình này giúp thương hiệu mở rộng mạng lưới, tăng khả năng nhận diện mà vẫn có khả năng kiểm soát được chất lượng. Bên nhận nhượng quyền được hưởng lợi từ thương hiệu, có bước chạy đà thuận lợi hơn nhờ hệ thống kinh doanh đã có sẵn.
Quang Anh
No comments