Moody's hạ triển vọng tín nhiệm của Việt Nam
Cho rằng việc Chính phủ chậm trả nghĩa vụ nợ gián tiếp là sự yếu kém về thể chế, quản trị hơn là tài chính, Moody's hạ triển vọng của Việt Nam xuống Tiêu cực.
Ngày 18/12, Moody's thông báo điều chỉnh triển vọng xuống Tiêu cực, kết thúc thời gian đưa hồ sơ tín dụng của Việt Nam vào diện theo dõi hạ bậc kể từ ngày 9/10. Cơ sở Moody’s đưa ra quyết định này là nhận định vẫn tiềm ẩn rủi ro chậm trả nghĩa vụ nợ gián tiếp của Chính phủ, trong bối cảnh chưa có những giải pháp rõ ràng để cải thiện công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan, cũng như tăng cường tính minh bạch về quản lý nợ được Chính phủ bảo lãnh.
Theo đánh giá của tổ chức này, các khoản thanh toán chậm phản ánh vấn đề về mặt hành chính hơn là sự yếu kém về tài chính. Việc thanh toán bị trì hoãn cho thấy điểm yếu về thể chế và quản trị, bao gồm vấn đề về các thủ tục hành chính phức tạp cản trở việc thanh toán kịp thời và suôn sẻ.
Tuy nhiên, Moody's giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam ở mức Ba3 với các khoản phát hành bằng đồng nội tệ, ngoại tệ và các khoản vay cao cấp không được bảo đảm. Trần tín nhiệm với trái phiếu dài hạn phát hành bằng ngoại tệ vẫn được giữ nguyên ở Ba1. Mức tín nhiệm tối đa với tiền gửi và trái phiếu bằng nội tệ vẫn là Baa3.
Trong khi đó, xếp hạng tín nhiệm Ba3 với Việt Nam được Moody's đưa ra căn cứ vào tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ, sự đa dạng hóa kinh tế, hỗ trợ khả năng hấp thụ các cú sốc của của Việt Nam, bao gồm cả sự chậm lại kéo dài trong thương mại toàn cầu. Moody's dự kiến gánh nặng nợ trực tiếp của chính phủ cũng sẽ giảm dần, xuống còn khoảng 48% GDP vào năm 2020, từ mức gần 53% trong năm 2016. Với khía cạnh rủi ro, mặc dù sức khỏe tài chính của các ngân hàng Việt Nam đã được cải thiện trong những năm gần đây, họ cho rằng hệ thống ngân hàng vẫn là nguồn rủi ro chính với Việt Nam.
Phản ứng sau đó, Bộ Tài chính của Việt Nam cho rằng Moody’s hạ triển vọng tín nhiệm chỉ dựa trên sự việc riêng lẻ với nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ mà bỏ qua thành tựu toàn diện trong phát triển kinh tế - xã hội, là "không xác đáng". Cơ quan này cũng nhìn nhận, tín hiệu của Moody’s đưa ra về việc tiếp tục theo dõi hồ sơ tín dụng của Việt Nam (với triển vọng Tiêu cực) "không tương xứng" với nỗ lực của Chính phủ nhằm cải thiện công tác phối hợp hành chính trong việc thanh toán nghĩa vụ nợ dự phòng, đảm bảo không gây tổn thất cho bên cho vay.
Bộ cũng dẫn chứng việc Chính phủ Việt Nam luôn chủ động thực hiện trách nhiệm bảo lãnh thanh toán, ngay cả khi chưa nhận được yêu cầu chính thức của bên cho vay.
Cơ quan này cho biết, để việc chậm trả nợ Chính phủ bảo lãnh không phát sinh nữa, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Tài chính, các bộ, ngành và cơ quan liên quan đảm bảo bố trí nguồn và thực hiện nghĩa vụ trả nợ khi đến hạn. Cơ quan này cũng nêu mục tiêu của Việt Nam thời gian tới là củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh cải cách thể chế... để một mặt đảm bảo khả năng trả nợ, duy trì bền vững nợ công và an ninh tài chính quốc gia trong khi vẫn đảm bảo nguồn lực để phát triển.
Nguyễn Hà - Minh Sơn
No comments