Mở tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi hay trái phiếu sinh lời hơn?
Người có tiền nhàn rỗi dài hạn có thể mua chứng chỉ tiền gửi hay trái phiếu ngân hàng với lãi suất hấp dẫn thay vì gửi tiết kiệm kỳ hạn dài.
Gửi tiết kiệm ngân hàng đang là lựa chọn của nhiều người do những ưu điểm như tính thanh khoản cao (có thể rút tiền bất kỳ lúc nào), kỳ hạn linh hoạt, ít rủi ro và là sản phẩm tất cả ngân hàng đều có. Người gửi có thể rút sổ trước hạn và nhận mức lãi suất không kỳ hạn, hoặc cầm cố để vay khi cần. Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều loại sản phẩm như gửi tiền trực tuyến, tiết kiệm gửi góp... thuận tiện và đáp ứng các nhu cầu khác nhau.
Thông thường, với khoản tiết kiệm kỳ hạn dưới 2 tỷ đồng và kỳ hạn một năm, mức lãi suất mà các ngân hàng trả biến động 6,8-8,5% một năm. Với những khách hàng có số dư tiền tỷ lớn, mức lãi suất có thể lớn hơn 0,1-0,2%.
Tuy nhiên, trong khi gửi tiết kiệm lãi suất cao nhất hiện nay là khoảng 9%, trong năm vừa rồi, nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất lên tới 10,2% một năm.
Về bản chất, chứng chỉ tiền gửi là loại giấy tờ có giá tương tự sổ tiết kiệm, tuy nhiên chỉ được ngân hàng phát hành theo từng đợt tùy nhu cầu vốn của họ. Mệnh giá từ 100.000 đồng đến vài tỷ đồng, kỳ hạn một tháng đến 10 năm.
Hiện nay, các nhà băng thường phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn dài trên 2 năm với lãi suất cao hơn so với gửi tiết kiệm 0,5 - 2% một năm, nhằm thu hút nguồn vốn dài hạn
Gửi tiết kiệm có kỳ hạn, người gửi tiền vẫn có thể được rút trước hạn, miễn chấp nhận lãi suất không kỳ hạn. Nhưng với chứng chỉ tiền gửi, điều này gần như không thể (trừ một số loại có kỳ hạn ngắn). Bạn chỉ có thể chuyển nhượng và cầm cố để vay vốn với lãi suất phải trả cao hơn lãi suất nhận được từ chứng chỉ tiền gửi. Thực tế việc chuyển nhượng cũng khá khó khăn do ít người mua và nếu cầm cố thì khách sẽ chịu thiệt vì phải bỏ thêm chi phí vay. Vì vậy. tính thanh khoản của chứng chỉ tiền gửi kém hơn sổ tiết kiệm. Đây là kênh đầu tư phù hợp nếu bạn có tiền nhàn rỗi trong thời gian dài.
Gửi tiết kiệm tại ngân hàng. Ảnh: Anh Tú. |
Cùng với chứng chỉ tiền gửi, ngân hàng cũng thường xuyên phát hành trái phiếu – loại giấy tờ ghi nợ của ngân hàng. Nhìn chung đây đều là giấy tờ có giá của ngân hàng, có rủi ro thấp với mệnh giá, kỳ hạn khác nhau, nhưng phần lớn là trung, dài hạn.
Lãi suất của trái phiếu ngân hàng kỳ hạn 2-3 năm thường từ 6,5 đến hơn 7% một năm, tương đương với lãi suất tiết kiệm dài hạn nhưng số tiền gửi phải lớn hơn. Còn trái phiếu có kỳ hạn dài hơn (5-10 năm) thường có lãi suất thả nổi, bằng trung bình kỳ hạn 12 tháng cộng biên độ 1,2-2%. Nếu ngân hàng không mua lại trái phiếu vào ngày thực hiện quyền mua lại, lãi suất trái phiếu áp dụng cho những năm cuối có thể lần lượt bằng lãi suất kỳ hạn 12 tháng cộng thêm 2,5 – 3% một năm, tuy nhiên đa phần nhà băng đều mua lại để tránh việc phải trả lãi cao.
Về lý thuyết, lãi suất của trái phiếu thường cao hơn chứng chỉ tiền gửi do lãi từ đầu tư trái phiếu bị tính thuế thu nhập cá nhân trong khi thu nhập từ gửi tiết kiệm và mua chứng chỉ tiền gửi không phải đóng thuế. Tuy nhiên, nếu so mức lãi suất thực tế các nhà băng công bố, trái phiếu ngân hàng lại đang kém hấp dẫn hơn so với chứng chỉ tiền gửi cùng kỳ hạn mức lãi suất.
Về tính thanh khoản, loại trái phiếu này cũng không được phép thanh toán trước hạn như chứng chỉ tiền gửi, nhưng thông thường các ngân hàng có mua lại trái phiếu sau khoảng nửa thời gian. Khách hàng có thể cầm cố tại chính ngân hàng hoặc bất kỳ ngân hàng nào khác khi có nhu cầu vay vốn với lãi suất chênh lệch khoảng 0,5% một năm. Ngoài ra, người sở hữu trái phiếu có quyền chuyển nhượng, bán, cho tặng, thừa kế...
Nhìn chung, cả ba kênh tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi và trái phiếu ngân hàng đều là kênh đầu tư ít rủi ro giúp người dân có thể tối ưu được khoản tiền nhàn rỗi. Tuy nhiên, khi quyết định đầu tư, hãy cân nhắc về lãi suất, tính thanh khoản và điều kiện cụ thể đối với các sản phẩm này để có lựa chọn phù hợp nhất với tình hình tài chính của bạn.
Quỳnh Trang
No comments