Dự án điện mặt trời nổi phải dùng công nghệ sạch
Chủ đầu tư dự án điện mặt trời nổi không sử dụng ắc quy, thiết bị gây ô nhiễm khu vực lòng hồ thủy lợi.
Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đang xây dựng văn bản hướng dẫn dự án điện mặt trời trong phạm vi bảo vệ hồ chứa thủy lợi và sẽ ban hành đầu năm 2020. Trước khi có quy định này, bộ lưu ý các địa phương trong phê duyệt chủ trương đầu tư dự án điện mặt trời nổi trên hồ, yêu cầu không dùng ắc quy và các thiết bị có khả năng gây ô nhiễm khu vực lòng hồ; không san lấp, tôn nền khu vực lòng hồ làm thay đổi quy mô, nhiệm vụ cộng trình.
Các địa phương cần yêu cầu chủ đầu tư có hồ sơ khảo sát nghiên cứu đánh giá tác động việc che phủ mặt nước; tỷ lệ diện tích che phủ của tấm pin mặt trời so với diện tích mặt hồ chỉ được thực hiện tại vùng bán ngập của hồ chứa. Công nghệ sử dụng không được ảnh hưởng tới chất lượng nước.
Đến cuối tháng 11, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã ký 126 hợp đồng mua bán điện (PPA) với tổng công suất lắp đặt hơn 8.200 MW. Tuy nhiên chỉ 87 dự án được vận hành thương mại, tổng công suất gần 4.540 MW. Trong số này, duy nhất dự án Điện mặt trời Đa Mi được xây dựng trên mặt hồ Đa Mi (tỉnh Bình Thuận), công suất 47,5 MW. Ngoài ra, dự án điện mặt trời Dầu Tiếng 1,2 (Tây Ninh) được xây dựng trên khu vực bán ngập của hồ Dầu Tiếng, công suất 420 MW.
Anh Minh
No comments