Chiến lược 'kiềng ba chân' của nội thất Xuân Hòa
Theo ông Lê Duy Anh - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xuân Hòa Việt Nam, doanh nghiệp chú trọng phát triển công nghệ; nâng cao quản lý sản xuất và tập trung đầu tư cho bài toán con người từ 1/1/2016 khi công ty bắt đầu cổ phần hóa. Sau 3 năm, doanh nghiệp đã "thu về trái ngọt".
- Từ đâu Xuân Hòa xác định chiến lược 'kiềng ba chân' này thưa ông?
- Xuân Hòa đã có mặt trên thị trường nội thất Việt Nam gần 40 năm và khẳng định được vị thế riêng. Tuy nhiên, trước 2016, chúng tôi là doanh nghiệp thuộc sở hữu của nhà nước, người tiêu dùng nhớ đến Xuân Hòa với những sản phẩm "bền". Tại thời điểm cổ phần hóa, ban lãnh đạo đặt ra sứ mệnh, nhiệm vụ và mục tiêu mới. Chúng tôi muốn xây dựng Xuân Hòa ghi dấu ấn trong lòng khách hàng nhờ những sản phẩm chất lượng cao, đón đầu xu hướng nội thất thế giới, đã bền lại đẹp. Đây là slogan Xuân Hòa đang theo đuổi.
Để làm được điều đó, chúng tôi đề ra 3 chiến lược trọng tâm gồm đầu tư công nghệ tiên tiến; nâng cao quản lý sản xuất và đầu tư cho con người.
- Bài toán công nghệ khá tốn kém và tiềm ẩn rủi ro. Xuân Hòa hiện thực hóa như thế nào?
- Chúng tôi cho rằng để chiến thắng trên thương trường thì sản phẩm phải có chất lượng tốt, giá cạnh tranh - hai yếu tố do công nghệ mang lại, nên Xuân Hòa quyết định nhập những dây chuyền tiên tiến từ các nước G7, với khoản đầu tư 2-3 triệu USD cho công nghệ, máy móc thiết bị mỗi năm.
Chúng tôi mua về hệ thống máy dán cạnh không viền của tập đoàn Biese (Italy); máy đột, dập tự động Amada (Nhật Bản), robot hàn tự động Panasonic; máy uốn, gấp tự động Salvagnini (Italy) hay hệ thống máy cưa, cắt, dán nẹp gỗ tự độnghãng SCM (Italy)... Mới đây, Xuân Hòa nhập khẩu dây chuyền trị giá 500.000 USD từ Tập đoàn Biesse với công nghệ Slimline giúp tạo góc cạnh tinh tế trên những sản phẩm gỗ công nghiệp, giúp sản phẩm bền, đẹp và thời trang.
Những công nghệ mới giúp sản phẩm Xuân Hòa thay đổi diện mạo và tăng chất lượng so với 5 năm trở về trước, được khách hàng đón nhận và có phản hồi tốt. Có những khách bất ngờ trước một số thiết kế mới và có cảm nhận: "Sản phẩm của Xuân Hòa ngày càng bắt kịp xu hướng nội thất thế giới". Khoản đầu tư cho công nghệ là xứng đáng và chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh.
Máy Biesse thuộc dây chuyền ứng dụng công nghệ Slimline. |
- Nhiều ý kiến cho rằng, thời kỳ 4.0 với những công nghệ hiện đại, nhất là robot sẽ khiến lượng lớn người lao động gặp khó. Điều này diễn ra ở Xuân Hòa ra sao?
- Chúng tôi luôn đặt bài toán con người là trọng tâm, bởi doanh nghiệp nào cũng có thể đầu tư cùng một dây chuyền hay nguyên vật liệu, nhưng để có được đội ngũ nhân sự tài năng, có thể làm chủ được công nghệ thì đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư nhân sự bài bản.
Hiện chúng tôi tiếp tục xây dựng đội ngũ R&D. Họ cập nhật các xu hướng nội thất quốc tế, nhằm kết hợp xu hướng với máy móc hiện có và ý tưởng riêng tạo ra những thiết kế phù hợp với thị trường nội địa. Đây là bài toán không dễ.
Cái khó nữa là ở Việt Nam hiện chưa có trường lớp nào đào tạo chuyên sâu ngành thiết kế nội thất, nên nhân sự Xuân Hòa xuất phát điểm từ những ngành học "cận" với nghề phải vừa làm vừa học hỏi, tự rèn luyện cũng như tham gia các hội chợ quốc tế để nắm bắt xu hướng. Thành quả là đội R&D đã cho ra đời 42 mẫu sản phẩm mới trong năm 2019, với trung bình mỗi tháng tung ra thị trường 2-3 thiết kế mới.
Ngoài ra, mỗi năm công ty đầu tư hơn 2 tỷ đồng để tổ chức các lớp đào tạo ngắn hạn và dài hạn cho toàn bộ nhân sự. Chúng tôi thuê chuyên gia trong nhiều lĩnh vực, giúp nhân viên nâng cao các kỹ năng mềm như làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, leadership, quản lý tài chính...
Ban lãnh đạo cũng quan tâm tới đời sống của cán bộ nhân viên vào các dịp lễ Tết, tổ chức hoạt động teambuilding, nghỉ mát, ngày hội truyền thống, hội thao... Chúng tôi quan niệm: nhân viên phải được thụ hưởng thành quả họ cống hiến.
Một chuyên gia trao đổi với nhân sự Xuân Hòa về ứng dụng các xu hướng nội thất. |
- Sau cổ phần hóa, hoạt động quản lý sản xuất tại Xuân Hòa có gì mới so với trước đây?
- Hiện năng suất lao động của Việt Nam còn thấp so với thế giới. Trong bối cảnh các tập đoàn quốc tế đang dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam, Myanmar và Ấn Độ, các nhà máy nước ta muốn nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu bắt buộc phải đảm bảo các tiêu chí về chất lượng, giá thành và tiến độ giao hàng. Xuân Hòa nắm bắt và xây dựng nhà máy theo bộ tiêu chuẩn đó, đồng thời thuê đội ngũ chuyên gia của Toyota nhằm hiện thực hóa cách thức quản lý sản xuất theo tiêu chuẩn Nhật.
Phương thức quản lý của các chuyên gia Toyota có tên gọi "Toyota Production System" (TPS) đã được ứng dụng tại Mỹ và nhiều nước tiên tiến, trong đó xây dựng biểu đồ quản lý rất tỉ mỉ: từ lúc công nhân bước vào nhà máy cho tới từng bước chân, mỗi thao tác làm việc, công nhân nghỉ bao nhiêu phút, hoặc mỗi chiếc máy thực hiện công đoạn trong mấy giây, đo lường chất lượng sản phẩm... khác hẳn với cách quản lý của đa số doanh nghiệp Việt, phần lớn quản lý nhân công bằng kinh nghiệm hoặc quẹt thẻ thông thường.
Sau 3 năm áp dụng phương thức mới, Xuân Hòa có được những kết quả vượt trội về năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất. Năng suất lao động năm 2019 tăng 24%. Chúng tôi xác định, năng suất lao động cao chính là một vũ khí cạnh tranh không chỉ với doanh nghiệp nội địa mà còn trên thị trường xuất khẩu.
- Ông đánh giá thế nào về kết quả của Xuân Hòa đạt được năm 2019?
- 2019 là năm thứ hai công ty tăng trưởng doanh số 20%. Kết quả kinh doanh phản ánh hoạt động đầu tư những năm trước của chúng tôi đã đi đúng hướng và thu về trái ngọt.
Các mảng kinh doanh đều tăng trưởng tốt, trong đó doanh thu xuất khẩu tăng 38% doanh thu; mảng công nghiệp phụ trợ, làm dự án, bán hàng đại lý đều ghi nhận những con số khả quan.
Ngoài ra, các chỉ số đo lường dịch vụ chăm sóc khách hàng cũng cải thiện nhiều. Tôi lấy ví dụ, trước đây cần 12 ngày để giao một đơn hàng thì hiện Xuân Hòa chỉ cần 7 ngày; trước cần 48 giờ để xây dựng báo giá, nay rút ngắn còn 24 giờ; hoặc số sản phẩm cần bảo hành đã giảm 30% so với năm 2018. Chúng tôi nhận định đây là các chỉ số phụ nhưng công ty đặc biệt chú trọng, bởi dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt sẽ giúp khách dần cảm nhận được nỗ lực của Xuân Hòa và nâng cao sự tín nhiệm với thương hiệu.
Một văn phòng làm việc ứng dụng xu hướng décor nội thất của Xuân Hòa. |
- Ông cho biết định hướng của Xuân Hòa trong thời gian tới?
- Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến lược tập trung vào thị trường nội thất trong nước, dựa trên thế mạnh và uy tín gần 40 năm của doanh nghiệp nhằm gia tăng thị phần. Trong đó đẩy mạnh vào décor ("may đo" nội thất) và mảng nội thất chung cư, khách sạn, so với trước đây chủ yếu kinh doanh nội thất gia đình.
Décor hiện là xu hướng được thế giới ưa chuộng, ở đây nội thất không đơn thuần là bàn, ghế hay tủ thông thường, mà được may đo và cá tính hóa, giúp gia tăng nhận diện thương hiệu. Xu hướng này đang phát triển ở Hà Nội, TP HCM cùng một số thành phố lớn. Xuân Hòa đã bắt tay thiết lập bộ phận riêng đảm nhận mảng này.
Chúng tôi nghiên cứu thị hiếu và gu thẩm mỹ của khách hàng, thiết kế các bộ concept cho nội thất lớp học, chung cư, văn phòng... với những mẫu đa dạng dành cho giám đốc, trưởng phòng, nhân viên; màu sắc phong phú từ các gam màu sáng trẻ trung tới gam trầm sang trọng, hoặc các gam trung tính như màu vân gỗ. Chúng tôi đã triển khai cho các khách hàng như Samsung, ngân hàng OCB, Eduplay...
Ngoài ra, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang Nhật Bản, Pháp và các thị trường khác, đồng thời phát triển mảng công nghiệp phụ trợ đang chiếm 15% doanh số năm 2019, mở rộng các tệp khách hàng mới trong nước và quốc tế.
No comments