Breaking News

Hai phương án đấu thầu giá điện mặt trời

Đại diện Bộ Công Thương cho biết có thể đấu giá điện mặt trời tại trạm biến áp hoặc giải phóng mặt bằng sạch, rồi mời gọi nhà đầu tư. 

Tại thông báo kết luận cuộc họp thường trực Chính phủ về cơ chế cho điện mặt trời, Chính phủ giao Bộ Công Thương nghiên cứu cơ chế đấu thầu thay thế cơ chế giá FIT (giá bán điện năng sản xuất ra từ nguồn năng lượng tái tạo được cung cấp vào hoặc bán cho lưới điện). Cơ chế giá FIT áp dụng theo Quyết định 11/2017 đã hết hiệu lực từ 30/6.

Hai phương án đấu thầu giá điện mặt trời được ông Đỗ Đức Quân - Phó cục trưởng Cục Điện lực & Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) chia sẻ tại hội thảo về năng lượng tái tạo vừa tổ chức. Đó là đấu thầu tại trạm biến áp hoặc giải phóng mặt bằng sạch, sau đó mời gọi nhà đầu tư tham gia đấu giá một phần hoặc toàn bộ dự án như cách Campuchia làm thành công dưới sự hỗ trợ của ADB. Ông hy vọng, sẽ chọn được các dự án điện với chi phí hợp lý thông qua hình thức đấu thầu giá.

Theo ông Quân, trước đây Bộ đã nghiên cứu cơ chế giá đấu thầu với sự hỗ trợ, tư vấn của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và sau chỉ đạo của Thủ tướng, "mọi việc sẽ được đẩy nhanh hơn".

Lắp đặt tấm pin mặt trời tại một dự án điện mặt trời ở Long An. Ảnh: H.Thu

Lắp đặt tấm pin mặt trời tại một dự án điện mặt trời ở Long An. Ảnh: H.Thu

Nhiều chuyên gia ủng hộ phải đấu giá sau sự phát triển ồ ạt điện mặt trời vừa qua. Nhưng để được mục đích giá rẻ, không ảnh hưởng tới việc tăng trưởng các nguồn điện mới trong bối cảnh nguy cơ thiếu điện từ năm sau, lại không dễ dàng.

Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nói, để ngăn tình trạng phát triển điện mặt trời bùng phát, "vô trật tự" như hiện tại, cần phải đấu thầu vào năm 2020. Nhưng ông lưu ý, phát triển điện mặt trời ồ ạt dẫn tới tắc nghẽn lưới truyền tải, nên khâu chuẩn bị thí điểm đấu giá điện phải tính toán vấn đề này.

"Quy hoạch điện mặt trời cần phải tính lâu dài, trên cơ sở tính toán được cường độ bức xạ điện mặt trời trên mỗi m2 ở từng vùng miền địa phương. Được như vậy, ở bất kỳ tỉnh nào, nhà đầu tư cũng sẵn sàng", ông Ngãi nói.

Từng tư vấn, hỗ trợ Campuchia đấu thầu chọn nhà đầu tư phát triển dự án điện mặt trời thành công với mức giá gần 3,9 cent một kWh, bà Hyunjung Lee - chuyên gia Ban Năng lượng Vụ Đông Nam Á (ADB) nêu thực tế, Việt Nam cần  nghiên cứu khả thi, đánh giá nhu cầu và cơ chế thỏa thuận để khuyến khích nhà đầu tư.

"Không nên chỉ dựa trên mức giá, mà quan trọng là quy trình thực hiện đạt hiệu quả tốt nhất, thu hút nhiều nhất đầu tư tư nhân", chuyên gia ADB góp ý. Chưa kể, đấu thầu điện mặt trời cần dựa trên bức tranh tổng thể là Việt Nam đang phải giải quyết vấn đề liên quan tới gia tăng nhu cầu điện.

Đồng ý quan điểm này, ông Oliver Behrend nói thêm "không nên quá ám ảnh vấn đề đấu thầu". Bởi nếu chỉ áp dụng cơ chế đấu thầu thì không thể giải quyết các vấn đề, mà cần ứng dụng cơ chế này để sàng lọc các bên tham gia, cùng khung hợp đồng, yếu tố huy động tài chính. Vì thế, cần đưa ra điều kiện, tài liệu hợp đồng phù hợp để xác định chi phí dự án phù hợp.

"Doanh nghiệp tham gia đấu thầu đều mong muốn quy trình rõ ràng, cơ chế khả thi vay vốn theo chuẩn quốc tế. Họ cũng quan tâm tới tính bền vững, ổn định chính sách chứ không phải sự thay đổi cơ chế liên tục. Khi chính sách ổn định sẽ đảm bảo bền vững, tính toán suất đầu tư và khi đó định giá không còn là yếu tố quan trọng nhất", chuyên gia WB lưu ý.

Anh Minh

No comments

Phan Mem Bao Mat Windows / Thoi Trang Nam / Bat Dong San Sai Gon / Dung Cu Cat