CEO Vato: 'Chưa dùng đến 100 triệu USD của Phương Trang'
Lãnh đạo Vato tuyên bố không chạy đua “đốt tiền” như ứng dụng gọi xe khác vì vẫn chưa dùng đến 100 triệu USD ngân sách từ công ty mẹ Phương Trang.
"Mục đích của chúng tôi khác với các ứng dụng gọi xe còn lại trên thị trường. Họ phải chạy theo chỉ tiêu tăng khách, tăng trưởng để tiếp tục gọi vốn. Còn Tùng không chịu sức ép đó. Anh ta chịu sức ép của Chủ tịch Phương Trang về chất lượng dịch vụ", ông Nguyễn Việt Tuấn - Chủ tịch Vato nói. Nhân vật Tùng trong được đề cập là Lưu Minh Tùng - CEO Vato.
Năm ngoái, sau khi Uber rời khỏi Việt Nam, Tập đoàn Phương Trang gây chú ý bởi tuyên bố đầu tư 100 triệu USD làm ứng dụng gọi xe Vato (Vận Thông). Nhưng cái tên Vato sau đó lại "mất hút" trong tâm trí người dùng, thậm chí không được điểm danh khi nhắc đến thị trường gọi xe. Ông Tùng nói công ty có nhiều thay đổi trước khi vận hành lại cách đây hơn 3 tháng.
Ông Lưu Minh Tùng - CEO Vato. Ảnh: VT |
Theo đó, tháng 6/2018, Phương Trang mua FaceCar - ứng dụng gọi xe ra đời từ tháng 3/2016 có tên gọi ban đầu là Vivu. FaceCar có 6 nhân sự, Phương Trang tuyển thêm 26 người để cùng vận hành, đổi tên thành Vato.
Vato chạy thử nghiệm miễn phí vào tháng sau đó và thu phí từ tháng 3/2019. Tuy nhiên, tháng 4/2019, Vato tái cấu trúc. Giai đoạn tháng 6/2019, ứng dụng dừng hẳn hoạt động. "Lúc đó, nhân sự thay đổi hết, chỉ còn lại tôi", ông Tùng nói.
Công ty tuyển người, xây dựng hệ thống kỹ thuật mới bằng 38 kỹ sư, thay cho nền tảng FaceCar. Tháng 8/2019, phiên bản "lột xác" vận hành, ngoài gọi xe công nghệ còn gọi được taxi truyền thống và dịch vụ chuyển phát nhanh của Phương Trang.
"Hiện tại, mỗi ngày, Vato có 20.000-25.000 cuốc thành công, khoảng 1.500 đơn giao hàng tức thì (on demand). 115.000 tài xế đã đăng ký đối tác nhưng tổng cộng mỗi tháng khoảng 50.000 có hoạt động. Tính mỗi ngày, tầm 6.000 tài xế hoạt động. Thật ra, các bên thường công bố tổng số đối tác tài xế đăng ký, chứ đó không phải là số tài xế hoạt động thực tế mỗi ngày", ông Tùng nói và tuyên bố "vẫn chưa dùng đến 100 triệu USD của Phương Trang".
"Vato sẽ là sàn thương mại điện tử"
Hai tháng gần đây, đội quân xe ôm công nghệ với áo đồng phục màu cam của Vato bất ngờ xuất hiện nhiều hơn trên đường phố TP HCM, cùng với chiến dịch đồng giá 8.000 đồng. Chiến dịch này tiếp tục định hình Vato trong mắt người dùng như một ứng dụng gọi xe nội địa còn mờ nhạt, nay cố gắng "đốt tiền" để vươn lên. Nhưng ông Tùng nói không "đốt tiền", và mục tiêu là thành sàn thương mại điện tử, lấy vận tải làm cốt lõi.
"Có ưu đãi này vì trong cả năm qua chưa làm, nên bây giờ làm, chứ không phải đốt tiền gì cả", ông Tùng giải thích và cho biết khoảng hai tuần nữa sẽ tung ra phiên bản ứng dụng mới, với nhiều tính năng hơn như sàn giao dịch thương mại điện tử, giao thức ăn, đặt vé xe khách, giao nhận hàng hóa liên tỉnh.
Điều này cũng đồng nghĩa, hệ sinh thái 50.000-70.000 khách đi xe đường dài và 25.000-30.000 đơn chuyển phát mỗi ngày của Phương Trang sẽ được kết nối. Vato chính thức trở thành nền tảng tích hợp cung ứng các dịch vụ của tập đoàn này.
"Cách làm của nước ngoài là 'đánh' thị trường và sau đó huy động vốn. Phương Trang không như vậy. Chúng tôi làm dịch vụ này như đã làm dịch vụ vận tải hàng chục năm nay, chứ không phải làm ra để gọi vốn", ông Tùng nói bản thân cả mảng vận tải hiện nay cũng chỉ chiếm 5% doanh thu của Phương Trang. Vốn kinh doanh chính vẫn là bất động sản.
Trước đó, Vato đã có giấy phép hoạt động với tư cách là sàn thương mại điện tử từ năm 2017. Theo ông Tùng, nhìn có vẻ dàn trải nhưng làm thương mại điện tử thì việc cung cấp đa dịch vụ sẽ tạo tính xuyên suốt.
"Ví dụ, tài xế luôn mong có nhiều cuốc thì mình tạo ra sân chơi (sàn thương mại điện tử) để có thêm nhu cầu. Còn hiện tại, nếu đi theo bài toán của các anh gọi xe công nghệ khác thì phải bỏ tiền ra đốt", ông Tùng phân tích.
"Chúng tôi khác Grab"
Ngoài việc nói sẽ không đốt tiền dù còn sẵn 100 triệu USD, ông Tùng cho rằng cách triển khai các dịch vụ của Vato so với đối thủ cũng khác. Ví dụ, ở mảng giao hàng liên tỉnh, trong khi Grab hợp tác với Ninja Van thì Vato có sẵn hạ tầng và kho bãi nên trực tiếp làm. Ở mảng giao thức ăn, sau bốn tháng chuẩn bị, dịch vụ này chuẩn bị chào sân với hình thức giao thức ăn cho thực khách và giao các nông sản, thực phẩm làm nguyên liệu cho nhà hàng, thông qua sàn thương mại điện tử.
Một nhóm tài xế Vato tại Hà Nội vào tháng 9/2019. Ảnh: MT |
Nhưng khác biệt lớn hơn cả mà nền tảng này muốn làm là cách ứng xử với tài xế. Công ty muốn định hình tài xế thành nhân viên chính thức. Ông Tùng nói bản thân có hai khó khăn lớn là đảm bảo thu nhập cho tài xế và chất lượng dịch vụ cho khách hàng. Giải quyết cả hai đều cần giải quyết được vấn đề tài xế.
"Vì có những tài xế còn xem nghề này là công việc nhàn rỗi nên chất lượng không thể lúc nào cũng tốt. Do đó, chúng tôi đang thử nghiệm trả lương nhằm nâng cao trách nhiệm", ông Tùng đã ký hợp đồng trả lương cho 700 tài xế giao hàng với mức 3 triệu đồng mỗi tháng.
Công ty cũng đã thành lập các quán ăn dừng chân, giảm giá 30% cho tài xế của hãng khi đến nghỉ ngơi. Ông còn nghĩ đến chuyện phát xe máy cho tài xế hai bánh với tuyên bố đã mua 5.000 chiếc xe, sơn màu cam sẵn, đang để ở kho nhưng quan trọng phải tìm được tài xế "có tâm".
"Chúng tôi chỉ mới hoạt động hơn 3 tháng nên sẽ tiếp tục hoàn thiện, điều chỉnh để thị trường thấy sự khác biệt. Mục tiêu của tôi là sáng 6h30 các phụ huynh dám giao con cho tài xế Vato đưa đi học. Nếu làm được chuyện đó, một ngày sẽ có không dưới 2 triệu cuốc đưa trẻ đến trường ở TP HCM. Bây giờ, bác tài thì có mà phụ huynh người ta chưa đủ tin tưởng", ông Tùng nói.
Hiện tại, Vato "chơi nổi" khi là đơn vị duy nhất chiết khấu 5% đối với tài xế xe ôm. Ứng dụng không tỏ tham vọng làm ví điện tử mà khá mở về kênh thanh toán trực tuyến cho hành khách, qua MoMo, ZaloPay, sắp tới là Visa và MasterCard.
"Grab nói về khái niệm ‘siêu ứng dụng’. Vato không làm theo cách của họ nhưng cũng phải là một ‘siêu ứng dụng’. Với tất cả, mục tiêu trong cuộc chơi này thì gọi xe chỉ là phương thức để lấy được tệp khách hàng. Vấn đề là khai thác tệp khách hàng đó tiếp theo như thế nào", ông Nguyễn Việt Tuấn nói.
Theo chủ tịch Vato, ngành gọi xe có rào cản gia nhập thấp, không có nhiều yếu tố kỹ thuật ngoài tài chính. "Thế nên, người này ‘chết’ thì sẽ có người khác thay. Quan trọng, mình có phải là người cuối cùng của cuộc chơi. Không phải xuất phát trước thì đảm bảo sẽ về đích. Không phải xuất phát chậm thì không thể về đích", ông nói.
Trong cuộc trò chuyện, ông Tuấn vài lần nhắc lại lý do ra đời của Vato. Một là để tránh sự độc quyền của một hãng nước ngoài trên thị trường gọi xe. Hai là muốn hoàn thiện và nâng cấp chất lượng dịch vụ của ngành vận tải mà Phương Trang đã hoạt động hơn 20 năm.
Ông cho rằng, ngày xưa, người kinh doanh có thể thấy được con đường tương lai thẳng tắp ra sao. Còn bây giờ, trong thời đại số hóa, con đường ấy đó có những ngã rẽ, những tay chơi "tạt ngang" bất ngờ, làm thay đổi những doanh nghiệp truyền thống. "Nếu mình vẫn làm theo kiểu truyền thống thì thất bại", ông nói.
Viễn Thông
No comments