Pha trà như nghệ nhân qua bộ phin bằng sứ
Nghệ thuật pha trà công phu, nhìn thoáng qua thấy thao tác của họ đều rất bình thường, nhưng bên trong, mỗi tình tiết đều ẩn ý. Không phải cứ bỏ trà vào bình rồi chế nước sôi, muốn nhạt thì dùng ít lá, để vị đậm thì ngâm lâu hoặc cho nhiều trà. Đó cũng là ông phát hiện ra, nguyên lý không phải như thế. Đầu tiên, phải tráng bình trà cho nóng rồi mới đưa trà vào, tráng nước sôi thêm một lần để loại bỏ bụi bẩn, giúp lá thấm nước, ủ nóng trà. Bình đã tráng nước sôi để tránh việc bình nguội, trà nóng, hai yếu tố đối ngược khiến hương trà bốc đi, lá chưa thấm nước, không ra vị thơm ngon.
Từ những kiến thức về nghệ thuật pha trà và đặc tính lá trà đã nghiên cứu, ông Minh thiết kế bộ pha trà kiểu mới, phải đơn giản khi sử dụng, đơn giản trong sản xuất, dễ bảo quản, nhưng hiệu quả cao.
Với nguồn cảm hứng từ phin cà phê, bộ pha trà cũng sử dụng phin để lọc. Phin lọc trà có 2 lỗ điều tiết để nước chảy xuống, đảm bảo thời gian từ khi rót nước, thấm qua trà, chế đầy ly luôn duy trì 30-40 giây. Khoảng thời gian này phù hợp với lượng trà 2-3 gram, nước nóng ở nhiệt độ 80-90 độ C, cho độ đậm đặc và hương thơm chuẩn như trà công phu. Nếu chảy nhanh hơn nữa, trà không ra hết mà chậm chút đi thì nước sẽ đắng.
Bên trong phin lọc có ty chặn trà và cục sứ giữ nhiệt. Ty chặn trà là vật dụng để thay thế lọc trà thường thấy, thiết kế giống với bộ pha cà phê, nhưng cách sử dụng khác hẳn. Đặt ty vào trong phin rồi mới bỏ trà vào, nhằm giúp lá trà không lọt xuống dưới, bít lỗ khiến nước không chảy qua. Sau đó thả vào cục sứ giữ nhiệt rồi mới chế nước.Cục sứ chặn lại để lá trà đừng nổi lên, đồng thời giữ nhiệt và giữ hương. Ở bình trà thông thường, sau khi tráng với nước sôi, lá trà nở, hơi nóng bốc lên tự do nên mất hương, nguội nhanh. Vậy nên phải uống liên tục, không thể nghỉ ngơi, làm mất hết ý nghĩa của trà là thưởng thức phải nhâm nhi, từ từ. Cục sứ có thể nóng đến 30 phút, thậm chí một tiếng, tức là trà được ủ, dậy hương thơm.
Khi rót nước vào, trà ra độ đậm đặc vừa phải, chảy thẳng xuống ly bên dưới. Trong phin trà không còn nước nên trà không bị ngâm, hạn chế tiết ra tanin làm nước trà đắng, chát. 5 phút sau có thể rót thêm đợt nước mới. Để làm được cục sứ này, ông Minh bảo “nhức đầu lắm, chứ không hề đơn giản”. Nếu nhẹ quá sẽ không giữ được trà, thiếu độ nóng trà không được ủ, khiếm khuyết mùi thơm.
Để luôn có nước nóng pha trà, ông Minh đã sáng chế ra ấm nước đặt trên dụng cụ mô phỏng kệ bếp, bên trong là ngọn nến. Khoảng cách từ nến đến bình nước được tính toán kỹ, để nhiệt độ không quá cao hay thấp, luôn duy trì 80-90 độ C - khoảng nhiệt vừa đủ để nước trà pha ra là ngon nhất.
“Tất cả những dụng cụ của bộ pha trà, nhìn thấy có vẻ đơn giản, nhưng đó là quá trình nghiên cứu rất lâu, vì mọi chuyện đều có lý do, mà muốn giỏi thì phải tìm tòi với tâm thế ham thích, tò mò”, ông Minh nói. Bộ trà ra được dáng hình, nhưng cũng phải mất thêm một năm để dùng thử, tìm ra những vấn đề phát sinh hoặc sự cố mọi người gặp phải để sửa đổi. Trong quá trình đó, vị tổng công trình sư là ông Minh, cũng đôi lần “bí”. Mỗi lúc như vậy, ông tạm thời gác lại, tiếp tục nghiên cứu rồi thử nghiệm, thay đổi.
Đến cuối năm 2018, sau hàng trăm lần làm rồi thử, sản phẩm hoàn thiện ra lò, chính thức có mặt tại các showroom.
No comments