Nhà máy Trung Quốc giảm sản xuất cho công ty Mỹ
Thay vì sản xuất máy hút bụi cho Philips, Honeywel và chịu thuế cao của Mỹ, Matsutek tự làm thương hiệu robot riêng, bán tại Trung Quốc.
Hơn một thập kỷ qua, Matsutek sản xuất và cung cấp sản phẩm cho các thương hiệu phương Tây lớn, như Philips hay Honeywell. Chiến lược này đã giúp họ trở thành hãng sản xuất robot hút bụi lớn nhì thế giới. Tuy nhiên, hiện tại, công ty có trụ sở tại Đài Loan (Trung Quốc) này lại trở thành một trong những nạn nhân của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Doanh số bán các sản phẩm của Matsutek tại Mỹ giảm 20% năm ngoái, do đòn thuế nhập khẩu 25% của Mỹ lên hàng hóa xuất xứ Trung Quốc. Họ đã phải đóng cửa 2 trong 11 dây chuyền sản xuất. Tất cả đều đặt tại Trung Quốc.
Matsutek vốn đã gặp khó tại thị trường Mỹ sau một cuộc chiến pháp lý năm 2017. Vì thế, thuế nhập khẩu càng khiến họ chuyển trọng tâm sang sản xuất robot hút bụi thương hiệu riêng - Jiaweishi, rồi bán trên các nền tảng thương mại điện tử như Tmall của Alibaba hay Pinduoduo.
Công nhân trong một nhà máy của Matsutek tại Thâm Quyến. Ảnh: Reuters |
Thương hiệu này được tạo ra từ năm 2015. Tuy vậy, Matsutek không mấy chú trọng đến nó. "Đây là lúc chúng tôi thức tỉnh. Chúng tôi nhận ra mình không thể chỉ dựa vào thị trường nước ngoài. Thay vào đó, công ty nên gây dựng thương hiệu riêng tại Trung Quốc", Terry Wu - Giám đốc hai chi nhánh của Matsutek ở Thâm Quyến cho biết trên Reuters.
Trong khi đó, với các công ty vốn đã có thương hiệu tại Trung Quốc, chiến tranh thương mại càng khiến họ đẩy mạnh nỗ lực này. "Là công ty sản xuất cho hãng khác cũng như người nông dân trông chờ một năm mưa thuận gió hòa vậy. Tại sao chúng tôi không xây dựng thương hiệu riêng, hạ giá một chút và đưa ra các sản phẩm có chất lượng tương đương thương hiệu phương Tây", Wu nói.
Với các công ty Trung Quốc phụ thuộc lớn vào thị trường Mỹ, đây là một trong các lựa chọn chiến lược của họ, ngoài việc chuyển sản xuất sang nước khác. Trong dài hạn, việc này có thể tạo ra môi trường cạnh tranh lớn với các doanh nghiệp ngoại. "Các công ty Trung Quốc từng là đối tác kinh doanh và nhà cung cấp của họ thì nay chuyển thành đối thủ", Jason Ding - cố vấn tại Bain & Company cho biết.
Anhui Deli - một hãng sản xuất ly rượu và đồ thủy tinh khác với doanh thu hàng năm 800 triệu NDT (113 triệu USD) cũng chịu tác động mạnh từ thuế nhập khẩu. "Mỹ là thị trường tăng trưởng chính của chúng tôi cho đến tận năm nay. Nhưng vì chiến tranh thương mại, các khách hàng đang ngần ngại đặt hàng. Rất nhiều đơn hàng từ Mỹ đã bị hủy", Cheng Yingling - Giám đốc Marketing của công ty cho biết.
Thuế nhập khẩu bổ sung có hiệu lực đầu tháng này sẽ khiến hàng thủy tinh Trung Quốc bị đánh thuế tới 40%. Đây là đòn giáng mạnh với ngành này.
Dù vậy, thương mại điện tử tại Trung Quốc đã giúp bù đắp phần nào thiệt hại này. Cheng cho biết việc hợp tác với Pinduoduo đã giúp họ bán được số sản phẩm trong một tháng nhiều gấp ba trong cửa hàng.
MTC - nhà cung cấp TV thương hiệu Onn cho Walmart - cũng đã bắt đầu làm việc với nền tảng thương mại điện tử này. Năm 2017, họ đã mua được quyền sở hữu thương hiệu JVC tại Trung Quốc.
"Pinduoduo tìm đến chúng tôi và nói họ muốn có mô hình nhà sản xuất với người tiêu dùng. Chúng tôi đã quyết định hợp tác, khi nhận thấy họ hoạt động khá hiệu quả tại các thành phố nhỏ, và vì trên Pinduoduo cũng có ít thương hiệu điện máy hơn các hãng khác", David Fang - Giám đốc MTC cho biết.
Wu cho biết việc tập trung vào thị trường Trung Quốc là một thành công lớn. Đến nay, họ đã bán được hơn 100.000 robot hút bụi với thương hiệu Jiaweishi. Họ cũng lên kế hoạch mở lại 2 dây chuyền sản xuất đã đóng và mở mới 3 dây chuyền vào đầu năm tới.
"Chúng tôi cho rằng thị trường Trung Quốc có cơ hội rất lớn. Tỷ lệ sử dụng robot hút bụi tại Mỹ là 17%, nhưng Trung Quốc mới có 1,5%. Quan trọng là ở đây có hơn 1 tỷ người", ông nói.
Hà Thu (theo Reuters)
No comments