Cú 'vượt cạn' với 10 tỷ đồng của startup gạo hữu cơ
Gần như tan rã sau khi lên gọi vốn trên truyền hình, đội ngũ sáng lập Hoa Nắng đã kịp vực dậy công ty nhờ 10 tỷ đồng tư một nhà đầu tư.
"Tôi quyết định đầu tư ngay vào Hoa Nắng vì tôi thấy họ rất cần nhà đầu tư vào lúc này", câu nói trị giá 10 tỷ đồng của ông Louis Nguyễn – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Đầu tư Saigon Asset Management (SAM) vào năm 2018 đã 'cứu sống' Hoa Nắng.
Gọi là 'cứu sống' bởi năm 2018, Hoa Nắng từng lên Shark Tank Việt Nam gọi vốn. Ngay sau khi phát sóng, công ty lại bất ngờ tan rã vì cổ đông lớn nhất, chiếm 94% cổ phần, rút chân. Chiếc phao cuối cùng mà hai nhà sáng lập Lâm Anh Tú và Đặng Thị Trường An vừa được ông Louis Nguyễn hứa trên truyền hình về lý thuyết cũng mất, do tình hình công ty thay đổi.
Nhà đồng sáng lập kiêm CEO Hoa Nắng Lâm Anh Tú (bên trái) và ông Louis Nguyễn – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Saigon Asset Management (SAM) (cầm micro). |
"Không đủ chi phí duy trì công ty là việc đã được dự báo từ trước nên quyết định lên Shark tank như cái phao cuối cùng. Để lên được sóng, chúng tôi phải trải qua quá trình rất dài với nhiều khó khăn, cảm xúc vui buồn lẫn lộn nhưng khi có chút hy vọng le lói thì không tiếp tục được với nó, tôi có cảm giác như tuyệt vọng", CEO Lâm Anh Tú kể lại.
Trên sóng, ông Louis Nguyễn đã ra tay phút chót để cứu dự án, vốn không được các nhà đầu tư khác mặn mà, với đề nghị 4 tỷ đồng cho 51% cổ phần và 6 tỷ đồng chuyển thành trái phiếu chuyển đổi với lãi suất 15%. Câu chuyện càng kịch tính khi Hoa Nắng cũ tan ra, Anh Tú và Trường An lập pháp nhân mới cho nhưng chủ tịch của SAM vẫn đầu tư. Hợp đồng giữa họ được ký chính thức vào trung tuần tháng 11 năm ngoái.
"Sẽ có nhiều khó khăn về tài chính, thị trường nhưng tôi sẽ không thay đổi quyết định này của mình", ông Louis Nguyễn nói khi đặt bút ký rót tiền cho startup này. Ông nói mình quan tâm đến tình hình an toàn thực phẩm và nhận thấy tiềm năng lớn của thị trường thực phẩm hữu cơ. Thêm nữa, ông đánh giá cao sự trung thành và tận tâm của hai nhà đồng sáng lập.
Sau 10 tháng nhận vốn, gạo hữu cơ của Hoa Nắng đã có măt tại 400 điểm bán, gồn 120 siêu thị cùng các sàn thương mại điện tử trong nước. Đối với các sàn quốc tế như Amazon, Walmart, Ebay, Google Shopping, Etsy, Rakuten...sản phẩm được phân phối thông qua đối tác Vietsway.
"Theo dự toán, Hoa Nắng có chút lợi nhuận trong năm đầu nhưng đến thời điểm cuối cùng khi cân đối lại thì chỉ gần hòa vốn. Năm nay, công ty đang phát triển mạnh mẽ hơn, nhưng về con số cụ thể, tôi xin phép không tiết lộ", ông Louis Nguyễn nói.
Sau gạo hữu cơ, startup của Anh Tú và Trường An mới đây nhảy sang lĩnh vực mía đường. Nếu như nguồn gạo được công ty lấy từ 150 ha diện tích trồng lúa tại huyện Thạnh Phú (Bến Tre) thì nguồn mía được lấy từ Lào.
"Chúng tôi lấy nguyên liệu từ tỉnh Sekong, thuộc cao nguyên Boloven ở miền Nam của Lào. Đây là vùng đất tự nhiên, chưa được khai phá và không bị tác động của hóa chất. Nơi đây có 2 mùa rõ rệt, nhiệt độ mát mẻ, lượng mưa dồi dào và đất bazan màu mỡ, nhiều khoáng chất tốt cho mía hữu cơ", Anh Tú nói nhà máy sản xuất đặt ngay tại vùng trồng, là hợp tác được ký Công ty Liên doanh Hữu cơ F&F Lào để độc quyền phân phối tại Việt Nam và quốc tế. Anh nói phía Hoa Nắng tham gia vào sản xuất, quản lý kỹ thuật chứ không chỉ làm phân phối.
Nhà máy sản xuất đường hữu cơ của Hoa Nắng tại Sekong, Lào. |
Có thêm đường của startup này, với sản lượng 800-1000 tấn mỗi năm, thị trường Việt Nam cũng chỉ mới có 2 công ty kinh doanh đường hữu cơ có xác nhận theo tiêu chuẩn Mỹ và châu Âu. Anh Tú giải thích rằng lý do mấu chốt là trong nước rất khó tìm được vùng nguyên liệu phù hợp để trồng mía hữu cơ, do đa số đất nông nghiệp đã dùng phân hóa học. Nếu muốn chuyển đồi sang trồng hữu cơ thì phải tốn thời gian dài cải tạo và vẫn có nguy cơ ảnh hưởng từ vùng lân cận.
"Mình đi siêu thị sẽ thấy sản phẩm hữu cơ rất ít, đường hữu cơ càng hiếm. Chúng tôi thấy tiềm năng thì tham gia chứ không phải cạnh tranh với các tên tuổi lớn trong ngành mía đường", Anh Tú nói sản lượng hiện tại là vượt nhu cầu nội địa nên công ty đang tìm hướng xuất khẩu. Cùng với đường, anh dự tính làm các sản phẩm hữu cơ chế biến sau gạo, như bánh phở, hủ tiếu, bánh trán...
"Thị trường thực phẩm hữu cơ của Việt Nam hiện nay tương đối nhỏ. Tuy nhiên tỷ suất tăng trưởng người dùng sản phẩm hữu cơ trong 5 năm trở lại đây đang tăng theo cấp số nhân", Anh Tú nhận định.
Về phần mình, ông Louis Nguyễn không đầu tư gì thêm sau gói 10 tỷ. "Tôi may mắn là chỉ đầu tư một lần. Thông thường, những nhà đầu tư chuyên nghiệp khi đầu tư tài chính thường sẽ để dành thêm tiền để cho những lượt 'follow on round', hay tiếp tục đầu tư. Tôi không phải làm chuyện này vì công ty đủ sức hoạt động, ra sản phẩm mới mà tôi không cần phải đầu tư thêm", ông nói.
Chủ tịch của SAM có một ghế trong hội đồng quản trị Hoa Nắng, nhưng để cho Anh Tú và Trường An toàn quyền vận hành. Mỗi tháng, ông chỉ gặp họ khoảng một lần. Bản thân ông thường đầu tư vào các công ty công nghệ, nhưng với startup này, ông xem đó là một đóng góp nhỏ.
"Hồi lần đầu về Việt Nam, tôi khá sốc với các thông tin về an toàn thực phẩm nên cũng muốn góp phần nhỏ ủng hộ thực phẩm sạch. Mình chết thì cũng có mang theo gì đâu, chỉ còn để lại uy tín của mình", ông nói.
Viễn Thông
No comments