Bất động sản công nghiệp Việt Nam thu hút nhà đầu tư ngoại
Doanh nghiệp quốc tế tích cực đầu tư vào Việt Nam để hưởng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do.
Đón dòng vốn từ châu Âu
Hãng sản xuất giày Ecco (Đan Mạch) phát triển nhà máy tại nhiều quốc gia như Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan, Slovakia, Bồ Đào Nha... Năm 2016, hãng thành lập nhà máy tại Việt Nam nhằm tranh thủ lợi thế về chi phí nhân công và vị trí trong khu vực Đông Nam Á.
"Kế hoạch của chúng tôi khi bước chân vào thị trường Việt Nam là xây dựng nhà máy sản xuất giày có quy mô lớn", ông Alexander Christopher Falter - Giám đốc điều hành Ecco Việt Nam cho biết.
Tháng 6 năm 2019, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được ký kết. Nhiều chuyên gia nhận định đây là cơ hội để hàng Việt tăng cường thâm nhập thị trường châu Âu và tăng thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Hiệp định dự kiến giảm tới 99% thuế quan hàng hóa giữa EU và Việt Nam, kỳ vọng tạo ra làn sóng FDI mới vào quốc gia Đông Nam Á.
Số lượng doanh nghiệp FDI châu Âu ở Việt Nam tăng nhanh trong những năm qua, kéo theo đó là nhu cầu về những nhà xưởng đặc thù đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, công nghệ và tối đa hóa công năng sử dụng. Xu hướng cho thuê nhà xưởng xây sẵn, xây theo yêu cầu của khách hàng phát triển rộng rãi.
Ông Falter cho biết do yếu tố thận trọng nên khi mới bước chân vào Việt Nam, doanh nghiệp từ châu Âu chọn phương án thuê nhà xưởng xây sẵn tại khu công nghiệp Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương do Công ty Cổ Phần Phát triển Công nghiệp BW (BW) đầu tư.
"Nhà máy xây sẵn mới, thiết kế đẹp và hiện đại, phù hợp với nhu cầu của Ecco. Với sự hỗ trợ từ chủ đầu tư BW, công ty chỉ mất 4 tháng kể từ khi bắt đầu có giấy phép kinh doanh cho đến khi thực tế đi vào sản xuất", đại diện Ecco nói.
Nhà xưởng cho thuê của Công ty CP Phát triển Công nghiệp BW tại khu công nghiệp Mỹ Phước 3, Bình Dương. |
Làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc
Không nằm trong diện tận dụng hiệp định EVFTA, doanh nghiệp sản xuất nội thất gỗ từ Nhật Bản - Generation Pass (Genepa) cũng đang mở rộng sản xuất sang Việt Nam bên cạnh nhà máy hiện hữu tại Thanh Đảo (Trung Quốc) nhằm kiếm tìm một thị trường ổn định, hạn chế ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại giữa các cường quốc.
Ông Hiroaki Okamoto - CEO Genepa nhận định, giá thuê nhà xưởng tại Khu công nghiệp Bàu Bàng (Bình Dương) của BW rất phải chăng, phù hợp với chất lượng nhà xưởng và các dịch vụ giá trị gia tăng mà BW cung cấp. Hơn nữa, cơ sở hạ tầng tốt của tỉnh Bình Dương, cũng như tính sôi động về giao thương tại tỉnh này giúp họ dễ dàng tiếp cận nhiều đối tác kinh doanh và khách hàng tiềm năng.
Genepa đã thuê một nhà máy xây sẵn rộng 4.800m2. Công ty dự kiến chuyển đến địa điểm sản xuất mới này vào tháng 9 năm 2019 sau khi nhận được giấy chứng nhận đầu tư với sự giúp đỡ của đơn vị cho thuê nhà xưởng là công ty BW.
Hãng sản xuất nội thất của Nhật Bản là một trong số hàng loạt doanh nghiệp lớn nước ngoài đang theo làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Trước đó, nhiều tập đoàn lớn như Samsung, LG, Adidas... đã mở rộng tại thị trường này.
Các chuyên gia nhìn nhận, giữa lúc kinh tế thế giới có nhiều dấu hiệu căng thẳng, Việt Nam là một trong những nước hưởng lợi khi làn sóng dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc gia tăng, đặc biệt trong bối cảnh những hiệp định thương mại song phương thế hệ mới giữa Việt Nam và các cường quốc sắp có hiệu lực.
Là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á, Việt Nam cũng đang đón nhận nhiều chính sách tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm thu hút nguồn vốn nước ngoài.
Với nhu cầu nhà xưởng lớn từ các doanh nghiệp ngoại, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam đứng trước cơ hội bứt phá mạnh mẽ, nhất là trong phân khúc nhà xưởng xây sẵn và xây theo yêu cầu, dành cho các doanh nghiệp trong các lĩnh vực sản xuất đặc thù.
Bất động sản công nghiệp "gặp thời"
Báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đầu năm nay cho thấy, mảng đầu tư cơ sở hạ tầng của Chính phủ và khu vực tư nhân tại Việt Nam đạt bình quân 5,7% GDP một năm trong những năm gần đây. Tỷ lệ này thuộc mức cao nhất Đông Nam Á. Dự báo đến năm 2020, Việt Nam có khoảng 500 khu công nghiệp với nguồn cung 500.000ha.
Báo cáo quý II/2019 của JLL Việt Nam nhận định, bất động sản công nghiệp thu hút sự quan tâm nhờ vào nguồn vốn FDI mạnh đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong và nguồn vốn ngày càng tăng từ Trung Quốc. Xu hướng chuyển dịch hoạt động sản xuất từ Trung Quốc giúp các khu công nghiệp Việt Nam tiếp tục thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Ước tính trong 6 tháng đầu năm, các khu công nghiệp, khu kinh tế trên cả nước thu hút khoảng 340 dự án FDI với số vốn đăng ký mới đạt khoảng 8,7 tỷ USD, nâng tổng số dự án là 8.900 với tổng vốn đăng ký khoảng 186 tỷ USD.
Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã nhìn thấy tiềm năng của ngành bất động sản công nghiệp tại Việt Nam.Trong số này, Công ty CP Phát triển Công nghiệp BW đang chứng tỏ tham vọng lớn khi chỉ trong nửa sau năm 2018, công ty đã đưa vào hoạt động tổng cộng 230ha diện tích đất công nghiệp tại nhiều khu vực kinh tế trọng điểm trên toàn quốc như KCN Bàu Bàng, KCN Mỹ Phước 3, VSIP Hải Dương, VSIP Hải Phòng, VSIP Bắc Ninh... Đây là liên doanh với số vốn hơn 200 triệu USD giữa quỹ đầu tư Mỹ Warburg Pincus và đối tác Việt Nam là Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - Becamex IDC.
BW thiết kế và xây dựng nhà xưởng theo hướng hài hòa thẩm mỹ, công năng, giúp thu hút các doanh nghiệp nước ngoài. |
BW phát triển với tầm nhìn trở thành nền tảng bất động sản công nghiệp cho thuê hàng đầu Việt Nam, cung cấp nhà xưởng xây sẵn/ nhà xưởng xây theo yêu cầu và kho vận hậu cần cho thuê chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu về bất động sản công nghiệp đang tăng mạnh trên thị trường
Nhà xưởng xây sẵn cho thuê của BW đã chào đón và phục vụ nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước như Kaidi, Ecco, Condor, Generation Pass... Ngoài ra, BW còn đang phát triển thêm 170 ha dự án công nghiệp vào năm 2019 để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng từ thị trường
Ông Michael Chan - Giám đốc Tiếp thị truyền thông và Dịch vụ khách hàng của BW nhìn nhận, những trường hợp như Ecco và Generation Pass cho thấy những tiêu chí quan trọng khi lựa chọn cơ sở sản xuất tại Việt Nam. Ngoài yếu tố vị trí, việc thuê lại nhà xưởng của các chủ đầu tư chuyên nghiệp đang được xem là giải pháp tối ưu giúp giải quyết yêu cầu đặc thù cho các doanh nghiệp trong lẫn ngoài nước. Đây cũng là xu hướng trên thế giới với nhiều ưu điểm về thời gian, chi phí và khả năng tùy biến.
Đại diện chủ đầu tư này cho biết các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu triển khai các dự án sản xuất sản phẩm cơ khí chính xác, công nghiệp phụ trợ thường lựa chọn nhà máy xây sẵn vì nhiều tiện ích hơn tự đầu tư. Đây là phương án khả thi trong giai đoạn thâm nhập thị trường và nắm bắt cơ hội kinh doanh, nhanh chóng đi vào sản xuất, tiết kiệm chi phí và thời gian thi công.
Bên cạnh đó, các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp cùng các dịch vụ hỗ trợ pháp lý, tư vấn môi trường, logistics... cũng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Nam Anh
No comments