5 cách đơn giản để giàu lên
Thay vì “thắt lưng buộc bụng” với những khoản chi tiêu vụn vặt, chuyên gia tài chính chỉ ra các cách để có thể trở nên giàu có.
Chuyên gia tài chính cá nhân Ramit Sethi cho rằng, bớt tiêu 2 hay 10 USD không giúp bạn giàu lên. Ông gợi ý những đầu mục quan trọng mà nếu thực hiện, bạn gần như sẽ không phải lo lắng cho những khoản chi tiêu nhỏ lẻ này.
Chuyên gia tài chính Ramit Sethi. |
Tự động hoá dòng tiền
Sethi cũng giống như nhiều chuyên gia tài chính khác, khuyến khích tự động hoá tối đa dòng tiền. "Tự động trích tài khoản hàng tháng cho các khoản tiền theo kế hoạch như tiết kiệm nghỉ hưu. Bạn hãy tập cách sống mà không cần đến số tiền đó", ông cho hay.
Đối với phần còn lại trong tài khoản, bạn nên thiết lập chuyển khoản tự động để thanh toán hoá đơn thẻ tín dụng, các chi phí cố định hàng tháng không thể tiêu bằng thẻ tín dụng và các khoản tiết kiệm, đầu tư khác. Số tiền còn lại để chi tiêu.
Thoả thuận mức lương cao hơn
Bên cạnh cắt giảm chi tiêu đến mức sống không thoải mái, hãy nghĩ đến việc cải thiện thu nhập bằng cách mạnh dạn đề xuất tăng lương hoặc tìm kiếm công việc mới.
Nếu đề xuất tăng lương với sếp, hãy chuẩn bị từ ba đến sáu tháng trước khi đánh giá hàng năm hoặc hàng quý. Trao đổi kỳ vọng với sếp của bạn, vạch ra những mục tiêu cần thiết và làm việc chăm chỉ để đạt được nó. Sethi cũng gợi ý bạn nên chuẩn bị một "hồ sơ" bằng chứng để hỗ trợ cho việc tăng lương và thực hiện đàm phán.
Ông cho rằng, việc tăng lương chứng minh giá trị đóng góp của bạn đối với công ty. Nếu công ty không mang lại tiềm năng phát triển thì có lẽ cũng đến lúc bạn suy nghĩ đến chuyện tìm kiếm công việc mới để có cơ hội tăng thu nhập.
Tiếp tục đầu tư
"Nếu e ngại đầu tư, sẽ rất khó để giàu lên", chuyên gia tài chính này nhận định.
Sethi nói: "Khi đang lo lắng về việc có thể mất tiền, tức là bạn đang mất tiền". Bạn không cần kiến thức chuyên môn về cổ phiếu hoặc thị trường đầu tư. Khi đã trả hết nợ và tiết kiệm cho các mục tiêu ngắn hạn, hãy đặt tiền vào các tài khoản môi giới.
Lập tài khoản tiết kiệm cho những mục tiêu cụ thể
Bên cạnh tiết kiệm thông thường, nên có các khoản phụ cho những mục đích chi trả cụ thể. Cho dù đó là tiết kiệm cho đám cưới, một kỳ nghỉ hay kế hoạch nuôi trẻ... thì việc tạo ra những tài khoản riêng biệt sẽ giúp bạn có thêm động lực và theo dõi tiến trình.
Tích cực trả các khoản nợ
Chuyên gia cũng nhắc đến một yếu tố quan trọng là cần có một kế hoạch trả nợ và thanh toán một cách tự động.
Nếu bạn có nhiều khoản vay hoặc nợ tín dụng lãi suất cao, hãy thử một trong hai cách: ưu tiên thanh toán các khoản nợ nhỏ giúp mang lại tâm lý nhẹ nhõm, tốt hơn, hoặc là thanh toán các khoản nợ với lãi suất cao trước.
Mấu chốt là đừng dành ra hơn 5 phút để quyết định. Chỉ cần chọn một phương pháp và thực hiện nó mà thôi.
Quỳnh Trang (Theo BI)
No comments