Những cổ phiếu lao dốc dù ngân hàng báo lãi 'khủng'
Cả VPBank, Techcombank, MB đều liên tục tăng trưởng, có lợi nhuận “khủng" nhưng giá cổ phiếu lại diễn biến ngược chiều.
Tính từ đầu năm đến nay, VN-Index tăng hơn 14% so với đầu năm 2019. Thống kê 18 mã ngân hàng cho thấy, vốn hoá nhóm cổ phiếu ngành này tăng khoảng 14%. Mã VCB của Vietcombank dẫn đầu về giá trị cũng như mức tăng của vốn hoá thị trường.
Thế nhưng, trong top 5 cổ phiếu ngân hàng có giá trị thị trường lớn nhất, duy nhất mã TCB của Techcombank có vốn hoá giảm so với đầu 2019 (giảm 15%). Nếu không nhờ vài phiên tăng liên tiếp gần đây, VPB của VPBank cũng chung số phận. Ngoài ra, còn một số cái tên khác giá trị thị trường giảm so với đầu năm như ACB (25%), STB (8%), SHB (12%).
Cổ phiếu TCB (đường màu hồng), VPB (màu xanh lá) giảm giá mạnh nhất trong Top 5 vốn hoá của ngành ngân hàng. Dữ liệu: VNDirect. |
Tuy là hai ngân hàng tư nhân có lợi nhuận "khủng" và liên tục tăng trưởng, cổ phiếu của TCB và VPB lại nằm trong nhóm giảm giá sâu nhất từ khi VN-Index chính thức vượt 1.200 điểm vào tháng 4/2018.
5 năm liên tiếp tăng trưởng, VPBank nằm trong nhóm ngân hàng tư nhân có lợi nhuận cao nhất. Riêng trong quý II/2019, lãi trước thuế hợp nhất là 2.560 tỷ đồng, tăng gần 46% so với cùng kỳ năm ngoái và là quý tăng trưởng lợi nhuận thứ ba liên tiếp. Thế nhưng, một năm trở lại đây, cổ phiếu VPB nằm trong xu hướng giảm giá. Thị giá hiện dưới 20.000 đồng một cổ phiếu, chưa bằng một nửa so với mức đỉnh năm 2018 và giảm 18% so với khi lên sàn (giá đã điều chỉnh).
Techcombank là ngân hàng tư nhân đầu tiên cán mốc lợi nhuận 4 chữ số 0 – với hơn 10.000 tỷ đồng trong 2018, tăng trưởng liên tục qua 5 năm. Mặc dù lợi nhuận tăng trưởng liên tiếp và chỉ đứng sau Vietcombank về lợi nhuận, cổ phiếu TCB của Techcombank lại lao dốc trên sàn chứng khoán. Hiện tại, cổ phiếu TCB được giao dịch xoay quanh mức 21.000 – 22.000 đồng một cổ phiếu, thấp hơn 37% so với mức giá khi lên sàn vào tháng 6 năm ngoái (đã được điều chỉnh).
Nhà đầu tư xem bảng giá chứng khoán trực tuyến. Ảnh: Anh Tú. |
Bên cạnh hai mã này, cổ phiếu MBB của MBBank (ngân hàng vốn hoá lớn thứ 6 và lợi nhuận tăng trưởng liên tục) cũng không tỷ lệ thuận với kết quả kinh doanh trong một năm trở lại đây. 6 tháng đầu năm, lãi trước thuế của MB đạt gần 4.875 tỷ đồng, tăng gần 27% so với cùng kỳ. Sự tăng trưởng trong nửa năm 2019 đã đưa MB từ vị trí thứ 5 về lợi nhuận năm 2018, đã đánh bật cả BIDV và VPBank để chen chân vào Top 4.
Thế nhưng, giá cổ phiếu MBB vẫn chưa làm hài lòng các cổ đông. Mức thấp nhất của MBB rơi vào 18.000 đồng vào đầu 2019. Tuy nhiên, sau đó, MBB đã hồi phục và được giao dịch ở mức 22.650 đồng một cổ phiếu (kết phiên 23/8), tương đương với mức giá cách đây một năm.
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE) cho rằng xu hướng của các mã này có thể là trong ngắn hạn. Mức giá của VPB, ông Khánh nhận định, đã tăng quá mạnh sau khi lên sàn, có thời điểm cao hơn cả những cổ phiếu hàng đầu. Trong năm 2018, VPBank đã chia cổ tức bằng cổ phiếu và cổ phiếu thưởng với tổng tỷ lệ phát hành gần 62% khiến vốn điều lệ tăng lên một cách nhanh chóng. Sau các đợt chia tách cổ phiếu và thị trường chứng khoán không thuận lợi, cổ phiếu VPB liên tục giảm sâu.
Với TCB, cổ phiếu ngành ngân hàng đắt nhất trong lịch sử của thị trường chứng khoán Việt Nam với mức giá niêm yết 128.000 đồng một cổ phiếu, ông Phan Dũng Khánh nhận định: "Hai năm trước khi lên sàn vào năm 2018, cổ phiếu của TCB chỉ có giá 10.000 đồng, thậm chí không ai mua. Hai năm sau, cổ phiếu TCB tăng 13 lần khi lên sàn thì có thần kỳ quá không? Giả sử tất cả lợi nhuận được ghi nhận hết vào năm 2017 (năm trước khi TCB lên sàn) thì cũng không thể tăng trưởng thần tốc trong vòng 2 năm như thế", ông Khánh đặt vấn đề.
Chuyên gia này nhắc đến một trường hợp tương tự là cổ phiếu YEG của Tập đoàn Yeah1, cũng chia thưởng, pha loãng tỷ lệ cổ phần sau khi lên sàn. Với những cổ phiếu khi lên sàn được định giá quá cao, bây giờ là quá trình điều chỉnh về mức giá thực sự, cộng thêm thị trường đang xấu và ngành ngân hàng không nhận được đánh giá tích cực trong tương lai.
Trước việc giá cổ phiếu ngược chiều với con số lợi nhuận công bố, trả lời báo chí, lãnh đạo Techcombank lý giải, cổ phiếu giao dịch trên thị trường là do cung cầu quyết định và ban lãnh đạo vẫn đang làm tốt nhất công việc của mình. Với mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng 20% mỗi năm, Techcombank vẫn có thể đứng ngang hàng với các nhà băng ở khu vực.
Báo cáo của công ty chứng khoán BVSC vào tháng 6 về cổ phiếu TCB cũng bày tỏ quan ngại khi tăng trưởng của ngân hàng vẫn đang xoay quanh chuỗi bất động sản với việc cho vay mua nhà, tư vấn phát hành trái phiếu. Khi thị trường bất động sản chững lại có thể khiến nhu cầu vay vốn không tăng trưởng mạnh, ảnh hưởng đến tín dụng của Techcombank.
Trong khi đó, CEO của Techcombank, ông Nguyễn Lê Quốc Anh khẳng định với nhà đầu tư trong cuộc gặp mặt cuối tháng 5, doanh thu lãi từ cho vay mua nhà chiếm chưa đến 15% tổng doanh thu của khối PFS (khối Ngân hàng và Tài chính cá nhân), và chiếm khoảng 7% doanh thu ngân hàng. Do đó, chính sách siết chặt tín dụng bất động sản nếu có sẽ không ảnh hưởng tới doanh thu chung của Techcombank.
Chuyên gia của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng nhận định, những doanh nghiệp/ngân hàng có kết quả kinh doanh tốt nhưng cổ phiếu diễn biến thiếu tích cực xưa nay cũng không phải ít. Kết quả kinh doanh phản ánh sức khoẻ của doanh nghiệp trong quá khứ, trong khi đó thị giá cổ phiếu phụ thuộc vào kỳ vọng của nhà đầu tư đối với cổ phiếu đó trong tương lai và cả những yếu tố khác tác động đến lĩnh vực hoạt động của họ.
Quỳnh Trang
No comments