Breaking News

Ví điện tử cá nhân có thể không được giao dịch quá 100 triệu đồng mỗi tháng

Theo quy định mới đang được Ngân hàng Nhà nước xin ý kiến, ví điện tử cá nhân không được giao dịch quá 20 triệu đồng mỗi ngày và 100 triệu đồng mỗi tháng.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39 hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán.

Theo nội dung đang lấy ý kiến, dự thảo Thông tư mới sẽ bổ sung một loạt yêu cầu mới về hoạt động cung ứng ví điện tử. Trong đó, những nội dung mới bao gồm việc chia loại hình ví điện tử cho cá nhân và tổ chức, quy định hạn mức, cách nạp tiền và bổ sung chức năng giám sát của Ngân hàng Nhà nước.

Mỗi khách hàng cá nhân giờ sẽ giới hạn hạn mức sử dụng ví điện tử dưới 100 triệu đồng mỗi tháng.

Mỗi khách hàng cá nhân có thể sẽ chịu giới hạn hạn mức sử dụng ví điện tử dưới 100 triệu đồng mỗi tháng.

Việc nạp tiền vào ví, theo dự thảo mới, phải thực hiện thông qua tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ của khách hàng. Trong đó, tổng hạn mức giao dịch của một ví điện tử của cá nhân tối đa là 20 triệu đồng trong một ngày và 100 triệu đồng trong một tháng. Tổng hạn mức giao dịch ví điện tử của tổ chức tối đa là 100 triệu đồng trong một ngày và 500 triệu đồng trong một tháng.

Trong phần giải trình, Ngân hàng Nhà nước cho biết dự thảo quy định hạn mức giao dịch đối với ví điện tử của cá nhân và tổ chức nhằm giảm thiểu rủi ro về lợi dụng ví điện tử để rửa tiền, thực hiện các hoạt động bất hợp pháp. "Việc quy định hạn mức để phù hợp với mục đích sử dụng dịch vụ ví điện tử là phục vụ thanh toán các giao dịch nhỏ, lẻ", cơ quan ban hành cho biết.

Đối với ví điện tử cho cá nhân, thông tin yêu cầu sẽ bao gồm: họ và tên; ngày, tháng, năm sinh, quốc tịch; số điện thoại (là số điện thoại khách hàng đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử cho tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ liên kết với ví điện tử tại ngân hàng); số căn cước công dân hoặc số chứng minh nhân dân hoặc số hộ chiếu còn thời hạn.

Đối với ví điện tử dành cho tổ chức, thông tin mở ví sẽ yêu cầu cung cấp một trong các giấy tờ chứng minh việc tổ chức mở ví được thành lập và hoạt động hợp pháp, các giấy tờ chứng minh tư cách của người đại diện hợp pháp kèm theo căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn của người đó.

Để xác thực khách hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử được yêu cầu có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu, đảm bảo hồ sơ mở của khách hàng đã đầy đủ, hợp pháp; có biện pháp xác định khách hàng là người sử dụng số điện thoại đăng ký mở ví điện tử và một nội dung mới là yêu cầu khách hàng hoàn thành việc liên kết ví điện tử với tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ trước khi kích hoạt ví điện tử để sử dụng.

Các hoạt động giao dịch của ví điện tử cũng được quy định, gồm: chuyển tiền cho ví điện tử khác cùng tổ chức cung ứng dịch vụ; thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp; rút tiền về tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ của khách hàng đã liên kết với ví điện tử. Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu tổ chức cung ứng dịch vụ phải áp dụng các biện pháp phù hợp để xác thực các giao dịch của ví.

Dự thảo mới cũng quy định, tổ chức cung ứng dịch vụ không được phép phát hành hơn một ví điện tử cho một khách hàng. Theo cơ quan ban hành, điều này nhằm tránh lãnh phí, ngăn ngừa tình trạng khách hàng đăng ký mở ví điện tử tràn lan, dẫn đến việc sử dụng không thực chất hoặc hành vi lợi dụng để thực hiện rửa tiền, bất hợp pháp. 

Các tổ chức cung ứng dịch vụ cũng không được cấp tín dụng cho khách hàng sử dụng ví, trả lãi trên số dư hoặc bất kỳ hành động nào có thể làm tăng giá trị tiền tệ trên.

Trong nội dung giám sát, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tổ chức cung ứng dịch vụ phải có công cụ để cơ quan điều hành giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ ví điện tử. Công cụ giám sát phải đảm bảo cho phép giám sát tổng số ví, tổng số dư ví của tất cả khách hàng vào đầu ngày giao dịch và tại thời điểm truy cập. Cho phép Ngân hàng Nhà nước giám sát thông tin tài khoản đảm bảo thanh toán mở tại các ngân hàng, bao gồm số hiệu tài khoản, số dư đầu ngày giao dịch và số dư vào cuối ngày giao dịch.

Đối với báo cáo hàng tháng, ngoài nội dung nêu trên, tổ chức cung ứng dịch vụ phải báo cáo danh sách 100 ví có số lượng giao dịch nhiều nhất và 100 ví điện tử có giá trị giao dịch cao nhất.

Minh Sơn

No comments

Phan Mem Bao Mat Windows / Thoi Trang Nam / Bat Dong San Sai Gon / Dung Cu Cat