Shophouse Sài Gòn có thiết kế thang máy giá triệu USD hút khách
Shophouse 23-25 tỷ đồng, mặt tiền 10 m, có quy hoạch lắp thang máy tại một dự án ven sông Sài Gòn được các đại gia săn lùng.
Đây là loại shophouse hoàn thiện mặt ngoài, bên trong có thiết kế kỹ thuật (hệ móng, cột chịu lực) để khách hàng tự lắp thêm thang máy, nằm trong khu đô thị ở cửa ngõ phía Đông Bắc Sài Gòn, quận Thủ Đức. Các sản phẩm được bán nhỏ giọt giữa một rừng đất nền, nhà phố được tiếp thị trên thị trường nên dù giá đắt đỏ vẫn thu hút khách hàng quan tâm, đặt mua.
Đặc điểm đầu tiên của các căn shophouse triệu USD này là diện tích sử dụng cực lớn, lên đến 700 m2 sàn. Mặt tiền mở rộng 7-10m, tức chiều ngang lớn hơn gấp 2-3 lần so với nhà phố dạng ống truyền thống có mặt tiền 3-4 m. Với số tầng khá cao, từ 5 đến 6 lầu (kể cả tầng trệt), mỗi sản phẩm được quy hoạch bố trí các tiêu chuẩn kỹ thuật ngay từ khi thi công móng cột để lắp ráp, vận hành thang máy.
Mục đích của thiết kế dành cho thang máy nhằm tích hợp công năng sử dụng vừa ở vừa kinh doanh từng tầng hoặc toàn bộ diện tích các sàn. Hầu như 100% khách mua đều có nhu cầu lắp thang để tiện cho việc kinh doanh hoặc khai thác cho thuê. Các căn shophouse này được đơn vị bán hàng gắn mác hạng sang và "câu" được nhiều khách hàng là doanh nghiệp.
Theo tiết lộ của đơn vị bán hàng, dòng sản phẩm shophouse triệu đô có thiết kế chỗ lắp thang máy này chỉ chiếm không quá 10% trên tổng rổ hàng toàn khu đô thị quy mô gần 200 hecta. Do rổ hàng ít nên chủ đầu tư chỉ mở bán số lượng hạn chế.
Trung bình mỗi đợt bung hàng, cả dự án này chỉ tung ra 20-30 căn shophouse hạng sang. Tỷ lệ hấp thụ trong tháng đầu tiên mở bán đạt trên 90% và bán hết trong vài tháng đưa ra thị trường. Khách mua tài sản này gồm khách lẻ (cá nhân) có tiềm lực tài chính hoặc doanh nghiệp (tổ chức) có nhu cầu đặt văn phòng hoặc mở trụ sở ở trục giao thông kết nối giữa quận Thủ Đức với Bình Dương.
Dòng sản phẩm shophouse triệu USD tại TP HCM. Ảnh: H.T |
Tổng giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ Bất động sản Eximrs, Trần Thị Cẩm Tú cho biết dòng sản phẩm shophouse có gợi ý thiết kế kỹ thuật để vận hành thang máy ngay từ khâu quy hoạch ban đầu, là dòng sản phẩm khá mới. Đây là loại tài sản gắn liền với đất, sở hữu lâu dài, thường tọa lạc tại các trục đường huyết mạch dẫn vào dự án đang rất hút khách trong vài năm gần đây.
Bà Tú giải thích, nguyên nhân dẫn đến sức hút của loại tài sản này là đánh trúng vào sở thích sở hữu bất động liền thổ tích hợp công năng để ở lẫn kinh doanh. Với gợi ý thiết kế thêm thang máy có thể cho thuê riêng rẽ từng tầng là một ý tưởng sáng tạo. Ngoại trừ việc giá bán quá cao, phải chôn vốn lớn, các ưu điểm của kênh đầu tư shophouse này gồm có: tích lũy tài sản giá trị, chống trượt giá, có đặc tính thương mại cao, có khả năng tăng giá theo thời gian và thể hiện đẳng cấp.
Chuyên gia này đánh giá, những shophouse hạng sang mặt tiền lớn, nhiều tầng, có bố trí nơi trang bị thang máy, giá cả triệu USD thường lọt vào tầm ngắm của 2 nhóm khách mua tiềm năng. Nhóm thứ nhất là khách hàng cá nhân có tiềm lực tài chính rất mạnh muốn thể hiện đẳng cấp sở hữu mặt hàng số lượng hạn chế. Thứ hai là khách hàng tổ chức là những doanh nghiệp có nhu cầu đặt trụ sở, mở văn phòng, chi nhánh hoạt động tại TP HCM.
Đối với nhóm khách hàng cá nhân có tài chính mạnh thuộc tầng lớp thượng lưu (người giàu và siêu giàu) trong xã hội, họ có thể mua shophouse triệu đô mà không quá quan tâm đến giá cả.
Đối với nhóm khách hàng tổ chức, là các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, họ có lợi thế dòng tiền từ hoạt động doanh thu của công ty và hạn mức vay cũng như đàm phán lãi vay tốt hơn khách hàng cá nhân. Các khách hàng tổ chức này có thể mua shophouse làm tài sản của doanh nghiệp đồng thời khai thác mặt bằng để kinh doanh (làm văn phòng, trụ sở, địa điểm giao dịch...).
Nếu xét về bài toán hiệu quả dòng tiền, công ty mua shophouse để sử dụng hiệu quả hơn là đi thuê văn phòng hoặc mặt bằng lẻ diện tích chật hẹp vì có thể treo bảng thương hiệu lớn ở mặt tiền và có nhiều không gian làm việc cho nhân viên, giao thương với đối tác. Trong trường hợp đi thuê dòng tiền sẽ mất đi nhưng nếu mua shophouse để tự khai thác thì dòng tiền này được tích lũy thành tài sản. Trên thực tế, dòng sản phẩm này là nhà gắn liền với đất, sở hữu lâu dài, cũng được ngân hàng định giá tốt nếu doanh nghiệp có nhu cầu dùng đòn bẩy tài chính hơn là những sản phẩm shophouse tầng trệt các căn chung cư.
CEO Bất động sản Eximrs phân tích, các nhà phố mặt tiền dạng ống truyền thống theo quy hoạch cũ trước đây có bề ngang khá hẹp, khiến cho không gian kinh doanh bị gò bó, giới hạn. Mặc dù hiện nay mức giá các căn shophouse được lắp thang máy lên đến triệu đô có vẻ khá đắt đỏ, nhưng xét trong dài hạn, kênh đầu tư tài sản này vẫn còn nhiều tiềm năng khai thác và phát triển trong thời gian tới. Đặc biệt giá trị sử dụng của shophouse tích hợp nhiều công năng (khi bổ sung thang máy) chắc chắn sẽ tăng dần đều khi khu dân cư lấp đầy, tốc độ đô thị hóa tại TP HCM ngày càng mạnh mẽ.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng thừa nhận, mặt hạn chế rất lớn hiện nay của shophouse triệu đô là khả năng khai thác cho thuê đang đứng trước thách thức lớn. Nếu chỉ thuần túy là đầu tư để cho thuê, khá nhiều trường hợp shophouse có hiệu suất sinh lời từ việc cho thuê kém hơn cả lãi suất ngân hàng, chỉ đạt 1,5 - 2%. Hiệu suất cho thuê phổ biến của shophouse liền thổ chỉ ở mức thường thường bậc trung 3 - 4%. Như vậy, hiệu quả đầu tư trong ngắn hạn của loại bất động sản đắt đỏ này cách rất xa ngưỡng kỳ vọng 8 - 12% do khu dân cư vẫn chưa bước vào giai đoạn lấp đầy hoặc dự án chưa phát triển hoàn chỉnh.
Vũ Lê
No comments