Breaking News

Nguyên Phó thủ tướng Đức: 'Về Việt Nam là bước tiến trong sự nghiệp của tôi'

Ông Philipp Roesle cho rằng kinh nghiệm và mối quan hệ trước đây là hành trang được chuẩn bị sẵn để ông về Việt Nam làm việc.

Một tháng sau khi đảm nhận chức Chủ tịch Hội đồng cố vấn Quỹ đầu tư mạo hiểm Vinacapital Ventures, ông Philipp Roesle (nguyên Phó thủ tướng Đức giai đoạn 2011-2013) lần đầu chia sẻ với báo chí Việt Nam về quyết định trở về.

- Vì sao ông không theo đuổi tiếp sự nghiệp chính trị và chọn thời điểm này để trở về Việt Nam?

- Lý do đầu tiên và cũng rất dễ giải thích là các chính trị gia khác cho rằng vị trí của tôi cần được thay thế bởi một người khác nên họ bỏ phiếu thông qua. Điều đó đúng và tôi chấp nhận như một phần của số phận.

Đó cũng là lý do tôi đảm nhận những vị trí tiếp theo như tham vấn cho quỹ đầu tư Founder’s Fund, cố vấn Hiệp hội khởi nghiệp Đức, thành viên ban chỉ đạo Digital Switzerland Initiative - dự án thúc đẩy Thuỵ Sĩ trở thành trung tâm sáng tạo số hoá...

Tôi biết ông Don Lam (Tổng giám đốc VinaCapital - PV) khi còn làm việc tại Diễn đàn Kinh tế thế giới cách đây 5 năm. Trước khi ngỏ lời mời, anh ấy giới thiệu tôi với nhiều bạn trẻ đang khởi nghiệp. Tôi cảm nhận được sự đam mê và máu lửa của các bạn nên đồng ý về Việt Nam để cống hiến và mang lại nhiều giá trị hơn cho cộng đồng.

Ông Philipp Roesle.

Ông Philipp Roesle.

- Việc từng là một chính trị gia người Đức gốc Việt có ý nghĩa như thế nào với sự nghiệp kinh doanh sau này của ông?

- Điều đầu tiên và có thể khá hữu ích lúc ban đầu là mọi người dễ nhận ra tôi vì lý lịch khác biệt. Nhưng sau đó, trong công việc hằng ngày, nó không quá hữu ích khi bạn vẫn phải tự đưa ra quyết định của mình.

Tôi xem việc từng là chính trị gia "con lai" như một món quà thể hiện sự khoan dung của xã hội khi bất cứ ai, không phân biệt chủng tộc, màu da... cũng có thể bước vào ngưỡng cửa cao nhất của giới chính trị. Đến bây giờ thì đó như một đặc quyền bởi nó cho tôi làm được nhiều thứ cho đất nước của mình lẫn đất nước mình sinh ra.

- Từng là Phó thủ tướng Đức, nay trở về quê hương tham gia phong trào khởi nghiệp với tư cách chủ tịch quỹ đầu tư mạo hiểm. Ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng đây là bước lùi trong sự nghiệp?

Ông Philipp Roesle sinh năm 1973 tại Sóc Trăng, sau đó được gia đình một quân nhân người Đức nhận nuôi từ khi 9 tháng tuổi. Ông tốt nghiệp Tiến sĩ của trường y Hanover, chuyên ngành giải phẫu tim mạch và lồng ngực.

Ông Philipp Roesle trở thành chủ tịch trẻ nhất trong lịch sử Đảng Tự do Dân chủ (FDP) khi nhậm chức vào tháng 5/2011. Ông đồng thời giữ chức Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Công nghệ trong chính phủ của bà Angela Merkel từ đó cho đến tháng 12/2013.

- Không, đây thực sự là một bước tiến của tôi. Những kinh nghiệm và mối quan hệ trước đây như định mệnh được sắp xếp sẵn, tạo hành trang cho tôi hôm nay trở về.

Nền kinh tế Việt Nam đang phát triển nhưng có nhiều điểm tương đồng với Đức, điển hình như cả hai tiến lên không phải nhờ khai thác tận diệt tài nguyên mà nhờ biết cách sử dụng bộ não thông minh và sáng tạo.

- Khác biệt lớn nhất giữa lãnh đạo một đất nước và lãnh đạo một doanh nghiệp là gì, thưa ông?

- Lãnh đạo một đất nước là bạn phải chiến đấu để đạt được sự đồng thuận giữa các bên vì không một ai, kể cả Thủ tướng, có thể tự quyết theo ý mình. Trong khi nếu bạn đứng đầu một công ty, bạn có thể toàn quyền quyết định.

Tuy nhiên, thực ra có nhiều sự giống nhau hơn giữa hai công việc này bởi chúng đều cần tinh thần tập thể và người lãnh đạo phải hiểu vấn đề xuất phát từ đâu.

- Ông đặt mục tiêu gì khi trở về Việt Nam và gia nhập VinaCapital? 

- Hai mục tiêu chính của tôi là mang nhiều nhất có thể nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam và ngược lại, đưa nhiều nhất có thể doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài.

- Ông có nguyên tắc hay chú trọng vấn đề nào trước khi rót vốn cho một doanh nghiệp khởi nghiệp?

- Vai trò của tôi trong VinaCapital Ventures không phải là chọn ai để đầu tư. Tuy nhiên, quan điểm của tôi và các thành viên trong quỹ đều thống nhất rằng mô hình kinh doanh không phải thứ quan trọng hàng đầu. Chúng tôi quan tâm nhiều hơn đến đội ngũ và tầm nhìn của người lãnh đạo doanh nghiệp.

- Ông nghĩ sao về kế hoạch học tiếng Việt để phục vụ cho công việc tại Việt Nam?

- Thật không may là tôi luôn không giỏi ở trường học, đặc biệt trong khoản ngôn ngữ. Tôi có ưu thế ở những môn thiên về khoa học hơn là diễn dịch. Tôi không hứa chắc chắn bất cứ điều gì dù biết rằng đồng nhất ngôn ngữ có thể làm được nhiều việc hơn. 

Phương Đông (ghi)

No comments

Phan Mem Bao Mat Windows / Thoi Trang Nam / Bat Dong San Sai Gon / Dung Cu Cat