Ngành tài chính toàn cầu chi hàng tỷ USD khai thác lợi ích của blockchain
Năm nay, các ngành ngân hàng, đầu tư, chứng khoán, bảo hiểm chi 1,1 tỷ USD cho ứng dụng chuỗi khối.
VnExpress đang tổ chức khóa học "Blockchain - nền tảng tỷ đô" trên ewiki.vnexpress.net. Mục đích khóa học nhằm cung cấp kiến thức, thông tin và mô hình ứng dụng blockchain vào các lĩnh vực, trong đó có tài chính - ngân hàng.
Theo báo cáo của Công ty Dữ liệu Quốc tế IDC, tài chính là lĩnh vực hưởng lợi lớn nhất từ blockchain, đồng thời đây cũng là ngành chi tiêu mạnh tay nhất nhằm ứng dụng nền tảng mới vào hoạt động của tổ chức.
Năm nay dự báo tổng vốn đầu tư của các lĩnh vực cho ứng dụng blockchain lên đến 2,9 tỷ USD, tăng 88,7% so với năm 2018. Trong đó, mảng tài chính, gồm ngân hàng, đầu tư, chứng khoán và bảo hiểm chi mạnh tay nhất cho công nghệ này với 1,1 tỷ USD. Kế đến là lĩnh vực chính phủ điện tử, y tế, bất động sản...
Trong ba năm tới, mức tăng chi trung bình cho nền tảng này dự kiến đạt 76% mỗi năm. Đến năm 2022, tổng vốn đầu tư cho blockchain trên toàn cầu dự kiến 12,4 tỷ USD.
Một trong những ngân hàng lớn nhất nước Mỹ, JP Morgan Chase mới đây công bố kế hoạch phát hành tiền điện tử JPM Coin. Đồng tiền này được coi như một đơn vị tính toán hỗ trợ lưu trữ và bảo mật thông tin giao dịch của khối khách hàng doanh nghiệp trên toàn cầu. Nếu thành công thì đây là ngân hàng đầu tiên hợp thức hóa đồng tiền từng được coi là chỉ có giá trị ảo.
Thêm vào đó, tổ chức thanh toán quốc tế PayPal vừa tuyên bố rót tiền vào startup Cambridge Blockchain để xây dựng một cuốn sổ cái điện tử lưu trữ, bảo mật toàn bộ khối cơ sở dữ liệu khổng lồ của PayPal bằng blockchain.
Một tổ chức công nghệ tài chính (Fintech) khác là Kviku cũng đang đầu tư đưa blockchain vào kiểm soát các giao dịch cho vay ngang hàng (P2P lending) trên Internet. Đơn vị này đang xem xét sử dụng blockchain làm nền tảng cho các hợp đồng thông minh (Smart Contract) trong giao dịch trực tuyến.
Còn theo một khảo sát của KPMG, hầu hết các nhà lãnh đạo doanh nghiệp công nghệ tin rằng blockchain sẽ thay đổi cách thức vận hành của tổ chức. Trong đó có hơn 40% số người được hỏi trả lời rằng họ chắc chắn sẽ đầu tư khai thác nền tảng này trong vòng ba năm tới.
Dưới đây là một số lợi ích của ứng dụng blockchain trong lĩnh vực tài chính.
Giao dịch tức thời
Hiện hoạt động thanh toán giữa các tổ chức tài chính không cùng lãnh thổ quốc gia thường mất đến cả tuần. Với blockchain, lệnh chuyển tiền có thể thực hiện chỉ trong vòng vài giây hoặc vài phút kể cả trong các giao dịch xuyên biên giới.
Nền tảng này còn có thể tối ưu hóa hoạt động lưu trữ thông tin người gửi, người nhận, ngày giờ, địa điểm và số tiền giao dịch. Tất cả dữ liệu đều được mã hóa dưới dạng chuỗi khối thông tin và ghi vào chuỗi một cách nhanh chóng, giúp giảm các công việc trung gian, giảm lượng nhân viên xử lý dữ liệu hàng ngày.
Tăng tính minh bạch
Mỗi thông tin cập nhật vào chuỗi khối đều được mã hóa và lưu trữ toàn bộ trên tất cả các thiết bị kết nối trong mạng lưới chuỗi chứ không tập trung về một hệ cơ sở dữ liệu như hiện tại. Do đó không có thiết bị nào có quyền thay đổi, chỉnh sửa hay xóa bỏ dữ liệu đã được cập nhật vào chuỗi nếu chưa được toàn bộ hệ thống chấp nhận.
Điều này giúp blockchain có ưu thế tuyệt đối về bảo mật và minh bạch dữ liệu mà hiện chưa có nền tảng nào thay thế. Tính năng ưu việt này được đánh giá là tối quan trọng trong lĩnh vực nhạy cảm về dữ liệu như tài chính.
Giảm rủi ro trong giao dịch
Khả năng số hóa dữ liệu tức thì của blockchain giúp tiết giảm số người tham gia vào quy trình, từ đó giảm thiểu những rủi ro đến từ con người. Đồng thời, khi dữ liệu đã được cập nhật vào hệ thống thì không thể xóa bỏ hay chỉnh sửa. Bất kỳ thiết bị nào cố ý thao túng dữ liệu đều sẽ bị vô hiệu hóa ngay khi đồng bộ với các thiết bị khác trong mạng lưới.
Tối ưu hóa quản lý vốn
Cũng nhờ khả năng ghi nhận thông tin tức thời, blockchain giúp các tổ chức tài chính giảm thiểu chi phí vận hành và các loại phí giao dịch. Điều này góp phần tối ưu hóa công tác quản lý vốn của các ngân hàng.
Khi các ngân hàng cùng sử dụng chung một nền tảng blockchain, đây sẽ là cơ hội giúp mỗi thành viên trong nền tảng giảm chi phí đầu tư ban đầu, hướng tới lợi ích lâu dài.
Tạo lập hợp đồng thông minh
Hợp đồng thông minh (Smart Contract) là một trong những ứng dụng phổ biến nhất của blockchain hiện tại dựa vào ưu thế định danh của blockchain. Theo đó mỗi cá nhân, tổ chức khi tham gia giao dịch trên blockchain đều đi kèm một căn cước số - một đoạn ký tự mã hóa "có một không hai". Mọi giao dịch thực hiện dưới căn cước này đều được ghi lại trên hệ thống, không thể thay đổi hay xóa bỏ.
Điều này hỗ trợ cho việc tạo lập hợp đồng thông minh trực tuyến trở nên minh bạch, nhanh chóng và đáng tin cậy hơn. Đây cũng được coi là ứng dụng khả thi nhất của blockchain, đặc biệt trong mảng thanh toán, giao dịch trực tuyến.
Khánh Anh
Khóa học trực tuyến "Blockchain - nền tảng tỷ đô" gồm 12 bài giảng qua video và một tài liệu tổng hợp cuối khóa. Mỗi video kéo dài khoảng 5-10 phút, cập nhật những thông tin, kiến thức mới nhất về blockchain, các ứng dụng trên thực tế và cách thức vận dụng phù hợp nền tảng này vào hoạt động của doanh nghiệp. Ngoài ra, khóa học cũng cung cấp kiến thức chuyên sâu về ba nền tảng tiền mã hóa phổ biến nhất hiện nay, gồm bitcoin (BTC), ethereum (ETH) và cardano (ADA).
Dẫn dắt khóa học là ông Cris D. Trần - Giám đốc quốc gia của công ty tư vấn, cung cấp giải pháp blockchain Infinity Blockchain Ventures (IBV). Đăng ký khóa học tại đây.
No comments