Breaking News

Giày Sài Gòn lao đao với khoản lỗ hơn 70 tỷ đồng

Giày Sài Gòn nhiều năm liền ngừng sản xuất, chuyển sang cho thuê mặt bằng trống để trang trải chi phí và duy trì hoạt động.

Báo cáo tài chính năm 2018 của Công ty cổ phần Giày Sài Gòn (gọi tắt là Giày Sài Gòn) ghi nhận doanh thu hơn 6 tỷ đồng và lỗ sau thuế hơn 800 triệu. Đây là năm thứ sáu liên tiếp công ty kinh doanh không có lãi, khiến luỹ kế lỗ chưa phân phối tăng lên 70 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm 30 tỷ đồng.

Tình hình tài chính bết bát là một trong những lý do phía kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của Giày Sài Gòn, bên cạnh việc doanh nghiệp này đã ngừng sản xuất để tái cơ cấu.

Giải trình vấn đề này, ban lãnh đạo Giày Sài Gòn cho rằng hoạt động kinh doanh sẽ phát triển bình thường bởi các kế hoạch đề ra đều khả thi. Cụ thể, doanh nghiệp này đã tăng vốn điều lệ và bổ sung ngành nghề kinh doanh bất động sản cho hãng xe Thành Bưởi và một số đối tác khác thuê mặt bằng và tài sản gắn liền với đất.

"Giày Sài Gòn tiếp tục liên hệ với cơ quan chức năng thực hiện thủ tục gia hạn đất và điều chỉnh quy hoạch, nhưng quá trình này đòi hỏi có nhiều thời gian. Công ty sẵn sàng đầu tư vốn để kinh doanh bất kỳ hình thức nào theo quy hoạch sử dụng đất của Nhà nước", báo cáo tài chính của doanh nghiệp này viết.

Trước đó, Giày Sài Gòn đã kiến nghị UBND TP HCM chuyển đổi mục đích khu đất 419 Lê Hồng Phong, quận 10 (hiện là trụ sở công ty) từ đất công nghiệp sạch sang thương mại dịch vụ và hình thức thuê đất từ tiền hằng năm sang trả tiền một lần cho thời hạn 50 năm. Nếu được phê duyệt, công ty sẽ rót khoảng 1.000 tỷ đồng để xây dựng công trình thương mại dịch vụ hỗn hợp tại đây.

Mặt bằng nhà xưởng được Giày Sài Gòn cho hãng xe Thành Bưởi thuê làm nơi giao nhận hàng hoá. Ảnh: Phương Đông.

Mặt bằng nhà xưởng được Giày Sài Gòn cho hãng xe Thành Bưởi thuê làm nơi giao nhận hàng hoá. Ảnh: Phương Đông.

Khu đất gần 11.000 m2 này được Nhà nước cho Giày Sài Gòn thuê với giá "ưu đãi" 100.000 đồng mỗi m2 trong suốt nhiều năm. Cuối năm 2016, Quận 10 có văn bản xác định việc doanh nghiệp này lấy một phần đất nhà nước cho Công ty TNHH Thành Bưởi thuê làm bãi đỗ xe và đón trả khách là vi phạm quy hoạch sử dụng đất; đồng thời yêu cầu cả hai doanh nghiệp chấm dứt hoạt động kinh doanh trái phép.

Tiếp đó vào tháng 5/2017, UBND TP HCM tiếp tục có văn bản yêu cầu công ty chấm dứt hành vi sử dụng sai mục đích, nếu tiếp tục sẽ bị thu hồi và nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch phục vụ nhu cầu phúc lợi tại địa phương. Cục Thuế TP HCM cũng yêu cầu kê biên danh mục tài sản để thi hành quyết định cưỡng chế thuế đối với khoản nợ hơn 12 tỷ đồng tiền thuê đất quá hạn. Doanh nghiệp này lập tức lách luật bằng cách thay đổi hợp đồng cho thuê đất thành "hợp đồng hợp tác kinh doanh".

Giày Sài Gòn được thành lập trên cơ sở cổ phần hóa doanh nghiệp cùng tên vào năm 2004. Công ty bắt đầu rơi vào vòng xoáy khó khăn từ khi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thoái toàn bộ vốn vào năm 2015, dẫn đến hàng loạt hệ quả như người lao động bức xúc, cơ quan thuế cưỡng chế, khách hàng khởi kiện ra tòa...

Tình hình tài chính không lành mạnh nên nhiều ngân hàng cũng từ chối tài trợ tín dụng. Tại đại hội cổ đông năm ngoái, doanh nghiệp này đề nghị cổ đông ủy quyền cho Chủ tịch HĐQT đàm phán với các tổ chức và cá nhân để vay hoặc mượn 10 tỷ đồng nhằm ứng cứu tài chính khẩn cấp. 

Phương Đông

No comments

Phan Mem Bao Mat Windows / Thoi Trang Nam / Bat Dong San Sai Gon / Dung Cu Cat