Dấu hiệu bạn đang có sếp tệ
Sếp hứa hẹn quá nhiều, luôn gọi nhân viên trong ngày nghỉ phép hay tâm trạng thất thường không có lợi cho sự nghiệp của bạn.
1. Sếp bạn không bao giờ nhận sai
Học cách thừa nhận mình sai là một trong những điều tốt nhất bạn có thể làm cho đồng nghiệp. Nếu sếp từ chối thừa nhận họ sai, điều này có nghĩa họ không muốn bước ra khỏi vùng an toàn của mình vì bạn. Nhận sai sẽ gửi thông điệp đến nhân viên rằng đây là môi trường an toàn để liều lĩnh một cách thông minh. Nếu không làm được điều này, sự sáng tạo trong công ty sẽ đi xuống.
2. Sếp bạn hứa quá nhiều
Sếp hứa hẹn quá nhiều là người không đáng tin tưởng. Bạn có thể được cam kết sẽ thăng chức, tăng lương, tăng quyền hạn, nhưng sau đó tất cả những gì bạn nhận được chỉ là sự im lặng. Bạn có thể hỏi lại việc này qua email, nhưng nếu không nhận được câu trả lời, hoặc trả lời không qua email, hãy thận trọng.
3. Sếp muốn bạn giống họ
Hầu hết mọi người thích người giống mình. Tuy nhiên, một lãnh đạo tốt là người hiểu rằng những cá tính khác nhau có thể giúp nhóm mình mạnh lên. Nếu sếp của bạn thường xuyên áp ý kiến cá nhân vào mọi việc bạn làm, cứ thử nghe theo vài gợi ý của họ. Hãy giữ suy nghĩ riêng biệt của bạn, nhưng cũng nên cho sếp thấy bạn đánh giá cao gợi ý của sếp.
4. Sếp thường gọi bạn trong ngày nghỉ phép
Bạn đã được chấp thuận nghỉ phép, nhưng sếp vẫn không ngần ngại gọi cho bạn vào lúc đó. Để giải quyết việc này, hãy tạo ranh giới từ sớm. Trước khi đi, hãy đánh tiếng một chút về việc bạn không muốn bị làm phiền, đồng thời cho họ biết rằng công việc vẫn trong tầm kiểm soát, với số liệu cụ thể.
5. Sếp bạn thiên vị
Việc này sẽ khiến sếp khó nhận ra kỹ năng và giá trị của bạn với công ty. Họ cũng sẽ khó đối xử công bằng với bạn.
6. Sếp luôn giành công
Họ là những người luôn nói "Tôi" khi đề cập đến thành tựu nào đó. Họ cũng chẳng mời bạn đến các buổi họp để trình bày về chính tác phẩm của bạn. Nói cách khác, họ cố tình loại bạn ra khỏi sân khấu để họ được ở đó. Cách tốt nhất để giải quyết việc này là tạo dựng mối quan hệ tốt với sếp và tìm ra nguyên nhân thực sự của vấn đề.
7. Sếp thích buôn chuyện
Việc sếp thích đồn thổi và buôn chuyện về nhân viên là khá kỳ quặc và kém chuyên nghiệp. Cách ứng xử tốt nhất khi bạn được người khác hỏi về những tin đồn này là đánh trống lảng và hướng câu chuyện quay về công việc.
8. Sếp hay thay đổi quyết định
Buổi sáng, họ bảo bạn làm một chuyện. Sau bữa trưa, nó lại thành chuyện khác. Hãy chọn hướng có lợi cho bạn nhất và làm theo, bỏ thói quen phụ thuộc đi. Bạn chỉ cần thông báo với sếp về ý định của mình. Nếu họ cảm thấy quyết định đó có vấn đề, họ sẽ bàn bạc lại với bạn.
9. Sếp tâm trạng thất thường
Dĩ nhiên không ai có thể duy trì một trạng thái mọi lúc mọi nơi. Tuy nhiên, sếp tệ có thể rất nhẹ nhàng vào buổi sáng, nhưng chỉ một giờ sau đã cực kỳ khó tính, tùy vào sự việc xảy ra hôm đó. Cách giải quyết ở đây là giúp họ bình ổn tâm trạng bằng lý lẽ logic. Ví dụ: "Chúng ta vẫn còn đến hôm sau để hoàn thành mà, chừng đó là quá đủ rồi".
10. Sếp dễ nổi cáu
Các chuyên gia đào tạo cho biết lãnh đạo làm việc hiệu quả nhất là những người có cảm xúc ổn định. Nếu sếp của bạn thường xuyên mất bình tĩnh, hãy xem xét lại công việc của mình. Còn nếu họ chỉ thỉnh thoảng cáu giận, bạn vẫn có thể giải quyết được bằng nhiều cách, như tạo quan hệ tốt với sếp, dự báo trước khi nào sắp có vấn đề hay pha trò.
Hà Thu (theo BI)
No comments