Breaking News

Công bố thông tin để 'đẹp cho mình' thay vì quyền lợi nhà đầu tư

Được ủy thác tài sản nhưng nhiều doanh nghiệp Việt chỉ quan tâm báo cáo làm sao "đẹp cho mình" chứ không nghĩ tới nhà đầu tư.

Tại sự kiện NDH Talk sáng nay (4/4), ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước, cho rằng các quy định công bố thông tin của Việt Nam thuộc nhóm chặt chẽ so với thế giới nhưng việc thực thi lại gặp nhiều vấn đề.

Theo thông lệ quốc tế, doanh nghiệp chỉ cần công bố thông tin hàng quý và báo cáo kiểm toán hàng năm. Nhưng ở Việt Nam, ngoài công bố thông tin định kỳ, thông tin bất thường chặt chẽ hơn, doanh nghiệp cũng phải công bố báo cáo soát xét hai lần trong năm. Bên cạnh đó, hệ thống quản lý doanh nghiệp ở quốc tế chủ yếu được thực hiện theo bộ thông lệ, còn ở Việt Nam đã đưa vào quy định, cụ thể là Nghị định 71, và tới đây sẽ đưa vào trong luật.

Các diễn giả chia sẻ về thực trạng công bố thông tin của doanh nghiệp. Ảnh: Liên Hương.

Các diễn giả chia sẻ về thực trạng công bố thông tin của doanh nghiệp. Ảnh: Liên Hương.

Nhưng số lượng vi phạm về công bố thông tin vẫn còn cao. Theo người đứng đầu Ủy ban chứng khoán, cơ quan quản lý đã ban hành gần 400 quyết định xử phạt trong năm 2018 với hơn 50% là vi phạm công bố thông tin. Xếp loại chất lượng quản trị công ty cũng có vấn đề khi so sánh giữa ASEAN hay ASEAN 6 thì quản trị các công ty của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất.

Trước thực trạng quy định chặt chẽ nhưng thực thi có vấn đề, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán SSI đặt vấn đề: ""Phải chăng ngày xưa tốt và bây giờ không còn tốt".

Về vấn đề này, ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc CMA Australia cho rằng hiện nay trên thị trường còn nhiều bất cập, từ việc công bố, chất lượng thông tin cho đến chính bản thân hệ thống chuẩn mực kế toán. Chỉ cần xét riêng về tiêu chí chuẩn mực kế toán, Việt Nam cũng là 1 trong 12 quốc gia đang đi con đường riêng, không theo chuẩn mực quốc tế. Và chính điều này cũng tạo "room" cho doanh nghiệp có thể công bố thông tin theo định hướng nào đó.

"Thị trường chứng khoán Mỹ hàng năm có trung bình 300 trường hợp bị Uỷ ban Chứng khoán yêu cầu phải trình bày lại báo cáo tài chính. Ở Việt Nam thì chưa có trường hợp nào như vậy vì rất khó để cơ quan quản lý giám sát chất lượng công bố", ông Long chia sẻ.

Dưới góc độ là công ty kiểm tra chất lượng số liệu trong báo cáo tài chính của doanh nghiệp, ông Trần Đình Cường, CEO Ernst & Young (EY) Việt Nam cho rằng, tính tuân thủ tự giác của các doanh nghiệp Việt Nam chưa cao. Một số lập các báo cáo vì quy định như thế, thay vì suy nghĩ nhà đầu tư cần có những gì và trách nhiệm là người được ủy thác tài sản phải báo cáo ra sao.

Ông Cường cũng cho rằng các quy định dù chặt chẽ đến đâu vẫn có lỗ hổng, không có quy định nào ngay lập tức hạn chế được tất cả hành vi sai trái. "Chủ doanh nghiệp không làm công tâm và trách nhiệm dẫn đến việc cung cấp thông tin không kịp thời. Chưa kể có những trường hợp vì mục đích không trong sáng, các chủ doanh nghiệp cố tình gian lận thì rất khó cho các đơn vị kiểm toán phát hiện vì kiểm toán chỉ dựa trên chứng từ tài liệu", CEO Ernst & Young Việt Nam chia sẻ.

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước.

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước cho biết sắp tới sẽ có hình thức phạt với lãnh đạo và cả cá nhân hành nghề vi phạm quy định. Ảnh: Liên Hương.

Còn với công bố thông tin phi tài chính, ông Long cho rằng một số báo cáo không đơn thuần là số liệu như báo cáo thường niên nhưng hướng tới chuyện làm cho doanh nghiệp đẹp hơn nên tính minh bạch, độc lập khi công bố chưa cao.

Một vấn đề khác khi nhắc tới công bố thông tin ở Việt Nam là việc khó kiểm soát đạo đức nghề nghiệp. Theo Chủ tịch HĐQT SSI, trên thực tế doanh nghiệp thường đặt lợi ích riêng lên trên lợi ích của nhà đầu tư hay cổ đông, và khi đó, không ít doanh nghiệp sẽ bất chấp việc công bố thông tin sai để đạt được mục đích sau cùng, ví dụ như huy động vốn.

Ngoài ra, một lý do khác được nhắc tới là chế tài xử phạt vẫn chưa đủ mạnh, đủ sức răn đe."Dù mức phạt gần đây rất cao, lên tới 7-8 tỷ đồng nhưng con số đấy so với việc người ta có thể thu về cả trăm tỷ. Như Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã nói, mức phạt ấy không là gì cả", ông Hưng chia sẻ và cho rằng khi số tiền thu lợi hơn rất nhiều số tiền xử phạt thì "nỗi sợ" các quy định sẽ không còn.

Để giải quyết được những vướng mắc này, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Trần Văn Dũng cho biết cơ quan quản lý đang xây dựng những chế tài xử phạt cao hơn và mở rộng đối tượng xử lý. Đối với tổ chức là doanh nghiệp niêm yết, công ty đại chúng, sắp tới sẽ bổ sung hình thức không được phát hành trong một khoảng thời gian nếu có những sai phạm nghiêm trọng về công bố thông tin.

Với công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ do Ủy ban chứng khoán cấp phép hoạt động thì mức phạt có thể là dừng hoạt động. Với cá nhân thuộc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ sẽ bổ sung hình phạt với lãnh đạo và cá nhân hành nghề. Còn một số mức xử phạt vi phạm hành chính cũng được nâng lên.

Minh Sơn

No comments

Phan Mem Bao Mat Windows / Thoi Trang Nam / Bat Dong San Sai Gon / Dung Cu Cat