Cổ đông lớn Vinaconex bất đồng bởi dự án 2 tỷ USD
Chủ tịch HĐQT Vinaconex cho biết các nhóm cổ đông có sự khác biệt về quan điểm trong việc phát triển dự án Splendora.
Ngày 1/4, Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu & Xây dựng Việt Nam (Mã CK: VCG) tổ chức cung cấp thông tin bất thường cho các cổ đông sau khi sau khi Tòa án Nhân dân quận Đống Đa ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp buộc tổng công ty dừng thực hiện nghị quyết Đại hội đồng cổ đông ngày 11/1/2019. Đây là phiên đại hội bầu Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát sau khi tổng công ty này có sự thay đổi về mặt cổ đông.
Tại đại hội khi đó việc bầu Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát mới đã nhận được lần lượt là 99,99% và 99,98% tỷ lệ tán thành từ các cổ đông dự họp. Song gần đây 2 cổ đông lớn của công ty gửi đơn cho rằng việc tổ chức cuộc họp tổ chức chưa đúng luật.
Ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Vinaconex trong cuộc họp ngày 1/4. Ảnh: Nguyễn Hà |
Tại cuộc họp chiều nay, liên quan đến trình tự tổ chức đại hội hai tháng trước, ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT Vinaconex khẳng định việc triển khai đúng pháp luật. Điều lệ doanh nghiệp quy định có 3 trường hợp được triệu tập đại hội là theo yêu cầu của cổ đông lớn, HĐQT hoặc trưởng ban kiểm soát.
"Vinaconex có nhu cầu cần thiết phải tổ chức Đại hội cổ đông bất thường để chuyển giao công tác quản trị và điều hành doanh nghiệp từ cổ đông nhà nước sang các cổ đông mới trúng đấu giá", ông Thanh nói và cho biết đại hội khi đó được triệu tập theo yêu cầu của HĐQT. Việc đứng ra tổ chức là HĐQT cũ dưới sự tham gia của 2 cổ đông lớn cũ là Tập đoàn Viettel và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).
Ông Thanh cũng cho biết, đơn vị này còn có đầy đủ tài liệu, ghi âm, video thể hiện tại cuộc họp không có bất thường. Tại buổi cung cấp thông tin, đại diện Vinaconex cũng mở các tài liệu niêm phong liên quan đến việc biểu quyết bầu HĐQT và Ban kiểm soát tại đại hội bất thường diễn ra hai tháng trước, trong đó có chữ ký của đại diện Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ và Công ty TNHH Đầu tư Star Invest. Việc này được thực hiện dưới sự chứng kiến của đại diện văn phòng thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận việc mở niêm phong.
Ông cho rằng việc một số cổ đông tại đại hội ký đồng ý với nghị quyết HĐQT nhưng hai tháng sau lại nói không đồng tình chẳng khác gì việc bán một lô đất và làm thủ tục xong rồi lại nói không bán nữa.
"Điều này không khác gì tự bôi bùn lên người, có thể khiến nhà đầu tư mất niềm tin", ông Thanh nói.
Quyết định này của Toà án Nhân dân quận Đống Đa khiến cổ phiếu VCG giảm sàn trong phiên giao dịch ngày 28/3, vốn hoá sụt khoảng 1.200 tỷ đồng. Đại diện Vinaconex cho biết, ngay khi có biến động đó, lãnh đạo tổng công ty đã mời văn phòng thừa phát lại đến để định giá những thiệt hại do thông tin này gây ra. Đã gửi văn bản nói trên, song đại diện Vinaconex cho biết chưa nhận được phản hồi từ phía toà án bởi theo quy trình là 15 ngày.
Một phần dự án Splendora hiện đã được bàn giao cho người mua nhà. Ảnh: Splendora |
Tại buổi trao đổi thông tin, một trong những nội dung được nhiều cổ đông, cũng như các thành phần tham dự quan tâm là nguyên nhân nào khiến các nhóm cổ đông xảy ra bất đồng mặc dù trước đó 99,9% đã thông qua biểu quyết việc bầu ban lãnh đạo. Theo đại diện Vinaconex, nhóm cổ đông gửi đơn kiến nghị đến toà có liên quan đến Công ty Địa ốc Phú Long - đơn vị đang sở hữu 50% vốn tại Liên doanh An Khánh JVC, cũng là chủ đầu tư dự án Splendora (Bắc An Khánh, Hà Nội). Vinaconex hiện cũng nắm giữ 50% vốn ở dự án này.
Công ty Địa ốc Phú Long là công ty bất động sản thuộc Tập đoàn Sovico của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo. Doanh nghiệp này đang phát triển nhiều dự án tại TP HCM như Dragon City, Dragon Riverside City, Dragon Village đồng thời liên kết thực hiện các dự án HDBank Tower, Sovico Phú Quốc. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo hiện cũng là Tổng giám đốc Vietjet Air và Phó chủ tịch HĐQT HDBank.
Splendora là dự án đầu tư xây dựng khu đô thị cao cấp kết hợp các trung tâm, văn phòng thương mại ở phía Tây của Hà Nội, dọc theo trục đại lộ Thăng Long. Với tổng diện tích dự án là 245 ha, dự án chia làm 5 giai đoạn và được triển khai từ 2008. Theo quy hoạch ban đầu, dự án có 6.440 căn hộ chung cư và 1.311 biệt thự, nhà liền kề với tổng vốn đầu tư trên 2 tỷ USD.
Sau khi hoàn thành giai đoạn một vào năm 2013, do không thống nhất được nhiều nội dung giữa 2 đối tác, đồng thời thị trường gặp bất lợi nên dự án đã bị đình trệ gần 5 năm và mới khởi công lại một tiểu khu hồi cuối năm 2017.
Chủ tịch HĐQT Vinaconex cho biết, dự án Splendora có 200 ha đất thương mại và đã đóng thuế. Từng đóng vai trò Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Hưng - chủ đầu tư dự án Khu đô thị (Ecopark) và là một người có bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản, ông Thanh đánh giá hiện đây là mảnh đất lớn và thuộc nhóm tốt nhất của Hà Nội.
Ông cũng lý giải, để phát triển một công ty bất động sản phải có nhân sự và bộ máy chuyên nghiệp. Không phải bỗng dưng trên thị trường xuất hiện những tên tuổi như Vincom hay Ecopark. Và để tạo dựng một công ty như vậy thì theo ông người điều hành rất quan trọng.
Tại Liên doanh An Khánh JVC, trước đó ông Thân Thế Hà, đại diện cho Phú Long là Chủ tịch HĐQT tại đây. Ông Nguyễn Quang Trung (Phó tổng giám đốc Phú Long), một người có kinh nghiệm trong lĩnh vực chứng khoán giữ chức Tổng giám đốc.
"Chúng tôi không thể để một dự án lớn, không khác gì toà nhà 100 tầng nhưng không triển khai, mà cứ để đấy bao nhiêu năm. Với quan điểm đó, Vinaconex đề cử tôi trực tiếp làm Chủ tịch Liên doanh An Khánh JVC, nhằm phát triển dự án Splendora nhưng cho đến bây giờ lực bất tòng tâm. Khi mời họp HĐQT thì nhóm cổ đông này nói bận, họ không đến thì gây ra sự trì trệ và bế tắc", ông nói nhấn mạnh.
Một số quan điểm về phát triển dự án của các nhóm cổ đông cũng có sự khác biệt. Cụ thể, phía Splendora đề xuất đào hồ chạy vòng quanh các biệt thự, trong khi Vinaconex vẫn muốn triển khai theo quy hoạch như cũ.
Trước đó, Đại hội bất thường ngày 11/1 được tổ chức sau khi Vinaconex có thay đổi trong cơ cấu cổ đông. Một trong những thay đổi lớn nhất là đại hội đã bầu ông Đào Ngọc Thanh vào vị trí Chủ tịch HĐQT Vinaconex.
Ngoài ông Thanh, HĐQT mới của Vinaconex còn có ông Nguyễn Xuân Đông (Chủ tịch HĐQT Công ty An Quý Hưng), ông Dương Văn Mậu (Phó tổng giám đốc Vinaconex), ông Nguyễn Hữu Tới (Chủ tịch HĐQT Vinaconex 12), ông Bùi Tuấn Anh (Trợ lý Chủ tịch HĐQT Vinaconex 12), ông Nguyễn Quang Trung là Phó tổng giám đốc Địa ốc Phú Long và ông Thân Thế Hà - Phó tổng giám đốc Vinaconex, Chủ tịch HĐTV Công ty liên doanh TNHH Phát triển Đô thị mới An Khánh (An Khánh JVC).
Ban kiểm soát mới của Vinaconex gồm ông Nguyễn Xuân Đại, ông Lê Đình Vinh - đây là hai thành viên do Công ty Bất động sản Cường Vũ đề xuất. Tuy nhiên, chỉ 2 tháng sau khi diễn ra đại hội, hai cổ đông lớn của VCG là Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ (nắm giữ 21,3%) và Công ty TNHH Đầu tư Star Invest (7,6%) đã gửi đơn tới toà yêu cầu dừng khẩn cấp việc thực hiện nghị quyết nói trên.
Ngay sau quyết định của toà án, giá cổ phiếu VCG giảm sàn. Tổng công ty sau đó khiếu nại gửi Chánh án toà án Nhân dân TP Hà Nội và Chánh án toà Đống Đa kiến nghị huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp nói trên. Đồng thời, Vinaconex yêu cầu các bên liên quan bồi thường toàn bộ thiệt hại cho tổng công ty và các cổ đông của Vinaconex đối với các tổn thất do ảnh hưởng tiêu cực từ quyết định dừng khẩn cấp nói trên, bao gồm cả việc giảm giá cổ phiếu sau khi quyết định này được công bố.
Nguyễn Hà
No comments