Breaking News

Chủ tịch Nhựa An Phát: Xu hướng tất yếu là dùng sản phẩm tự huỷ thay túi nylon

Lãnh đạo Nhựa An Phát cho biết sẽ tăng cơ cấu sản phẩm "xanh" để đáp ứng nhu cầu chuyển dịch tất yếu hiện nay.

Chiến lược cạnh tranh của Công ty cổ phần Nhựa và môi trường xanh An Phát (Mã CK: AAA) trong sản xuất sản phẩm tự huỷ, thân thiện môi trường, thay thế túi nylon nhận được đưa ra chất vấn tại cuộc họp cổ đông thường niên năm 2019 sáng 16/4. 

Trả lời các cổ đông, ông Đinh Xuân Cường - Tổng giám đốc Tập đoàn An Phát cho biết đang có kế hoạch mở rộng hơn dòng sản phẩm tự huỷ tại thị trường nội địa. Cuối năm 2018, các sản phẩm túi tự huỷ, cốc giấy... của công ty này đã lên kệ nhiều hệ thống siêu thị và nhận được phản hồi tốt. "Với Việt Nam, xu hướng dùng bao bì, túi tự huỷ, thân thiện môi trường thay thế túi nylon sẽ là tất yếu", ông Cường nói.

Bổ sung, ông Phạm Ánh Dương - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nhựa và môi trường xanh An Phát cho rằng, hiện chưa có nhiều đơn vị làm dòng sản phẩm này, phần lớn là cơ sở quy mô nhỏ, chưa phải là sản xuất lớn, đại trà. Sản lượng sản phẩm tự huỷ chiếm 10% trong cơ cấu của An Phát nhưng sẽ tăng lên khi doanh nghiệp mở rộng hơn thị phần nội địa.

Tuy nhiên, để phát triển dòng sản phẩm tự huỷ thay thế túi nylon truyền thống, ông Dương nói, cần nhiều bước, như cải tiến công nghệ để giảm giá thành, thay đổi nhận thức dùng sản phẩm của người tiêu dùng...

Tại cuộc họp đại hội cổ đông Chủ tịch HĐQT Phạm Ánh Dương đã trình cổ đông việc đổi tên Công ty cổ phần Nhựa và môi trường xanh An Phát thành Công ty cổ phần Nhựa An Phát Xanh (AnPhat Bio Plastics Joint Stock Company). 

"Việc đổi tên này nhằm mục tiêu phù hợp với định hướng chiến lược phát triển mới, sản xuất sản phẩm tự tiêu huỷ, thân thiện môi trường, nhằm đem lại các giá trị bền vững nhất cho khách hàng, nhà đầu tư...", ông Dương giải thích.

Ông Phạm Ánh Dương - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nhựa và môi trường xanh An Phát. Ảnh: HT

Ông Phạm Ánh Dương - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nhựa và môi trường xanh An Phát. Ảnh: HT

Năm 2018 An Phát rót gần 800 tỷ đồng mua lại khu công nghiệp từ nhà đầu tư Đài Loan, thông qua đấu giá công khai nợ xấu của Ngân hàng BIDV. Chia sẻ với cổ đông về việc mua lại, phát triển khu công nghiệp này, ông Phạm Ánh Dương - Chủ tịch HĐQT khẳng định, An Phát đầu tư vào khu công nghiệp không phải theo kiểu "bán đất rồi mặc nhà đầu tư làm gì thì làm". Ngoài cung cấp đất xây dựng nhà xưởng cho nhà đầu tư, doanh nghiệp này đặt mục tiêu cấp trọn gói dịch vụ, gồm cơ sở hạ tầng, tài chính, nhân lực, công nghiệp phụ trợ, logistic... 

"Chúng tôi không xác định bán đất khi đầu tư khu công nghiệp, khai thác khu công nghiệp đơn thuần mà sẽ phát triển các giải pháp trọn gói cho nhà đầu tư vào đây", ông Dương khẳng định.

Ngoài sử dụng một phần diện tích của khu công nghiệp phát triển chuỗi nhà máy, tập đoàn này cũng sẽ chọn lựa nhà đầu tư trên tiêu chí đồng bộ, tạo thành chuỗi sản xuất công nghiệp. Hiện đã có một tập đoàn giấy của Hong Kong ký hợp đồng, đặt nhà máy tại khu công nghiệp này.

Năm 2018, AAA đạt doanh thu 8.011 tỷ đồng, gấp đôi 2017. Một số chỉ số an toàn tài chính cũng tốt hơn 2017, như hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu là 1,8; nợ trên tổng tài sản là 0,6. Tuy nhiên lợi nhuận lại giảm so với năm 2017, đạt 212 tỷ đồng sau thuế. Doanh thu của Nhựa An Phát đến phần lớn từ mở rộng kinh doanh của hai nhà máy sản xuất bao bì và sản xuất hạt Calbest, bột đá.

Lý giải chuyện lợi nhuận không đạt kế hoạch, ông Dương nói, do năm 2018 một số hợp đồng thương mại quan trọng với đối tác trong nước thực hiện chậm và phải hoãn sang năm 2019. Bên cạnh đó, Nhựa An Phát không tăng giá bán sản phẩm dù giá nguyên liệu đầu vào tăng, nhằm mở rộng thị trường mới, mạng lưới khách hàng.

Ông Dương cũng nói thêm vì mua lại khu công nghiệp kỹ thuật cao tại Hải Dương từ nhà đầu tư Đài Loan với giá gần 800 tỷ đồng, nên tạm thời chưa phát sinh lợi nhuận trong 2018.

"Lợi nhuận giảm 2018 không phải do sa sút về thị trường, kinh doanh mà do không đàm phán mua nguyên liệu của Nhà máy Lọc dầu Bình Sơn theo kế hoạch; chấp nhận trợ giá cho các nhà máy để chạy hết công suất. Việc giảm lợi nhuận cũng khiến ban lãnh đạo công ty day dứt", ông Dương chia sẻ. 

Với lợi nhuận 2018, Ban lãnh đạo đề nghị được trích 75% vào vốn lưu động, hơn 128 tỷ đồng để bù cho các khoản vay mượn mở rộng sản xuất trước đây. Lãnh đạo doanh nghiệp cũng xin ý kiến cổ đông việc không chia cổ tức năm 2018 để "giữ lực, chia cổ tức vào năm 2019". 

Đại hội cổ đông cũng thông qua phương án phát hành 8,5 triệu cổ phiếu cho người lao động (ESOP), giá 10.000 đồng một cổ phiếu, không được chuyển nhượng trong 1 năm. 85 tỷ đồng thu được từ đợt phát hành ESOP sẽ được bổ sung vào vốn lưu động của APH. 

Các cổ đông cũng thông qua tờ trình cho phép Tập đoàn An Phát nâng tỷ lệ sở hữu tại AAA lên tối đa 51% bằng cách mua cổ phiếu phát hành thêm hoặc mua thêm cổ phần của cổ đông hiện hữu, mà không thông qua chào mua công khai. 

Năm 2019, Nhựa An Phát đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 10.000 tỷ đồng, lợi nhuận 510 tỷ. Tỷ lệ chia cổ tức dự kiến 10-20% bằng tiền mặt. Doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, hoàn thiện hạ tầng khu công nghiệp kỹ thuật cao An Phát, đạt tỷ lệ khai thác 40%. Doanh nghiệp này cũng dự kiến xây nhà máy tại Mỹ chuyên sản xuất bao bì, sản phẩm nhựa thân thiện với môi trường. 

Nguyễn Hoài

No comments

Phan Mem Bao Mat Windows / Thoi Trang Nam / Bat Dong San Sai Gon / Dung Cu Cat