Phó thủ tướng: Siêu ủy ban không phải tổ chức kinh doanh vốn
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Siêu ủy ban làm đúng phận sự là đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước chứ không phải kinh doanh.
Chiều 26/3, lãnh đạo Chính phủ đã có buổi làm việc đầu tiên với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Siêu ủy ban). Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá mô hình ủy ban quản lý vốn Nhà nước được thành lập trên tinh thần tách bạch chức năng quản lý nhà nước với vai trò chủ sở hữu.
"Ủy ban không phải là tổ chức kinh doanh vốn nhà nước mà là đại diện chủ sở hữu vốn của nhà nước tại doanh nghiệp. Các tập đoàn, tổng công ty có quyền của họ. Luật đã có những quy định rõ ràng về trách nhiệm, quyền hạn doanh nghiệp được làm gì, chủ tịch làm gì, tổng giám đốc làm gì... ", Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nói.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ và Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn tại doanh nghiệp - ông Nguyễn Hoàng Anh. |
Phó thủ tướng yêu cầu ủy ban cần tập trung làm đúng phận sự là đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước. Nhiệm vụ quan trọng của cơ quan này là xử lý các dự án yếu kém thua lỗ, tập trung tái cơ cấu toàn diện về chiến lược, tài chính, quản trị, đầu tư của các doanh nghiệp nhận bàn giao.
Theo lãnh đạo Chính phủ, "Siêu ủy ban" cần quán triệt sâu sắc Nghị định 131/2018 về chức năng, nhiệm vụ, tránh tình trạng quản lý nhà nước muốn làm chức năng đại diện chủ sở hữu và đại diện sở hữu lại mon men muốn làm chức năng quản lý. "Dù hai lĩnh vực này có mối quan hệ gắn bó quan hệ, nhưng quản lý nhà nước là quản lý nhà nước, còn đại diện chủ sở hữu phải làm cho đúng vai, đúng chủ trương đường lối", Phó thủ tướng nhận xét.
Sau sáu tháng thành lập, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban cho biết đến nay đã tiếp nhận quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước với 19 tập đoàn, tổng công ty từ 5 Bộ chủ quản.
Sau khi tiếp nhận, cơ quan này đã kiện toàn bộ máy quản lý, kiểm soát viên, nhân sự người đại diện vốn nhà nước, phê duyệt tiền lương, bước đầu giải quyết trách nhiệm với các dự án đầu tư, xử lý khó khăn vướng mắc trong cổ phần hóa, thoái vốn của doanh nghiệp, xếp loại doanh nghiệp, và tái cơ cấu.
Ủy ban từ tháng 9/2018 đến nay đã tuyển dụng thêm 50 người, chủ yếu từ các Bộ, tổng công ty, xây dựng cơ cấu hoạt động gồm 8 vụ chuyên môn và trung tâm thông tin, ban hành 44 quy chế hoạt động...
Tuy nhiên, đại diện "Siêu ủy ban" cũng cho biết còn tồn tại nhiều khó khăn vướng mắc liên quan đến hoạt động, như vấn đề về trình tự, thủ tục trong xem xét quyết định chủ trương đầu tư với các dự án, vấn đề thẩm định dự án đầu tư hay quy định quản lý sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông vẫn chưa rõ ràng. Bên cạnh đó, nhiều quy định về quản lý và hoạt động vẫn thiếu sự liên thông giữa những văn bản Luật.
Đại diện một số Bộ cũng thể hiện sự băn khoăn về hoạt động khi cho rằng vẫn có sự không ăn khớp trong hợp tác giữa "Siêu ủy ban" và các đầu mối quản lý.
Đại diện Bộ Kế hoạch Đầu tư cho rằng những khó khăn mà ủy ban nêu ra về đầu tư không phải vấn đề mới và đã có từ trước khi ủy ban được thành lập. Với những vấn đề này, Bộ kiến nghị cần có những buổi làm việc đi vào chi tiết hơn, bởi "nói là vướng mắc trong thẩm định thủ tục đầu tư nhưng nếu xem xét kỹ càng thì liệu có thực sự vướng hay không".
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Công Thương thì nêu vấn đề, việc chuyển giao doanh nghiệp về Ủy ban giúp bộ tập trung cho quản lý nhà nước, song cũng có lo lắng bởi quá trình thực hiện. Lấy ví dụ về công tác quản lý xăng dầu, ông Hải cho rằng với tình hình hiện nay khi nguồn cung đang thiếu hụt khiến các đầu mối phải cân đối bằng nguồn nhập khẩu dù thuế suất cao hơn. Điều này nếu đứng trên góc độ kinh doanh sẽ ảnh hưởng đến hiệu suất sinh lời của doanh nghiệp, liệu cơ quan đại diện vốn Nhà nước có chấp thuận để đảm bảo an ninh năng lượng.
Đại diện Bộ Tư pháp thì nêu ra vấn đề về đại diện chủ sở hữu nhà nước, bởi có những nội dung mà Ủy ban đang muốn làm thêm vai của quản lý nhà nước, đơn cử như việc đề nghị được ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong khi đây không phải là cơ quan quản lý nhà nước.
Trước những khó khăn được nêu ra, Phó thủ tướng cho rằng ủy ban cần tiếp tục ủng cố bộ máy tổ chức, rà soát những công việc đã làm, thậm chí rà soát lại cán bộ đã tuyển dụng xem có làm được việc hay không, triệt để sử dụng người của các bộ ngành chuyển sang để làm việc chuyên môn cho hiệu quả...
"Ủy ban cứ yên tâm làm theo Nghị định 131 chứ đừng đề nghị ban hành cái nọ cái kia, hoạt động rồi sau đó đánh giá lại thấu đáo kết quả thực hiện, phân định rõ trách nhiệm các bên, cố gắng tập trung củng cố bộ máy", Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Minh Sơn
No comments