Breaking News

Những người dốc kiệt cuộc đời ở 'Silicon Trung Quốc'

"Không ngủ, không tình dục, không cuộc sống" là những gì tờ South China Morning Post miêu tả nhiều người làm công nghệ ở Bắc Kinh.

Người chồng vì quá tập trung vào việc giữ startup của mình tồn tại đến nỗi không thể ngủ vào ban đêm. Người vợ thừa nhận rằng, cả hai không có năng lượng nào cho chuyện chăn gối. Và cô cũng từng được hỏi có nghĩ đến chuyện chia tay vì người chồng chỉ biết có công việc hay không.

Đây là một cuộc đấu tranh tâm lý điển hình của hàng trăm nghìn công nhân trẻ ngành công nghệ Trung Quốc. Yu Haoran, một chuyên gia khoa học máy tính 26 tuổi cũng rơi vào hoàn cảnh đó. Anh thành lập Jisuanke năm 2014, một giải pháp dạy trẻ con lập trình tại quận công nghệ cao Zhongguancun ở Bắc Kinh.

Yu đã làm việc nhiều đêm và cuối tuần để phát triển công việc kinh doanh. Startup của anh được định giá 200 triệu nhân dân tệ (29,8 triệu USD) nhờ gọi được vốn mạo hiểm. Nhưng cái giá cá nhân anh phải trả là chứng mất ngủ kinh niên, đôi khi chỉ ngủ hai tiếng mỗi đêm.

"Tôi không nghĩ gì về cuộc sống. Vì tôi đang xây dựng nó và cho đến khi chưa hoàn thành thì tôi không thể nghĩ được về cái gì khác", Yu nói.

Có những cặp vợ chồng cùng làm IT ở Trung Quốc bị kiệt sức để có thể có con. Đồ họa: SCMP

Có những cặp vợ chồng cùng làm IT ở Trung Quốc bị kiệt sức để có thể có con. Đồ họa: SCMP

Năm ngoái, Trung Quốc có 4 tỷ phú USD mới mỗi tuần, theo báo cáo của Hurun. Công nghệ là động lực làm giàu lớn nhất, tiếp theo là bất động sản. Hàng nghìn người hy vọng sẽ trở thành Jack Ma tiếp theo, người đã xây dựng Alibaba thành một công ty khổng lồ từ khởi đầu khiêm tốn trong căn hộ.

Khu vực quận Zhongguancun và lân cận được xem là thung lũng Silicon của Trung Quốc, nơi đặt trụ sở chính của các gã khổng lồ công nghệ như Baidu, Meituan hay ByteDance. Trong cuộc trò chuyện của phóng viên tờ South China Morning Post với những người trẻ làm công nghệ tại đây, nhiều người thừa nhận họ đang chiến đấu đến kiệt sức vì công việc. Số khác thì lo lắng về những giới hạn nghề nghiệp, nghỉ việc và môi trường phân biệt giới tính.

Một số người cuối cùng nhận ra họ cần đạt được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống vì lợi ích sức khỏe của chính họ. Những người khác cố gắng tìm cách thoát khỏi một thế giới công nghệ đầy cơ hội tiền bạc và sự cường điệu.

Trong ba thập kỷ qua, Zhongguancun đã chứng kiến sự trưởng thành của nhiều thế hệ khởi nghiệp công nghệ Trung Quốc như hãng máy tính Lenovo, cổng thông tin Sina, ứng dụng gọi xe Didi Chuxing. Theo chính quyền địa phương, có khoảng 80 công ty khởi nghiệp công nghệ được sinh ra tại đây mỗi ngày.

Những năm gần đây, Zhongguancun trở nên quá đông đúc và đắt đỏ. Nhiều công ty lớn dời văn phòng đi xa hơn. Khu vực Xierqi ở phía tây bắc thủ đô là ví dụ, với trụ sở mới của Baidu, Sina, NetEase và Didi. Hay như khu Wangjing trở thành nhà của Meituan Dianping, Momo và Alibaba Group Holding.

Khi 'Silicon Trung Quốc' mở rộng, người lao động có thêm rắc rối mới là việc di chuyển. Dân IT tại Bắc Kinh thường đùa rằng điểm nghẽn của phát triển internet Trung Quốc chính là tắc đường ở Houchang Village, một con đường huyết mạch nối đến Xierqi. Con đường này từng biến thành sông sau cơn mưa mùa hè năm ngoái. Khi ấy, nó càng nổi tiếng bởi bức ảnh được lan truyền trên mạng về một người đi làm ngồi trên thùng rác bình tĩnh lướt điện thoại.

Yang năm nay 33 tuổi, làm quản lý sản phẩm trong một công ty internet ở Xierqi. Mỗi ngày, anh thức dậy lúc 6h sáng để đi 2 tuyến tàu điện ngầm và xe buýt. Mất tổng cộng 2,5 giờ để đến chỗ làm. "Ngay khi có chỗ ngồi, tôi có thể ngủ bất kể điều kiện, dù nó có gập ngềnh hay chật chội ra sao", anh nói.

Số khác thuê trọ gần trụ sở để tránh ác mộng đi lại. Bu, một chuyên gia tiếp thị tầm 20 tuổi, gần đây đã chuyển đến một khu phức hợp ở Xierqi, cách văn phòng 10 phút đi bộ. Căn phòng có giá thuê gần 600 USD mỗi tháng, được chia cùng hai người khác. Quyết định sống ở Xierqi có nghĩa cô phải rời xa mọi tiện nghi, hàng quán, điểm giải trí yêu thích. "Tôi thấy mình như bị lưu đày khỏi Bắc Kinh", cô nói.

Các công ty công nghệ ở Trung Quốc thường mong đợi nhân viên làm việc nhiều giờ để chứng minh sự cống hiến. Họ có một lịch trình gọi là 996 tức 9h sáng làm, 9h tối nghỉ, 6 ngày một tuần.

Vợ Yang đã 29 tuổi, làm quản lý sản phẩm tại Wangjing. Khi hai vợ chồng về nhà sau một ngày làm việc thì đã gần nửa đêm. Họ đã cố gắng để sinh con trong nhiều tháng nhưng không còn sức cho tình dục. "Tôi hy vọng chúng tôi sẽ tiến bộ nhanh hơn", Yang lo lắng vợ khó mang thai hơn vì gần 30 tuổi.

Ranh giới giữa công việc và cuộc sống riêng tư càng bị xóa nhòa bởi các đặc quyền của công ty như bữa ăn miễn phí, xe đưa đón, phòng tập thể dục hay cửa hàng cắt tóc tại chỗ, cũng như nhiều lựa chọn giải trí khác. Mặc dù Google và Facebook cũng cung cấp những phúc lợi tương tự nhưng một số nhân viên công nghệ Trung Quốc nói rằng họ cảm thấy bị lợi dụng.

Sự thật, những đãi ngộ như thế không níu chân họ lâu hơn. Theo dữ liệu của Maimai, một mạng việc làm kiểu LinkedIn, trung bình nhân viên ở Thung lũng Silicon gắn bó với công ty 3,65 năm. Còn trong các công ty công nghệ Trung Quốc, trừ các hãng viễn thông nhà nước, con số chưa đến 2,6 năm.

Thậm chí còn có những trường hợp tử vong sớm, được cho là liên quan đến kiệt sức vì công việc. Năm 2015, Li Junming, một lập trình viên của Tencent, đã ngã quỵ và chết khi đang đi dạo cùng người vợ đang mang thai.

Một năm sau, Jin Bo, 34 tuổi, phó tổng biên tập của diễn đàn trực tuyến Tianya, bị ngừng tim tại một ga tàu điện ngầm ở Bắc Kinh. Năm ngoái, một nhân viên 25 tuổi của hãng máy bay không người lái DJI cũng đã chết vì ngừng tim.

Văn hóa làm việc cật lực xuất phát từ việc các startup nhận được nhiều khoản tiền đầu tư mạo hiểm lớn và mong muốn sớm có kết quả. Tuy nhiên, tình hình đang thay đổi. Cuối năm ngoái, nhiều công ty nêu kế hoạch cắt bớt lương thưởng, phúc lợi và nhân sự do kinh doanh đi xuống. Vào tháng 1, vốn đầu tư mạo hiểm của Trung Quốc đạt 4,3 tỷ USD, giảm gần 70% so năm trước, theo dữ liệu của Zero2IPO.

Với hơn 10 năm kinh nghiệm, Yang giữ vị trí cấp trung tại công ty. Tuy nhiên, anh ta so sánh mình với một công nhân xây dựng, kiếm nhiều tiền nhờ cường độ làm việc cao nhưng có thể dễ dàng bị thay bằng lao động trẻ và rẻ hơn. Anh đang cân nhắc tự khởi nghiệp để dành thời gian sinh con và chăm sóc vợ.

Có nhiều từ lóng mà giới lập trình ở Trung Quốc hay dùng, chẳng hạn như "manong", có nghĩa là nông dân mã hóa hay "chengxuyuan" là một cách chơi chữ, dịch ra từ "vượn lập trình".

Ren, một lập trình viên 24 tuổi cho biết cô đã từ chối các công ty yêu cầu lịch trình 996. Cô cũng nói không với các nhà tuyển dụng hỏi những câu thẳng thừng như "Cô đã sẵn sàng chia tay bạn trai chưa?"

Còn đối với Yu, anh bắt đầu thực hiện những thay đổi nhỏ trong lối sống. Anh tập máy chạy bộ và làm bữa sáng tại nhà mỗi ngày. Một buổi chiều dần đây, anh đã đi mua bộ quần áo đầu tiên sau nhiều năm.

Phiên An (theo SCMP)

No comments

Phan Mem Bao Mat Windows / Thoi Trang Nam / Bat Dong San Sai Gon / Dung Cu Cat